Tiếng Việt | English

30/09/2017 - 14:44

Ngành Giáo dục và Đào tạo từng bước chuyển mình

Từ những lớp bình dân học vụ, phong trào xóa mù chữ đến mạng lưới trường, lớp khang trang, đáp ứng nhu cầu dạy, học như bây giờ, trong đó có sự nỗ lực cao cùng với những đóng góp có tính quyết định của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh. “Quả ngọt” của ngành gặt hái được phải trải qua quá trình phấn đấu, thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Người biết chữ dạy người chưa biết

Theo Địa chí Long An, năm 1888, tỉnh Tân An có 16 trường tiểu học với tổng số 568 học sinh (HS). Đem chia với tỷ lệ người dân lúc bấy giờ thì cứ 120 người dân mới có 1 HS tiểu học. Đến giai đoạn 1945-1954, ở Tân An, Chợ Lớn có 2 khu vực giáo dục (GD) trong vùng Pháp chiếm đóng và vùng kháng chiến.

Thành quả GD lớn nhất của giai đoạn này là phong trào: Bình dân học vụ, bổ túc văn hóa trong cán bộ và nhân dân. Phong trào này mang tính quần chúng và cách mạng sâu rộng nhằm giải phóng quần chúng bị áp bức, thất học khỏi cảnh dốt nát. Nhiệm vụ chống giặc dốt vì thế được đặt liền kề sau chống giặc ngoại xâm và giặc đói.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, chất lượng các cấp học ngày càng nâng cao

Thời ấy, những lớp bình dân học vụ mở rộng khắp chiến khu Đồng Tháp Mười, ở vùng tự do,... Tiếng kẻng bình dân học vụ vang lên buổi trưa hè hoặc chiều tối gọi những nông dân, cụ già, em nhỏ đến lớp với tinh thần “Người biết chữ dạy người chưa biết chữ”. “Đứng mũi chịu sào” những lớp học ấy là đội ngũ giáo viên - những trí thức một lòng theo cách mạng và tiếp tục sự nghiệp trồng người trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt. Ngành GD Tân An, Chợ Lớn thời kháng Pháp có vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ dân trí.

Đến giai đoạn 1954-1975, ở miền Nam hình thành 2 hệ thống GD đối lập, bao gồm hệ thống của địch trong vùng kiểm soát và hệ thống GD cách mạng ở vùng giải phóng. Thời này, một bộ máy GD thành lập từ tỉnh đến xã. Tiểu ban GD (tiền thân của Sở GD&ĐT ngày nay) trực thuộc Ban Tuyên huấn được thành lập.

Phòng GD ở một số huyện: Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức cũng ra đời. Lúc này, hầu hết các xã giải phóng đều có trường, dạy theo chương trình của cách mạng. Có thể nói, đây cũng là thời kỳ ngành GD Long An phát triển và có những cống hiến đáng tự hào. Nhưng, khi chiến tranh đi qua, tình trạng thất học vẫn còn. Năm 1975, toàn tỉnh có 37.000 người từ 15-50 tuổi mù chữ. Vì vậy, ngoài hàn gắn vết thương chiến tranh, chính quyền cách mạng bắt tay vào xây dựng sự nghiệp GD, xóa mù chữ cho dân.

Nhắc về thời này, bà Nguyễn Thị Đào (76 tuổi), ngụ ấp Bình Đức, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, nhớ lại: “Năm 1976, nhà tôi trở thành lớp học xóa mù chữ. Hồi đó, nhiều người nói “cầm cuốc nhẹ hơn cầm viết” nên ngán học chữ. Thầy giáo phải vận động, có khi đến tận nhà để dạy. Lớp học có gần 10 người, chia nhóm học dưới ánh đèn dầu. Khi biết viết tên của mình, tôi với mọi người đều vui mừng”.

Chỉ sau gần 2 năm giải phóng, trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn nhưng tỉnh Long An hoàn thành xóa nạn mù chữ. Không để tái mù chữ, ngành GD đẩy mạnh bổ túc văn hóa. Có thể nói, ngành GD Long An vượt khó, tạo sức bật và đóng góp to lớn vào việc nâng cao kiến thức cho người dân.

Sức bật mới

Từ những thành quả của ngành trong thời chiến, đến thời bình, ngành GD&ĐT Long An luôn nỗ lực, phấn đấu, thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần vào sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh. Trong đó, việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về "Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” mang lại nhiều kết quả, tạo bước chuyển mới cho ngành.

Sau 3 năm thực hiện, công tác quản lý GD chuyển biến. Toàn ngành tăng cường phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các đơn vị trong xây dựng chương trình phát triển nhà trường; thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp; đổi mới hình thức tuyển dụng giáo viên thông qua thi tuyển (không xét tuyển như trước đây) nhằm tuyển chọn người tài, có phẩm chất tốt, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn ở từng vị trí.

Hệ thống GD trên địa bàn tỉnh cũng dần hoàn thiện theo hướng hệ thống GD mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Giám đốc Sở GD&ĐT - Nguyễn Thanh Tiệp cho biết: “Mạng lưới trường, lớp phát triển rộng khắp đến các vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Các xã cơ bản đều có trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học. Xã hoặc liên xã có trường THCS. Mạng lưới trường THPT được mở rộng ở nhiều địa phương. Loại hình trường mầm non - tiểu học; trường tiểu học, THCS và THPT; trường THPT phát triển theo định hướng chất lượng cao được thành lập. Cấp huyện có trung tâm GD nghề nghiệp - GD thường xuyên; cấp xã có trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng. Năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 659 trường, trong đó có 232 trường đạt chuẩn quốc gia. Tất cả trường, lớp cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của HS trong tỉnh”.

Cũng theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh Tiệp, chất lượng các cấp học ngày càng nâng cao. Hầu hết cơ sở GD mầm non đều tạo môi trường GD phù hợp điều kiện thực tế của trường, lớp và khả năng của trẻ. Số nhóm, lớp học 2 buổi/ngày và số HS học bán trú tăng. Toàn tỉnh có 50.698/52.960 trẻ ở các nhóm, lớp mầm non từ 0-5 tuổi được tổ chức học bán trú và 2 buổi/ngày, đạt 95,73%; riêng trẻ 5 tuổi học bán trú và 2 buổi/ngày là 21.856/22.074 trẻ, đạt 99,01%. Trẻ đến trường được bảo đảm an toàn về thể chất và tinh thần. Về GD tiểu học, các trường tập trung dạy theo chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình; điều chỉnh nội dung dạy phù hợp yêu cầu đổi mới kiểm tra, đánh giá; chú trọng GD đạo đức, kỹ năng sống cho HS; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý; tổ chức kiểm tra định kỳ nghiêm túc, đúng thực chất.

Đối với GD trung học, trong dạy và học luôn chú trọng hướng dẫn HS phương pháp tự học, tự nghiên cứu; tăng cường tổ chức cho các em học tập, nghiên cứu, làm việc nhóm; khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện để HS nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức được học vào thực tế.

Ngoài ra, việc mở rộng thực hiện các lớp 2 buổi/ngày, lớp dạy bán trú cấp THCS (Tân An, Châu Thành, Thủ Thừa, Tân Hưng,...) nhằm bồi dưỡng HS năng khiếu, giỏi; phụ đạo HS yếu, kém không những góp phần nâng chất lượng GD mà còn giảm tỷ lệ HS yếu, kém; HS bỏ học do học lực yếu, kém.

Công tác phổ cập GD cũng đạt kết quả đáng kể. Năm 2016, có 15/15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn về phổ cập GD mầm non trẻ 5 tuổi; phổ cập GD tiểu học, THCS đạt mức độ 1 và xóa mù chữ đạt mức độ 1.

Các trường điều chỉnh chương trình dạy phù hợp với yêu cầu đổi mới

Toàn tỉnh có 78,5% thanh niên trong độ tuổi 18-21 có bằng tốt nghiệp THPT và tương đương.

Ngoài nâng chất lượng GD, một trong những “khởi sắc” của ngành là ngăn dòng HS bỏ học. Năm học 2013-2014, khi mới thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, tỷ lệ HS bỏ học ở cấp THCS là 2,31% và cấp THPT 2,97%. Nhưng, năm học 2016-2017, con số này giảm, chỉ còn 0,88% ở khối THCS và 1,31% ở khối THPT.

Anh Nguyễn Hữu Hùng - giáo viên phổ cập của xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, bộc bạch: “Một số phụ huynh vùng nông thôn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc học nên cho con nghỉ giữa chừng. Vì vậy, việc vận động HS ra lớp rất khó thực hiện. Dẫu biết thế nhưng tôi và giáo viên chủ nhiệm, chính quyền địa phương chưa bao giờ nản lòng, vẫn kiên trì năm lần, bảy lượt đến nhà vận động, thuyết phục để các em được ra lớp”.

“Những kết quả của ngành sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW còn do đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và thường xuyên rèn luyện đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được đầu tư, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và phương pháp dạy học...” - ông Nguyễn Thanh Tiệp cho biết thêm.

Tất cả thành quả ấy là nền tảng, động lực để ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục chuyển mình, vươn lên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích