Tiếng Việt | English

18/07/2018 - 13:46

Ngành nông nghiệp - Nỗ lực tăng trưởng mạnh

6 tháng đầu năm 2018, ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn: Sản phẩm dư thừa, giá giảm mạnh, nông dân bị thua lỗ; tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với người dân còn hạn chế,... Tuy nhiên, vượt qua thách thức nhờ các giải pháp tích cực, đẩy mạnh kết nối thị trường, ngành nông nghiệp có sự tăng trưởng vượt bật so với những năm gần đây.

Tăng trưởng đạt 5,12%

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An (NN&PTNT) - Đinh Thị Phương Khanh, 6 tháng đầu năm 2018, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 5,12% (cùng kỳ âm 2,02%), trong đó, nông nghiệp đạt 5,4% (cùng kỳ âm 2,62%), thủy sản đạt 5,92% (cùng kỳ 0,77%). Đạt kết quả trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, nhất là thực hiện tốt công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ trong sản xuất của tỉnh; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị trường tiêu thụ, đặc biệt là triển khai thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên lúa, thanh long, rau, mang lại hiệu quả bước đầu khả quan. Bên cạnh đó, công tác dự tính, dự báo về tình hình sâu, bệnh cũng như diễn biến chất lượng nước được thực hiện chặt chẽ, kịp thời và thường xuyên; làm tốt nhiệm vụ điều tiết nước phục vụ sản xuất, công tác phòng, chống thiên tai được quan tâm chỉ đạo và thực hiện nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ, giảm nhẹ thiệt hại cho các địa phương và người dân trong vùng bị thiên tai; công tác quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản và vật tư nông nghiệp được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, tạo chuyển biến tích cực.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nâng cao thu nhập. Ảnh: Văn Đát

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nâng cao thu nhập. Ảnh: Văn Đát

Nhìn chung, giá cả một số nông sản ổn định nên nông dân có lãi khá. Cụ thể, vụ Đông Xuân 2017-2018, giá lúa tăng trung bình 200-1.000 đồng/kg, nông dân có lãi từ 20-25 triệu đồng/ha/vụ (tăng 5-10 triệu đồng/ha/vụ so với vụ Đông Xuân 2016-2017); giá chanh tăng từ 1.000-10.000 đồng/kg, nông dân lãi từ 70-150 triệu đồng/ha/năm; giá thanh long tăng từ 2.000-5.000 đồng/kg, nông dân có lãi từ 250-500 triệu đồng/ha/năm.

Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng NN&PTNT huyện Tân Hưng - Trần Tấn Tài nhận định: “6 tháng đầu năm 2018, giá lúa tương đối cao hơn so với năm trước nên nông dân sản xuất có lãi khá. Đồng thời, nhiều mô hình điểm sản xuất lúa ƯDCNC được nhân rộng. Tham gia sản xuất ƯDCNC, nông dân sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm nấm xanh, giảm lượng giống gieo sạ và xuống giống theo lịch thời vụ, né rầy,... Kết quả bước đầu cho thấy, năng suất lúa cấy trong mô hình cao hơn lúa sạ 500kg/ha, diện tích lúa cấy gắn kết tiêu thụ giống nên giá cao hơn lúa lương thực 750 đồng/kg, lợi nhuận trong mô hình cao hơn ngoài mô hình từ 3-4 triệu đồng/ha”.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Gò Gòn (huyện Tân Hưng) - Trương Hữu Trí cho biết: “Nông dân trồng lúa trong cánh đồng lớn không phải mất nhiều công sức. Bởi, từ khâu làm đất đến thu hoạch đều sử dụng máy móc, vật tư ứng dụng vào sản xuất thân thiện môi trường nên kéo giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Hiện tại, 149 hộ dân tham gia canh tác 1.164ha do HTX tổ chức rất phấn khởi vì lợi nhuận luôn cao hơn hộ sản xuất cá thể từ 2-3 triệu đồng/ha/vụ”. Ông Nguyễn Văn Ngưu - thành viên HTX Nông nghiệp Gò Gòn, phấn khởi: “Tham gia HTX, chúng tôi được hỗ trợ vốn đầu tư ban đầu, chuyển giao khoa học - kỹ thuật áp dụng vào canh tác nên rất an tâm sản xuất. Ngoài ra, chúng tôi cũng không phải lo lắng về đầu ra và thương lái ép giá
vì có công ty thu mua, bao tiêu sản phẩm với giá ổn định”.

Nông dân canh tác cây thanh long theo đúng chuỗi giá trị liên kết

Nông dân canh tác cây thanh long theo đúng chuỗi giá trị liên kết

Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành) - Trương Quang An, thời gian qua, nông dân trồng thanh long theo đúng chuỗi giá trị liên kết nên được HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm, với giá thu mua cao hơn giá thị trường từ 3.000-5.000 đồng/kg. Hiệu quả của việc ƯDCNC vào quá trình sản xuất giúp giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận và tính bền vững với môi trường. Hiện, sản phẩm thanh long Tầm Vu xuất khẩu sang các thị trường: Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan,...

Đẩy mạnh tái cơ cấu

Để mục tiêu tăng trưởng toàn ngành năm 2018 đạt 1,5%, theo bà Đinh Thị Phương Khanh, sở tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Theo đó, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả hơn (cây ăn quả, các loại rau,...) theo hướng công nghệ cao. Trong chăn nuôi, ngành cùng địa phương tiếp tục khuyến khích người dân chuyển từ chăn nuôi nhỏ, phân tán sang phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại, duy trì chăn nuôi hộ theo hình thức bán công nghiệp, ƯDCNC vào sản xuất, khuyến khích hình thức liên kết theo chuỗi giá trị làm giảm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường; tăng cường công tác tiêm phòng, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, để người chăn nuôi đạt hiệu quả cao.

Giám đốc Sở NN&PTNT - Lê Văn Hoàng cho biết: “Để đạt mục tiêu, nhiệm vụ năm 2018, các phòng, ban, đơn vị tập trung triển khai thực hiện Chương trình công tác số 355/CTr-SNN, ngày 31/01/2018 về thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2018: Phối hợp các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ, đồng loạt né rầy; tăng cường chăm sóc lúa Hè Thu và Thu Đông năm 2018 đạt thắng lợi. Phấn đấu đến cuối năm bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu về sản lượng lúa 2,7 triệu tấn (trong đó, có 1,3 triệu tấn lúa chất lượng cao); tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, đẩy mạnh phát triển bò thịt, bò sữa; tập trung công tác tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng trên gia súc và tai xanh trên heo,...

Nông dân tham gia sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nâng cao thu nhập. Ảnh: Nam Khang

Nông dân tham gia sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nâng cao thu nhập. Ảnh: Nam Khang

Tiếp tục triển khai thực hiện các kế hoạch truyền thông, phòng, chống dịch bệnh và khử trùng, tiêu độc trong chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh năm 2018; khuyến khích áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo quy chuẩn VietGAHP; tăng cường phối hợp các huyện vùng hạ theo dõi chặt chẽ và hướng dẫn kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi nhằm bảo đảm đạt chỉ tiêu kế hoạch về sản lượng tôm các loại (11.500 tấn); tiếp tục triển khai chính sách khuyến khích phát triển nuôi thủy sản các địa phương vùng Đồng Tháp Mười, chính sách hỗ trợ mô hình đầu tư ao lắng trong nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh, chính sách hỗ trợ giống thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao khoa học và công nghệ trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản giúp nông dân nắm, áp dụng tốt khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Đẩy mạnh công tác giống cây trồng, vật nuôi; triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình đột phá của tỉnh về Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tập trung xây dựng HTX điểm ƯDCNC để đến năm 2019, mỗi địa phương trong vùng triển khai chương trình có 1 HTX điểm với quy trình, cách làm cụ thể, rõ ràng để người dân thấy được hiệu quả và làm theo./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích
  • Cánh Diều Việt bán DJI T20P giá tốt