Tiếng Việt | English

10/02/2018 - 13:01

Nét đẹp Tết xưa - Tết nay

Tết nay dù có nhiều thay đổi phù hợp cuộc sống hiện đại nhưng những nét đẹp văn hóa, truyền thống tâm linh của tết xưa vẫn còn lưu giữ. Đó là các phong tục hái lộc đầu xuân, xông đất, lì xì,…

Gói bánh ngày Xuân. Ảnh: Hữu Tuấn

Tết xưa bày, nay giảm bớt

Người xưa quan niệm về tết rất cụ thể: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Tết được chuẩn bị từ mấy tháng trước: Nuôi con heo cũng để tết, gà, vịt thả vườn cũng nhắm những con mập nhất để dành tết làm thịt cúng ông bà, đãi khách,... Trẻ con có bộ đồ đẹp cũng để dành mặc tết. Lá mai được tuốt từ rằm tháng Chạp cho kịp nở hoa ngay tết. Sau lễ cúng ông Táo về trời, các bà, các mẹ bận rộn dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị dưa cải, dưa kiệu, xay bột, tráng bánh. Những ông đồ thì chuẩn bị mực tàu, giấy đỏ phục vụ việc xin chữ - cho chữ.

Mọi việc chuẩn bị phải hoàn thành trước chiều 30 tết. Nhà cửa được trang hoàng tươm tất. Mâm ngũ quả với các loại trái cây: Cầu, dừa, đủ, xoài, sung bày biện trên bàn thờ thể hiện lòng thành kính và ước mong những điều tốt đẹp của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Cành mai cắm trong bình đặt trên chiếc bàn ở giữa nhà bắt đầu khoe sắc. Hũ gạo trong bếp hay lu nước trước cửa nhà đều đầy ắp. Dù giàu hay nghèo, thành thị hay nông thôn, gia đình nào cũng chuẩn bị mâm cơm thịnh soạn, trước để rước ông bà về ăn tết với con cháu, sau là cả nhà sum họp bên nhau.

Sau lễ cúng ông Táo về trời, các bà, các mẹ bận rộn dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị dưa cải, dưa kiệu cho những ngày tết

Tết xưa đong đầy trong ký ức mỗi người là hình ảnh cả nhà xúm lại vo gạo nếp, chẻ lạt gói bánh chưng, bánh tét cùng quây quần bên bếp lửa canh nồi bánh sao cho kịp vớt ra cúng giao thừa. Tiếng pháo giao thừa nổ vang khắp xóm, mọi người cùng trao nhau lời chúc năm mới. Tiếng nói cười rôm rả càng thắt chặt tình làng, nghĩa xóm. Ngày tết, từ đầu trên đến xóm dưới, nhiều nhà trải chiếu, tụm năm tụm ba lắc bầu cua cá cọp, đánh bài cào, chơi lô tô.

Ngày nay, những phong tục, lễ nghi ngày tết giản đơn hơn để phù hợp cuộc sống hiện đại. Nồi bánh chưng, bánh tét đêm giao thừa không còn nhiều. Cuộc sống bận rộn nên các bà nội trợ thường lựa chọn mua bánh gói sẵn tại các chợ, siêu thị. Tiếng pháo xưa bây giờ chỉ còn trong ký ức mà thay vào đó là tiếng pháo hoa được đốt tập trung tại một số địa phương.

Bà Lê Thị Dẻo (71 tuổi), ngụ ấp Phước Thới, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, chia sẻ: “Đường sá đi lại thuận tiện, chợ bán từ sáng đến tối nên không cần mua sắm chuẩn bị tết từ sớm như trước đây. Tết nay, dù đơn giản hơn nhưng gia đình tôi vẫn giữ các phong tục: Tảo mộ, xông đất, hái lộc đầu xuân, lì xì, chuẩn bị bánh, mứt, hương, hoa, mâm ngũ quả thờ cúng ông bà, tổ tiên,... Tết năm nào, gia đình tôi cũng sum vầy bên nhau vào ngày mùng 2. Vợ chồng tôi thường khuyên dạy con cháu phải giữ lòng hiếu thảo, biết ơn ông bà, tổ tiên”.

Phong tục mừng tuổi đầu năm là một nét đẹp văn hóa được duy trì từ bao đời nay

Chung một niềm vui

Hòa cùng không khí chào đón xuân sang, ông Huỳnh Văn Hạng (cán bộ hưu trí huyện Thạnh Hóa), ngụ ấp Bến Kè, xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa, phấn khởi: “Nếu cây nêu là tín hiệu của mùa xuân xưa thì hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trước gió xuân ngày nay vừa tô điểm trời xuân, vừa mang ý nghĩa nhắc nhở thế hệ sau tiếp nối những trang sử vàng của dân tộc. Tết năm nay đặc biệt hơn vì kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 giành thắng lợi, tạo tiền đề giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đời sống người dân ổn định, ai ai cũng náo nức chào đón năm mới an khang, thịnh vượng hơn”.

Tết là dịp để các thành viên trong gia đình cùng nhau đi thăm, chúc tết bà con, họ hàng, cùng trò chuyện, hỏi thăm nhau sau một năm lo toan công việc. Nhịp sống hiện đại với guồng quay hối hả nên những hoạt động bên nhau ngày tết của mỗi gia đình ít nhiều khác đi theo hướng giản tiện hơn. Có thể là cả nhà cùng nhau ăn bữa cơm truyền thống tại nhà hoặc cùng đi dạo ở chợ hoa xuân, du lịch khám phá những miền đất mới,...

Theo Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi huyện Thủ Thừa - Trần Minh Dân: “Ngày xưa, dù cuộc sống nhiều vất vả, thiếu thốn nhưng tết đến bao giờ cũng là một sự kiện vô cùng đáng nhớ. Cũng là đón tết nhưng tết nay đơn giản hơn nhiều. Thế nhưng, dù tết xưa hay tết nay, mỗi người chúng ta cần lưu giữ giá trị truyền thống, phong tục tốt đẹp từ bao đời nay. Bởi, đó chính là giá trị văn hóa, khởi nguồn cho mọi sức mạnh của dân tộc, không chỉ hôm nay mà cả mai sau. Thế hệ trẻ hôm nay cần biết và xem đó như hành trang cho cuộc đời mình để những giá trị ấy luôn được tiếp nối, trường tồn”.

Có thể “hình thức” sum vầy khác đi nhưng niềm mong ước đón tết trọn vẹn trong không khí ấm áp của tình thân chưa bao giờ bị lãng quên. Tết nay nối tết xưa bằng niềm vui, những ước mong, háo hức đón tết đến sau một năm dài./.

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết