Tiếng Việt | English

15/01/2018 - 10:28

Nặng tình với trẻ vùng biên

Chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ, dạy trẻ điều hay, lẽ phải,... không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn mà còn là cách thể hiện tình yêu thương trẻ của cô Liêu Thị Ngọc - giáo viên (GV) Trường Mầm non Sao Mai (xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An).

Cô Liêu Thị Ngọc chăm chút cho trẻ trong từng bữa ăn

Đi dạy năm 1988 - thời điểm GV gặp  khó khăn mọi bề, từ cơ sở vật chất trường học thiếu thốn, lương thấp, đường giao thông đi lại khó khăn,... ấy vậy mà, cô Ngọc vẫn kiên trì bám trường, bám lớp vì tình yêu thương dành cho trẻ em vùng biên.

Cô Ngọc kể: "Thời ấy, lớp học là những căn nhà tranh, vách đất, nhiều lúc, trẻ đến lớp với bộ quần áo xộc xệch, mặt mũi lấm lem. Thấy vậy, tôi càng thương các em hơn". Nhờ tình cảm đặc biệt dành cho trẻ, cô Ngọc không ngại khó, cố gắng giữ trọn ngọn lửa đam mê với nghề và tình yêu thương trẻ.

Mỗi buổi dạy, cô đều chuẩn bị kỹ giáo án, nội dung hoạt động, đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị phục vụ tiết dạy, trong đó, đặc biệt chú ý đồ dùng, đồ chơi tự làm. Vì theo cô, đó là một trong những điểm thu hút trẻ nhất. Do đó, cô đầu tư khá nhiều thời gian để tự làm đồ dùng, đồ chơi ấy tại nhà.

Cô Ngọc nói: "Làm đồ dùng, đồ chơi không chỉ chú ý tính năng bền - đẹp - rẻ mà còn phải bảo đảm an toàn cho trẻ và phát huy hiệu quả các tiết dạy. Trong quá trình sử dụng đồ dùng, đồ chơi, tôi hướng dẫn trẻ cách chơi, bảo quản để có thể sử dụng được nhiều lần và lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho trẻ".

Ngoài ra, cô Ngọc còn ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, cho trẻ xem các hình ảnh, video gắn liền với nội dung hoạt động hàng ngày, tạo hứng thú và giúp trẻ khắc sâu kiến thức. Nhờ vậy, các tiết dạy của cô luôn được tổ chức một cách sinh động, thu hút trẻ tham gia.

Cô Liêu Thị Ngọc cho trẻ tham gia hoạt động ngoài trời

Trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ, cô theo sát sự phát triển của từng bé, đặc biệt chú ý đến trẻ suy dinh dưỡng, quá hiếu động hay còn nhút nhát. Cô chăm chút cho trẻ trong mỗi bữa ăn, giấc ngủ. Những trẻ biếng ăn luôn được cô động viên, đút trẻ ăn. Với những trẻ rụt rè, cô thường xuyên trò chuyện, hướng dẫn trẻ tham gia các hoạt động.

Với cô Ngọc, nuôi dạy, chăm sóc trẻ không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn mà còn là tấm lòng của người mẹ dành cho những đứa con thân yêu. Cuối năm 2017, nhận quyết định về hưu nhưng cô Ngọc tiếp tục ký hợp đồng với trường trong thời gian thiếu GV để được gần gũi và chăm trẻ./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết