Tiếng Việt | English

25/10/2015 - 13:02

Nga và Mỹ đã tìm được tiếng nói chung để giải quyết xung đột ở Syria?

Giữa Nga và Mỹ đã có “mẫu số chung” cho Syria nhưng những khác biệt đáng kể vẫn còn đó như để chờ những diễn biến chính trị trong quá trình chuyển giao ở Syria

Mỹ và Saudi Arabia hôm qua (24/10) ra tuyên bố chung cam kết chấm dứt xung đột ở Syria bằng việc thành lập một hội đồng chuyển tiếp có thể soạn thảo hiến pháp và chuẩn bị cho một cuộc bầu cử trên cả nước.

Động thái đưa ra trong bối cảnh Nga cũng vừa tuyên bố sẽ ủng hộ Syria tổ chức bầu cử Tổng thống và Quốc hội, đồng thời ngỏ ý sẵn sàng giúp phe đối lập. Điều này làm dấy lên những hy vọng rằng Nga và Mỹ rút cuộc cũng xích lại gần nhau để tìm tiếng nói chung giải quyết xung đột ở Syria.

Phát biểu sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubair cho biết, 2 ông đã thảo luận về việc làm thế nào đạt được một giải pháp mà chính phủ 2 nước mong muốn ở Syria.

Ông cho rằng: "Cần phải thực thi nguyên tắc của Hội nghị Geneva lần thứ nhất (Geneva 1) về hòa bình cho Syria thông qua việc thành lập một hội đồng lãnh đạo để đảm bảo quân đội và thể chế dân sự, đồng thời soạn thảo một hiến pháp mới cho Sayria và chuẩn bị cho các cuộc bầu cử mà ở đó Tổng thống Bashar al-Assad sẽ không đóng vai trò nào đối với tương lai của Syria. Đây là quan điểm chung của 2 nước chúng tôi.”

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 23/10 bày tỏ hy vọng rằng các cuộc đối thoại về Syria có thể bắt đầu sớm nhất là tuần tới. Saudi Arabia, với tư cách là thế lực đối đầu chính với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, dự kiến tham gia các cuộc đối thoại này với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng không loại trừ khả năng Iran, đồng minh thân cận nhất của ông Bashar al-Assad, sẽ có mặt tại cuộc đối thoại này như mong muốn của phía Nga.

Để chuẩn bị cho cuộc đối thoại về Syria này, Ngoại trưởng Keri cũng đã gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov ở Vienna (Áo), hôm 23/10 vừa qua.

Sau cuộc gặp này, ông Lavrov đã đưa ra một tuyên bố bất ngờ, được dư luận cho là sự thay đổi ngoạn mục về quan điểm của Nga. Trong một cuộc phỏng vấn với Kênh 1 của Nga công bố hôm qua (24/10), ông Lavrov nhắc lại tuyên bố rằng, Nga ủng hộ Syria tổ chức bầu cử Tổng thống lẫn Quốc hội và nhấn mạnh rằng “những thế lực bên ngoài không thể quyết định bất kỳ điều gì cho người dân Syria”. Ông cho rằng dù còn nhiều quan điểm phản đối Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nhiều quốc gia đã bắt đầu hiểu đúng và rõ hơn tình hình ở Syria. Theo ông, điều này đem lại hy vọng thúc đẩy một tiến trình chính trị trong tương lai gần với sự tác động của các nước khác để đưa các bên ở Xyri ngồi vào bàn đàm phán.

Ngoại trưởng Lavrov khẳng định: "Chúng tôi đã nói điều này với ông Bashar al-Assad và ông ấy hiểu rất rõ tình hình, thậm chí chính ông ấy đã đưa ra ý tưởng rằng giai đoạn chống khủng bố cần phải được tiếp nối bằng một lộ trình thống nhất, đoàn kết xã hội và khởi động tiến trình chính trị nhằm đảm bảo lợi ích của tất cả người dân Syria.”

Có thể thấy, Nga đang muốn biến ảnh hưởng của mình với chính quyền ở Damascus thành một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Syria.

Đối với Nga, Syria có thể còn quan trọng hơn cả Ukraine với tư cách là một nước đồng minh tin cậy, truyền thống của Nga và có một vị trí chiến lược quan trọng ở Trung Đông. Vì thế, viễn cảnh Nga “bỏ rơi” ông al-Assad có thể vẫn chỉ là ảo tưởng xa vời của Mỹ phương Tây.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp John Kerry hôm qua, Ngoại trưởng Nga khẳng định, Tổng thống al-Assad phải là một phần của bất cứ kế hoạch chuyển giao nào và người dân Syria được tự quyết tương lai của mình.

Trong khi đó, Mỹ nhân nhượng tuyên bố, Tổng thống al-Assad có thể tham gia vào “một quá trình chuyển giao quyền lực ngắn ngủi” nhưng khẳng định rằng sau đó ông phải rời khỏi chính trường Syria.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ (John Kirby cho biết, 2 nhà ngoại giao đang tập trung vào việc theo đuổi các phương án chung để đạt được một kế hoạch chuyển giao chính trị và thảo luận về tiềm năng tổ chức hội nghị đa phương về vấn đề này.

Như vậy, giữa Nga và Mỹ đã có “mẫu số chung” cho Syria nhưng những khác biệt đáng kể vẫn còn đó như để chờ những diễn biến chính trị trong quá trình chuyển giao ở Syria. Bên cạnh đó, việc tổ chức bầu cử ở Syria cũng sẽ là một thách thức lớn với các bên khi hàng triệu người dân nước này đã phải rời bỏ đất nước để đi tị nạn khắp nơi từ Trung Đông đến châu Âu./.

Diệu Hương/VOV - Trung tâm Tin

Chia sẻ bài viết