Tiếng Việt | English

04/10/2019 - 07:43

Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp và đối thoại với công dân

Ngày 18/02/2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 11-QĐi/TW “Quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo người đứng đầu cấp ủy từ cấp tỉnh đến cơ sở có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh chủ trì tiếp, đối thoại trực tiếp với dân

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh chủ trì tiếp, đối thoại trực tiếp với dân

Người đứng đầu cấp ủy phải tiếp, đối thoại với dân

Những năm qua, công tác tiếp công dân, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo luôn được tỉnh xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, liên tục, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, cơ quan, đơn vị. Có nhiều đồng chí bí thư đã chủ động dành thời gian tiếp, đối thoại với công dân và giải quyết kịp thời các bức xúc. Tuy nhiên, từ khi Bộ Chính trị có Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 thì vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân càng được nâng cao hơn.

Ngày 27/5/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 103-KH/TU về việc thực hiện Quy định số 11 của Bộ Chính trị để triển khai trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch này yêu cầu người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo quy định.

Theo quy định, định kỳ Bí thư Tỉnh ủy, người đứng đầu cấp ủy cấp huyện tiếp dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng; người đứng đầu cấp ủy cấp xã tiếp dân ít nhất 2 ngày trong 1 tháng. Ngoài ra, người đứng đầu cấp ủy tiếp dân đột xuất trong các trường hợp liên quan đến vụ việc nổi cộm, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, đơn vị còn khác nhau; vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hệ lụy khác, làm thiệt hại tài sản, xâm hại đến tính mạng con người.

Theo Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy - Nguyễn Thành Vững, theo quy định, người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp tiếp dân, đối thoại với dân, không ủy quyền cho các chức danh khác. Trường hợp không thể tiếp đúng định kỳ thì thông báo và tổ chức tiếp dân bù vào thời gian gần nhất. Phạm vi tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy là các trường hợp UBND cùng cấp đã xem xét giải quyết rồi nhưng người dân vẫn không đồng ý; UBND cùng cấp chưa xem xét, giải quyết, rà soát nhưng người dân thực sự bức xúc. Các trường hợp còn lại do Chủ tịch UBND tiếp, đối thoại với công dân theo quy định.

Nếu người đứng đầu cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND hoặc chủ tịch UBND thì có thể kết hợp việc tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy với tiếp dân của chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND thành một cuộc. Nếu có phản ánh kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân về nội dung “suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa của cán bộ, đảng viên” thì phải tổ chức tiếp riêng với tư cách là người đứng đầu cấp ủy.

Giải quyết kịp thời những kiến nghị, khiếu nại chính đáng của người dân

Trên địa bàn tỉnh thời gian qua, tình hình đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực quản lý hành chính không tăng nhiều, tuy nhiên, vẫn còn phức tạp, chủ yếu là các khiếu nại liên quan đến bồi thường đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đòi lại đất cũ,... Từ khi có Quy định số 11, người đứng đầu cấp ủy càng nêu cao vai trò trong việc tiếp dân, đối thoại với dân.

Tại huyện Bến Lức, thời gian qua, có nhiều người gửi đơn kèm yêu cầu gặp Bí thư Huyện ủy để trình bày những thắc mắc, khiếu nại. Để tham mưu giải quyết, bộ phận chuyên môn sẽ tiến hành rà soát, phân loại đơn đủ điều kiện, “quá bức xúc” để người đứng đầu cấp ủy tiếp, đối thoại.

Theo Bí thư Huyện ủy Bến Lức - Trần Hoàng Nhân, ở huyện khiếu nại chủ yếu liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hàng tháng, ông đều sắp xếp lịch tiếp và đối thoại với dân theo đúng Quy định số 11 của Bộ Chính trị. Ngoài ra, cũng luôn chỉ đạo tăng cường tuyên truyền quy định này và quán triệt người đứng đầu cấp ủy các xã, thị trấn thực hiện tốt, đồng thời niêm yết công khai quy định này ở nơi tiếp công dân để mọi người nắm rõ.

“Mỗi lần tiếp dân, đối thoại với dân, tôi luôn tìm hiểu, nghiên cứu kỹ hồ sơ, trao đổi với phòng, ban chuyên môn về vấn đề. Trong tiếp xúc, đối thoại, tôi luôn lắng nghe, tôn trọng ý kiến của người dân, các ngành để có kết luận. Những vấn đề người dân chưa rõ, thắc mắc, tôi sẽ giải thích thêm. Với những kiến nghị, khiếu nại chính đáng của người dân hoặc còn những điều chưa rõ, còn bất cập, tôi sẽ chỉ đạo và yêu cầu phòng, ban hoặc địa phương giải quyết kịp thời. Ví dụ như liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường thực hiện dự án mà người dân còn thắc mắc thì tôi chỉ đạo phải công khai, minh bạch các dự án để người dân nắm rõ” - Bí thư Huyện ủy - Trần Hoàng Nhân cho biết.

Xã Hòa Phú, huyện Châu Thành đang được chọn thực hiện xây dựng xã điểm nông thôn mới nâng cao của tỉnh. Trong thực hiện chương trình này, xã luôn chú trọng đến công tác xây dựng, củng cố, nâng chất hệ thống chính trị. Trong đó có nhiệm vụ thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; tiếp nhận, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của người dân.

Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú - Bùi Văn Hòn bày tỏ: “Bản thân luôn gương mẫu và chấp hành thực hiện tốt Quy định số 11 của Bộ Chính trị trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Trong xử lý, giải quyết, tôi luôn công tâm, khách quan, kịp thời và bảo đảm đúng thẩm quyền. Qua đó, kịp thời nắm thêm tình hình thực tế, việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ xã để từ đó kịp thời chấn chỉnh hoặc xử lý vi phạm nếu có”.

Theo ông Bùi Văn Hòn, thực hiện tốt Quy định số 11 của Bộ Chính trị ban hành ngày 18/02/2019 cũng là đang tạo điều kiện thuận lợi để người dân góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh. Thông qua tiếp dân, đối thoại với dân để giải quyết những vấn đề kéo dài, bức xúc thì người đứng đầu cấp ủy còn trực tiếp cung cấp thông tin, tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thực hiện Quy định số 11, gần đây Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh đã tiếp, đối thoại với công dân Hồ Thị Bé, ngụ xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, liên quan đến khiếu nại đất đai kéo dài 15 năm.

Bà Hồ Thị Bé cho biết: “Tôi rất phấn khởi khi qua cuộc tiếp xúc, đối thoại đã được Bí thư Tỉnh ủy và đại diện các ngành thông tin, giải thích rõ nhiều thắc mắc. Đặc biệt, những vấn đề chưa rõ ràng, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu sở, ngành liên quan phải tham mưu lại để UBND tỉnh trực tiếp thụ lý giải quyết khiếu nại của gia đình tôi bảo đảm thời gian, theo quy định của pháp luật, không để kéo dài vụ việc”./.

Để thực hiện nhiệm vụ tiếp dân thường xuyên, tiếp nhận và tham mưu giải quyết đơn, thư; tham mưu Bí thư Tỉnh ủy tiếp, đối thoại với dân theo định kỳ hàng tháng; được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy sẽ đưa vào hoạt động Phòng Tiếp công dân từ ngày 15/10/2019 (đặt tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh, địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Cửu Vân, phường 4, TP.Tân An).

Lê Đức

Chia sẻ bài viết