Tiếng Việt | English

25/04/2019 - 20:21

Nặng lòng với loại hình di sản văn hóa phi vật thể

Long An có 7 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nhà nước Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) vào tháng 3/2019. Đây là những nghệ nhân (NN) có cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Người múa bóng rỗi đòi hỏi phải có năng khiếu tổng hợp ca, diễn và múa  (Trong ảnh: Nghệ nhân ưu tú Minh Hùng đang biểu diễn)

Người múa bóng rỗi đòi hỏi phải có năng khiếu tổng hợp ca, diễn và múa (Trong ảnh: Nghệ nhân ưu tú Minh Hùng đang biểu diễn)

Múa bóng rỗi - bộ môn nghệ thuật dân gian độc đáo

Nằm trên đường Trương Định, phường 1, TP.Tân An, có một ngôi nhà treo bảng hiệu Nhạc Tây Minh Hùng cùng với sạp bán trứng, đó là tổ ấm mấy chục năm qua của NNƯT Lê Minh Hùng cùng vợ và con gái. Đời “bóng rỗi” khá chênh vênh, vậy mà ông vẫn thầm lặng theo đuổi và gìn giữ bộ môn nghệ thuật dân gian độc đáo này hơn 40 năm qua.

Bên tách trà nóng, ông kể về cuộc đời của nghề múa bóng rỗi (MBR): “MBR có thể xem như một thể loại của nghệ thuật dân gian bởi sự hòa quyện của 2 yếu tố tâm linh và giải trí. Người MBR đòi hỏi phải có năng khiếu tổng hợp ca, diễn và múa. Ngoài ra, người MBR phải có sức khỏe, khéo léo, mềm mại, uyển chuyển, nhạy bén trong cảm âm. Trang phục của người làm nghề MBR rất sặc sỡ, hóa trang đậm nét,...”.

18 tuổi, NNƯT Minh Hùng theo nghề MBR nhưng các thành viên trong gia đình chẳng ai tán thành. Những hôm trốn nhà đi cúng, ông bị mấy người anh phát hiện và đánh.

“Mặc dù bị đánh nhưng vì quá đam mê MBR nên tôi vẫn lén gia đình theo miễu môn vía bà mỗi ngày. Đến khi mẹ tôi can ngăn, khuyên các anh để tôi được lựa chọn cuộc sống của riêng mình, mấy người anh mới “buông tha” và xem như tôi chẳng còn tồn tại trong gia đình” - ông bùi ngùi nhớ lại.

Là người MBR có tiếng và khá đắt show nhưng ông cũng không thể sống bằng nghề. Vì vậy, ngoài MBR, NNƯT Minh Hùng còn thổi kèn Tây, đánh phá quàn để kiếm thêm thu nhập. Những lúc không có show đám tang hay cúng miễu, ông phụ vợ và con gái bán trứng. Ông tâm sự: “Mỗi suất diễn, tôi hợp đồng từ 1,5-2 triệu đồng, trong đó có cả chi phí xăng xe, ăn, nghỉ, mua quần áo, đạo cụ,... Nghề này, làm ăn theo mùa, thịnh nhất trong năm là từ tháng Giêng đến tháng tư âm lịch (mùa giao xuân), những tháng còn lại hầu như tôi rất ít đi diễn. Vì vậy, tôi phải có thêm nghề tay trái (hát, kéo nhạc Tây, xiếc,...) để kiếm thêm thu nhập”. 

Hơn 40 năm làm “cô bóng”, NNƯT Minh Hùng truyền nghề cho nhiều lứa học trò. Theo ông, MBR không chỉ cần đam mê mà còn phải kiên trì và quyết tâm. Học hát rỗi, học múa tạp kỹ,... toàn những “món” không dễ dàng. “Lúc mới học rất khó, ban đầu thầy chỉ cho tôi tập giữ thăng bằng bằng cây huệ, sau đó là múa dao, rất nguy hiểm. Từ 2 dao, sau lên 4, rồi 6 con dao, để thăng bằng trên đầu cây trúc. Lúc đầu cũng sợ nhưng vì đam mê nên tôi quyết tâm theo nghề” - anh Nguyễn Ngọc Lợi - học trò của NNƯT Minh Hùng, chia sẻ.

Mặc dù phải vượt qua nhiều thử thách, bị không ít người đời gièm pha, chọc ghẹo khi khoác lên người bộ áo dài, “bôi son, trét phấn” lên mặt nhưng mỗi lần lên sân khấu, lửa nghề trong ông luôn rực cháy. Ngoài múa mâm vàng, NNƯT Minh Hùng còn múa bát bông, bông huệ, lưỡi siêu, dĩa bay, bình, tĩnh, khạp, lu, lông công,...

Đặc biệt, ông dùng đầu, trán hay môi đỡ lấy vật nặng múa thăng bằng 2-3 phút mà không rớt. Với tài năng này, “cô bóng” Minh Hùng được người xem ngưỡng mộ, nhận nhiều huy chương, bằng khen trong các cuộc liên hoan MBR cấp khu vực và toàn quốc. Ông còn vinh dự được mời tham gia gameshow truyền hình Kẻ thách thức, Người bí ẩn về bộ môn MBR trên kênh THVL1 và HTV7.

Nghệ nhân ưu tú Minh Hùng nhận được nhiều huy chương, bằng khen trong các cuộc liên hoan múa bóng rỗi cấp khu vực và toàn quốc

Nghệ nhân ưu tú Minh Hùng nhận được nhiều huy chương, bằng khen trong các cuộc liên hoan múa bóng rỗi cấp khu vực và toàn quốc

“Cả cuộc đời chịu nhiều cay đắng để đi theo bộ môn này, tôi cảm thấy không hối tiếc. Dù bị anh em, người đời dị nghị, xa lánh, nhưng may mắn, tôi có người vợ tảo tần, cảm thông với đam mê của mình. Cả đứa con gái giờ đã trưởng thành nhưng hiểu và thương những nghiệt ngã “đời bóng” của cha mình” - NNƯT Minh Hùng tâm sự.

Với những thành tích nổi bật, NN Lê Minh Hùng vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NNƯT trong bộ môn nghệ thuật MBR vì những cống hiến, gìn giữ bộ môn này suốt hơn 40 năm qua.

Đàn lòng quyện tiếng tơ rung

Tĩnh lặng mà cuộn dâng, chân chất mà hào hoa,... là những cảm nhận khi NN Nguyễn Tấn Khoa (xã Bình An, huyện Thủ Thừa) thả hồn mình theo tiếng đờn kìm. Ông vinh dự là 1 trong 7 NN của tỉnh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NNƯT vào năm 2019 với những cống hiến cho bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT).

NNƯT Tấn Khoa được giới tài tử ca biết đến là một NN đờn lót chữ điêu luyện. “Từng chữ đờn, chữ nhúng được NN sắp xếp một cách tỉ mỉ, chính xác trong từng phím đờn, để cung tơ vô tri, vô giác tạo ra những thanh âm say đắm lòng người” - NNƯT Hồng Cúc (phường 5, TP.Tân An) nhận định.

Gia đình ông có 4 đời theo nghề nhạc lễ và ĐCTT. 2 người con của ông, 1 người đi nhạc lễ và người còn lại học ngành Âm nhạc dân tộc. Ông tự hào: “Ngày trước, nội tôi chuyên chơi nhạc lễ tại Bến Thủ (nay là huyện Thủ Thừa). Cha tôi cũng theo nhạc lễ và chơi ĐCTT. Vậy mà, cả 2 người không muốn tôi theo nghề vì sợ nghiệp đờn ca, hát xướng long đong, vất vả nhưng rồi thấy tôi đam mê quá, cha cũng dạy cho tôi đờn”. 

Điều “đáng nể” ở NNƯT Tấn Khoa là biết và chơi rất hay nhiều loại nhạc cụ. Tổ ấm của ông, nhìn đâu cũng thấy treo đờn: Guitar, sáo, đờn bầu, đờn cò, đờn tranh, đờn hạ uy di và đặc biệt là đờn kìm. Ông bộc bạch: “Có thời gian, tôi muốn từ bỏ ĐCTT mà chuyên tâm lo chuyện cơm áo gạo tiền. Nhiều năm liền, tôi từ chối tất cả lời mời của bạn bè, đồng nghiệp, không tham gia bất cứ chương trình ĐCTT nào, nhưng rồi tình yêu dành cho những bản đờn dìu dặt đã thấm sâu vào máu thịt, níu kéo tôi trở lại”. 

Nghệ nhân ưu tú Tấn Khoa được giới tài tử ca biết đến là một nghệ nhân đờn lót chữ điêu luyện

Nghệ nhân ưu tú Tấn Khoa được giới tài tử ca biết đến là một nghệ nhân đờn lót chữ điêu luyện

ĐCTT là bộ môn nghệ thuật thiên về đờn, NN đờn bằng tài năng của mình mà sắp xếp chữ đờn trong lồng bản để tạo ra cái hồn riêng cho từng bản đờn. Với NNƯT Tấn Khoa, cầm trên tay cây đờn nghĩa là đang đặt vào đó cả tâm tình và niềm đam mê, tiếng đàn lòng luôn hòa quyện theo từng tiếng tơ rung. Từ nhỏ, ông xác định con đường sự nghiệp của mình chỉ có thể gắn liền với những cây đờn. Chơi đờn và truyền dạy cho các thế hệ sau những am hiểu của mình là niềm vui, hạnh phúc vô bờ bến đối với ông hiện nay.

NN Lê Minh Hùng, Nguyễn Tấn Khoa là 2 trong 7 cá nhân vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NNƯT. Mặc dù vẫn còn nhiều lo toan trong cuộc sống mưu sinh nhưng họ luôn quyết tâm theo đuổi và gìn giữ bộ môn nghệ thuật dân gian độc đáo, loại hình di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc./.

 Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Nguyễn Phú Trọng vừa ký Quyết định số 355/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Nhà nước Nghệ nhân ưu tú cho 561 cá nhân thuộc các loại hình di sản văn hóa phi vật thể; trong đó, tỉnh Long An có 7 cá nhân được phong tặng thuộc loại hình di sản nghệ thuật trình diễn dân gian.

Sông Măng

Chia sẻ bài viết