Tiếng Việt | English

14/02/2018 - 19:45

Ngành giáo dục và đào tạo - Nhiều chuyển biến tích cực

Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, nền GD&ĐT Long An có những chuyển biến tích cực.

Chuyển biến tích cực

Thực hiện Nghị quyết 29, ngành GD&ĐT từng bước sắp xếp lại mạng lưới trường. Các trường được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác giảng dạy và học tập. Hiện, toàn tỉnh có 278/669 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 41,55%. 

Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. HS được giáo dục toàn diện về kiến thức, đạo đức, kỹ năng sống,... Trong đó, mỗi cấp học có yêu cầu, định hướng trong công tác giáo dục học sinh (HS). Với cấp mầm non, trẻ được nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo đảm an toàn về thể chất, tinh thần. Cấp tiểu học, hầu hết HS được học 2 buổi/ngày; tăng cường dạy ngoại ngữ, tin học; chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống. Đối với cấp phổ thông, HS được học thí điểm môn Tiếng Anh theo chương trình mới; phương pháp dạy học có nhiều đổi mới, trong đó, phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu, khả năng làm việc nhóm.

Ngoài Trường THPT Chuyên Long An, Trường THPT Hậu Nghĩa - 1 trong 2 trường tổ chức lớp chất lượng cao của tỉnh

Giám đốc Sở GD&ĐT - Nguyễn Thanh Tiệp đánh giá: “Qua 3 năm triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 29, nền GD&ĐT tỉnh nhà có những bước chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn ngày càng được quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, ngành cũng còn nhiều khó khăn trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Công tác phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS chưa hiệu quả. Trình độ, năng lực một số cán bộ quản lý, giáo viên (GV) chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới. Tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ vẫn còn, nhất là thiếu biên chế GV mầm non”.

Nâng cao năng lực giáo viên

Trước những hạn chế trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, ngành đề ra nhiều giải pháp mang tính đột phá. Trong đó, nâng cao chất lượng đội ngũ GV là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Ngành chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và bố trí công việc phù hợp cho mỗi GV; cử cán bộ đào tạo ở nước ngoài và phân công công tác sau khi tốt nghiệp cao học về nước. Ngoài ra, ngành tăng cường bồi dưỡng GV môn Tiếng Anh.

Cô Võ Thị Ánh áp dụng nhiều phương pháp học tập tích cực trong các tiết dạy

Các đơn vị cũng chủ động tạo điều kiện cho GV học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ. Hàng năm, Trường Tiểu học Nhơn Ninh A (xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh) luôn cử GV tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, đồng thời tạo điều kiện cho GV tự học, nâng cao trình độ. Đến nay, 100% GV của trường đều có trình độ trên chuẩn. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nhơn Ninh A - Đặng Thị Phượng cho biết: 

“Ngoài khuyến khích GV áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, trường còn chú trọng sinh hoạt chuyên môn, tạo điều kiện cho GV thảo luận, chọn cách giảng dạy phù hợp với từng đối tượng HS. Nhờ vậy, chất lượng dạy và học của trường ngày càng được nâng cao”.

Cùng với việc tạo điều kiện cho GV tự học nâng cao trình độ, Trường THPT Rạch Kiến (huyện Cần Đước) còn khuyến khích GV tham gia các cuộc thi GV dạy giỏi và các phong trào, tạo điều kiện cho GV học tập kinh nghiệm từ đồng nghiệp.

Chú trọng giáo dục mũi nhọn

Cùng với việc Trường THPT Chuyên Long An, từ năm học 2016-2017, tỉnh còn tổ chức lớp chất lượng cao tại 2 trường: THPT Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa) và THPT Lê Quý Đôn (TP.Tân An). Qua gần 2 năm thực hiện, HS tham gia lớp chất lượng cao có sự nổi bật so với các lớp học thông thường. Hầu hết HS đều đạt HS giỏi và xác định rõ mục tiêu môn học chủ lực, định hướng vào đại học. 

Hiện, toàn tỉnh có 23 lớp chất lượng cao với 808 HS, trong đó, Trường THPT Hậu Nghĩa có 12 lớp với 423 HS. Các em không chỉ được tạo điều kiện học tập thuận lợi mà còn được phát huy khả năng tự học, tự nghiên cứu. Học lớp chất lượng cao, mỗi học kỳ, HS được tham gia hoạt động trải nghiệm thực tế nhằm ứng dụng những kiến thức được học. Năm học vừa qua, Trường THPT Hậu Nghĩa tổ chức cho HS tham quan trang trại của ông Võ Quan Huy tại huyện Đức Huệ và Nhà máy Nhiệt điện Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Học sinh học nhóm và thực hành nói trong môn Tiếng Anh

Em Phạm Nguyễn Linh Trang - HS lớp 11A2, Trường THPT Hậu Nghĩa, chia sẻ: “Những chuyến đi thực tế giúp em vận dụng kiến thức được học, đồng thời bổ sung kiến thức thực tế”.

Bên cạnh các lớp chuyên, lớp chất lượng cao, các đơn vị cũng chủ động bồi dưỡng những HS giỏi của trường, tạo điều kiện cho các em được tiếp cận kiến thức nâng cao, phát huy năng lực. Đây cũng là “nguồn” tham gia thi HS giỏi của đơn vị nói riêng, tỉnh nói chung. 

Hướng tới, ngành tiếp tục phát huy những thế mạnh, đề ra các giải pháp đồng bộ khắc phục hạn chế và thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29, góp phần đưa nền GD&ĐT tỉnh nhà ngày càng phát triển./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích