Tiếng Việt | English

29/06/2015 - 08:53

Ngành chăn nuôi với “hương vị gió mùa”

Tuần qua, tại hội thảo “Phát triển chăn nuôi bền vững, chủ động hội nhập cộng đồng ASEAN (AEC) và TPP” do Tổng hội Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức ở TPHCM, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội cho biết, 2015 là năm bước ngoặt đối với nền nông nghiệp Việt Nam, nhất là ngành chăn nuôi trước cánh cửa hội nhập quốc tế sâu rộng.

Khi các hiệp định TPP và AEC có hiệu lực, gà công nghiệp là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn

Bức tranh từ xám đến tối?

Nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam, nhưng chăn nuôi lại là lĩnh vực yếu nhất, như “ gót Achilles” khi hội nhập, đặc biệt là thời điểm AEC và nhất là TPP có hiệu lực. Cục Chăn nuôi trấn an, ngành chăn nuôi sẽ không “tối đen như đêm 30” dù khó khăn nhưng vẫn còn có những điểm sáng hay lợi thế như thói quen sử dụng thịt nóng, tươi hay các giống đặc sản… giúp Việt Nam có thêm thời gian để chuẩn bị và xây dựng hàng rào kỹ thuật cũng như tổ chức lại sản xuất.

Thế nhưng, đa số các ý kiến phát biểu từ các hiệp hội, hội chuyên ngành, doanh nghiệp, chuyên gia đều cho rằng, bức tranh từ xám đến nghiêng về phần tối. Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, so với TPP, việc gia nhập WTO chỉ là thử nghiệm nhưng đã “lên bờ xuống ruộng” khi “gà trọc đầu” (gà loại thải) tràn vào làm gà ta “rụng hết lông”, trong khi TPP là hiệp định thương mại tự do điển hình của thế kỷ 21, là luật chơi của các nước phát triển nhất.

Nếu sự hội nhập WTO còn đơn giản thì TPP “chơi theo từng tuyến”, mặt đối mặt, không còn cam kết theo kiểu hợp tác xã. Bởi đây là câu chuyện hội nhập toàn cầu, tự do hóa cao nhất trong khi ta lại quen với “phòng thủ”. Vì vậy, câu chuyện ở đây là phải vượt qua được nền “văn hóa phòng thủ” để hình thành “văn hóa tiếp cận”.

Khi vào WTO, điều kiện dễ hơn, kinh tế đất nước đang “khỏe” hơn, khác hẳn bây giờ, nền kinh tế dù đang phục hồi nhưng các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn.

Mặc dù người Việt có sở trường “nước đến chân mới nhảy” nhưng cũng chỉ nhảy chỗ này sang chỗ khác chứ chưa thoát khỏi. Hơn nữa, thời gian quá độ chỉ vài năm trong khi ngành chăn nuôi còn nhiều hạn chế, như vấn đề an toàn thực phẩm...

TS Nguyễn Đức Thành, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng, đây là ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất, bị động đối phó, không phải chủ động khai thác lợi thế.

TS Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, manh mún, tự phát, nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm cao dẫn đến năng suất vật nuôi thấp, giá thành cao; nguyên liệu ngành chăn nuôi phụ thuộc khá nhiều vào nhập khẩu; cơ sở giết mổ đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh còn quá ít; việc quy hoạch chăn nuôi tại nhiều địa phương rất chưa rõ ràng. Đó chính là những thách thức lớn đối với ngành chăn nuôi khi Việt Nam hội nhập sâu.

Bà Dương Thị Thành Hà, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Minh Đăng bức xúc, nói hội nhập là mở rộng cơ hội nhưng cơ hội đó khó áp dụng trong bối cảnh hiện nay. Cái chúng tôi cần là vốn, nhưng làm sao và phải làm gì để có thể tiếp cận vốn vay, mặc dù Chính phủ đã có chủ trương?

Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Bình Phước nêu thực trạng, chúng tôi liên kết 4 nhà, cam kết giữ ổn định giá 26.000 đồng/kg thịt gà, nhưng thịt ngoại nhập vào chỉ bán 21.000 đồng/kg, không khéo lại mất cả “nhà”!

“Hương vị gió mùa”

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Bình Phước, ngành chăn nuôi không chỉ toàn khó khăn, giá thành thức ăn chăn nuôi Việt Nam không quá cao so với Thái Lan, Indonesia hay Malaysia nhưng khó xuất khẩu do bị hạn chế bởi các quy định và thủ tục.

Thực tế cũng có những thuận lợi mà Nhà nước chưa quan tâm đúng mức, như yêu cầu cơ sở chăn nuôi phải có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn A (uống được) là quá cao so với các nước khu vực, hầu như bất khả thi vì quy định nước thải chăn nuôi ngang với nước thải công nghiệp làm sao có thể cạnh tranh.

Công ty cổ phần Chăn nuôi Duy Cường (Đồng Nai) hợp tác nuôi gà theo các tiêu chuẩn và quy định của Nhật Bản để xuất vào nước này, nhưng khi làm thủ tục xuất khẩu, Bộ Công thương lại từ chối do chưa có mã số xuất khẩu ngành nghề và yêu cầu liên hệ với Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) để làm việc với 2 chính phủ cho thủ tục này và… bị tắt.

Một công ty chăn nuôi ở Bình Định đã sưu tập và tạo ra được đàn giống gà bản địa ông bà và bố mẹ lên đến hàng chục ngàn con, được công ty nước ngoài mua giống gà này nhờ sự chống chịu dịch bệnh tốt, nhưng phải có sự chứng nhận giống gốc của cơ quan thú y và cũng bị tắc do hướng dẫn chưa rỏ ràng.

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Việt Nam phát triển kém nhất nên gặp khó khăn nhưng cũng có những lợi thế, nhất là tiềm năng về nông nghiệp, sản xuất ra những thứ mà các nước phát triển không làm do năng lực quá cao rồi. Phải biết “thổi hương vị gió mùa”, tính đặc đặc sản của nông nghiệp (những giống cây con) của Việt Nam mới có thể cạnh tranh. Đó là khác biệt gần như tuyệt đối khi vào TPP.

Vì vậy, các giống đặc sản cần phải biết giữ gìn cẩn thận. Đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết, Việt Nam không chỉ hội nhập mà còn hội nhập sâu, đến 2020 Việt Nam sẽ ký 20 hiệp định thương mại tự do và đến 2025, tất cả các dòng thuế đều bằng 0%.

Vì vậy cần phải hiểu biết và nắm rõ các thách thức cũng như cơ hội mới có thể phát triển. Không cách nào khác là phải tái cơ cấu. Trước hết tái cơ cấu xuất phát từ thị trường và xác định thị trường trong hay ngoài nước quan trọng. Cần phải khảo sát thực tế lĩnh vực nào của chăn nuôi là lợi thế, cái nào không.

Việc vạch ra chiến lược và chính sách phải thực sự gần dân. Thời gian qua, ngành nông nghiệp có quy hoạch nhưng không làm theo quy hoạch do bị “cuốn theo chiều… giá”.

Khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng trong chăn nuôi, chúng ta có chính sách nhưng lại làm chưa tới nên khó đến với người chăn nuôi.

Công phiên/Theo sggp.org.vn

Chia sẻ bài viết