Tiếng Việt | English

07/08/2015 - 05:22

Ngành sữa hướng đến mục tiêu 2,6 tỷ lít sữa vào năm 2020

Để đạt mục tiêu 2,6 tỷ lít vào năm 2020, ngành sữa cần xây dựng chiến lược phát triển lâu dài và tổng thể để không chỉ tăng trưởng về số lượng

Ngày 6/8, tại TP.Hồ Chí Minh, Hiệp hội Sữa Việt Nam (HHSVN) đã tổ chức Đại hội HHSVN khóa II (nhiệm kỳ 2015-2020). Tại Đại hội, HHSVN đã tổng kết hoạt động của Hiệp hội nhiệm kỳ 2010-2015 và đưa ra phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2015-2020, bầu Ban chấp hành khóa 2 (nhiệm kỳ 2015-2020).

Tại Đại hội, bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết: Để có thể đưa ngành sữa Việt Nam vào bản đồ ngành sữa thế giới, trong những năm qua các doanh nghiệp (DN) sữa trong nước đã có những chiến lược phát triển đúng hướng. Các DN sữa Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư công nghệ tiên tiến và hiện đại trên thế giới, từ con giống, thức ăn chăn nuôi, đến quy trình sản xuất chế biến sữa. Đặc biệt, với việc nâng cao chất lượng sản phẩm sữa theo hướng lấy ATVSTP làm đầu đã giúp các sản phẩm sữa của các DN sữa trong nước ngày càng chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng nội địa.


Ông Trần Quang Trung – Phó Chủ Tịch Hiệp hội sữa VN, nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh Thực phẩm (đang phát biểu) được Ban chấp hành khóa II (nhiệm kỳ 2015-2020) tín nhiệm bầu là Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam

Ngành sữa Việt Nam trong những năm vừa qua là một trong những ngành hàng tiêu dùng tăng trưởng tốt và vẫn còn tiềm năng tăng trưởng. Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, trong 5 năm qua số lượng bò sữa tăng trung bình 14% mỗi năm và đã đạt con số gần 230.000 con vào đầu năm 2015. Sản lượng sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước đạt 550 ngàn tấn đã đáp ứng được gần 30% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến của toàn ngành. Đặc biệt, theo công ty chứng khoán VPBS đây là một trong những ngành tiêu dùng tăng trưởng nhất Việt nam với 17% năm 3013, 20% năm 2015 và năm 2015 dự kiến sẽ tăng lên 23% năm 2025.

Tuy nhiên, theo bà Mai Kiều Liên để đạt mục tiêu 2,6 tỷ lít vào năm 2020 và 3,4 tỷ lít tới năm 2025; Tiêu thụ sữa đạt trung bình 27 lít/người năm 2020 và đạt 34 lít/người tới năm 2025; Sữa tươi sản xuất trong nước đạt 1 tỷ lít đáp ứng 38% nhu cầu tới năm 2020 và 1,4 tỷ lít đáp ứng 40% nhu cầu tới năm 2025 theo do Bộ Công thương đề ra, ngành sữa cần phải xây dựng một chiến lược phát triển lâu dài và tổng thể để không chỉ tăng trưởng về số lượng, doanh thu mà còn phải nâng cao chất lượng sữa, đa dạng hoá các sản phẩm sữa nhằm đó ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.


Ban chấp hành khóa II (nhiệm kỳ 2015-2020) của Hiệp hội Sữa Việt Nam ra mắt Đại hội

Một trong những chiến lược then chốt nhất để ngành sữa tăng trưởng cao và phát triển bền vững là phải chủ động nguồn nguyên liệu của các DN sản xuất và chế biến sữa.

Trong nhiệm kỳ 2010-2015, HHSVN đã chú trọng công tác theo dõi hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành sữa nói chung và của các thành viên Hiệp hội sữa nói riêng qua đó nắm bắt nhu cầu, ý kiến của các doanh nghiệp sữa để phản ánh tới các cơ quan quản lý nhà nước. Hiệp hội sữa đã theo dõi bám sát và duy trì quan hệ với các cơ quan quản lý nhà nước để tìmhiểu các quy trình, thời gian ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến ngành sữa để kiến nghị góp ý với các nội dung văn bản quản lý nhà nước.

Đặc biệt, Hiệp hội sữa trong nhiều trường hợp đã đứng ra can thiệp để làm sáng tỏ các thông tin thất thiệt gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức và tâm lý người tiêu dùng đối với ngành sữa. Trong các hoạt động này Hiệp hội sữa đã có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước như Cục ATTP Bộ Y tế, Bộ Công thương, Cục Chăn nuôi và cục Thú y Bộ NN và PTNT cũng như các Hiệp hội khác như Hội TC và BVNTD, Hội Chăn nuôi, Hội Khoa học Kỹ thuật ATTP …

Trong nhiệm kỳ tiếp theo, HHSVN cố gắng phấn đấu xây dựng Hiệp hội sữa trở thành một Hiệp hội mạnh, quy tụ được phần lớn các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chế biến sữa tại Việt Nam, tập hợp được các đại diện tiêu biểu của các tổ chức quản lý, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy đào tạo để có đội ngũ hội viên vững mạnh có trình độ, có kiến thức chuyên ngành, đoàn kết để phục vụ phát triển ngành và phát triển kinh tế đất nước, phát huy hơn nữa sức mạnh sáng tạo của đội ngũ trí thức trẻ nắm bắt khoa học và công nghệ hiện đại, đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên, góp phần tích cực cho công tác quản lý an toàn thực phẩm, xứng đáng với sự tín nhiệm của người tiêu dùng trong nước với sản phẩm sữa của Việt Nam./.

Trung Anh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết