Tiếng Việt | English

02/09/2018 - 12:10

Ngày bình thường

Những hạt mưa như tẩm ướt ánh nhìn của chị, mưa mà tưởng bụi bôi nhòa con đường trước mặt, mưa trắng xóa che phủ bầu trời… Mọi hy vọng bán hết gánh hàng như tắt ngấm, người qua đường trùm kín áo mưa, không ai muốn dừng lại bên đường mua hàng rong trong tình trạng mưa ướt thế này. Chị bán chừng 5 năm rồi, có ngày bán đắt hàng, có ngày ế ẩm, chuyện thường thôi nhưng chưa bao giờ chị có cảm giác chán nản như hôm nay, tự dưng chị buồn lạ.

Ảnh minh họa: Hữu Phương

Ảnh minh họa: Hữu Phương

Lê từng bước một về nhà, chị không nghĩ đến gánh hàng trên vai nữa và cũng không rao nữa. Bó hoa hồng ai quăng chỏng chơ bên lề đường dưới trời mưa tầm tã khơi gợi trong chị miền tâm tư khác. Quá lâu rồi chị không biết đến cảm giác được tặng hoa và nghe lời thủ thỉ ngọt ngào. Thời gian thấm thoát, chị chợt nhận ra mình bước sang tuổi ba mươi bảy. Phụ nữ cận kề tuổi bốn mươi giống bông hồng qua thời bung sắc rực rỡ nhưng lại mang trái tim khao khát mãnh liệt hơn cả thời con gái. Những hối hả theo cuộc mưu sinh của bà mẹ hai con khiến chị bỏ quên trái tim mình. Trong phút giây, tự dưng chị thèm được mơ mộng, chiều chuộng, yêu thương…

Chị nhớ ánh mắt anh nhìn chị của mười mấy năm về trước, ánh mắt chất chứa ngọn lửa yêu thương. Từng yêu nhau trong sự cấm cản của đôi bên gia đình, cuộc hôn nhân của anh chị đâu dễ mà thành. Gặp bao nhiêu sóng gió nhưng bàn tay anh lúc nào cũng nắm chặt tay chị, tấm chân tình của anh đã tiếp thêm sức mạnh cho chị đồng ý theo anh đến vùng đất xa lạ này, cùng nhau xây tổ uyên ương. Giờ nghĩ lại, bản thân chị cũng không giải thích nổi sao có những ngày anh chị lại lãng mạn thế, đắm say trong tình yêu đến thế.

“Mẹ, mẹ về! Mẹ có mua chiếc bút chì cho con không?”.

Tiếng con gái lớn reo lên làm chị giật mình nhận ra bước chân mình đã về đến ngõ.

“Chết, mẹ lại... quên rồi”.

Con bé xịu mặt, ngúng nguẩy quay đi.

Nhìn con bé buồn, chị cũng buồn buồn. Dạo này, chị thơ thẩn vậy đó, quên quên nhớ nhớ. Hôm rồi, trước khi đi chợ, chị tỉ mỉ liệt kê các thứ cần mua ra tờ giấy, rồi nhét tờ giấy vào túi áo. Cẩn thận đến vậy mà chị còn quên luôn cả tờ giấy, đến chiều giặt quần áo, thấy nhiều mảnh giấy vụn bung tơi tả, chị giật mình nhớ ra. Vậy mà có những chuyện qua lâu rồi, tự nhiên chị lại nhớ da diết.

Mưa tạnh. Bầu trời quang đãng. Chị buông gánh hàng trên vai, ngồi xuống bậc thềm, vuốt lại mái tóc. Chị nhìn phía bên sân nhà hàng xóm, quần áo trên dây ướt sũng sau trận mưa. Thương lại quên lấy quần áo. Thương bằng tuổi chị, nhà ở kế bên. Hai gia đình cùng từ nơi xa đến đây lập nghiệp. Vợ chồng chị sinh hai bé gái, vợ chồng Thương sinh được một bé trai, một bé gái. Thỉnh thoảng trong câu chuyện, chị vẫn thừa nhận mình có chút ghen tỵ với Thương. Cùng tuổi với nhau mà mọi thứ của Thương dường như rất tròn trịa, còn chị thì méo mó đủ đường. Cái cách chồng Thương thủ thỉ, hỏi han vợ không thể không khiến chị chạnh lòng. Có lần ngồi vá áo, chị bất giác buông tiếng thở dài: “Chắc là mỗi người khi sinh ra trời đã định cho một số phận…”, Thương mỉm cười: “Được sinh ra đã là một hạnh phúc, gặp được người mình thương là hạnh phúc và hài lòng với những gì mình có cũng là hạnh phúc”. Thương có giáo điều quá không. Người được yêu chiều đủ đầy thì không hiểu được nỗi khổ của người khác. Chiều nào chị cũng tất bật đón con, dọn dẹp nhà cửa, cơm nước khiến tóc tai bù xù, người chị xộc ra toàn mùi mồ hôi, trong khi Thương thong thả trước hiên nhà phơi tóc thơm tho. Mặt trời chưa lặn, chồng Thương đã có mặt ở nhà, giúp vợ mọi việc. Còn chồng chị thì... gà đã lên chuồng ngủ từ bao giờ, mâm cơm nguội ngắt cũng chưa thấy anh đâu. Vẫn biết chẳng phải anh đi chơi bời gì mà do tính chất công việc nhưng đôi lần, sau giây phút chờ đợi dài đằng đẵng, chị chép miệng rót vào tai anh nỗi ngao ngán trước cuộc sống chật vật. Anh chỉ im lặng, nhẫn nại nghe lời than thở của vợ.

“Mẹ ơi, nhà cô Thương hôm nay lộn xộn lắm, người ta túm tụm quây xung quanh nhà cô ấy”.

“Sao lại thế con?”.

“Chú nhà cô bị bệnh ngất đi mẹ ạ, mọi người đưa chú đến viện rồi”.

Chị vội vàng chạy sang bên nhà Thương. Cửa khóa ngoài. Thảo nào, mưa không ai lấy quần áo. Dây quần áo xộc xệch, cái rơi xuống đất, cái dính vào tường. Chị chạy ra sân, nhặt chúng lên, móc lại lên dây.
Chị đứng lặng nhìn khóm cúc nở trước cửa nhà Thương, những bông cúc nhỏ xinh xắn mà Thương vẫn vuốt ve bằng ánh nhìn mỗi sáng. Thương gọi đó là hạnh phúc bình dị của ngày bình thường. Bây giờ chị mới ngẫm ra, khóm cúc này, tự tay Thương trồng và chăm chút. Hạnh phúc bình dị này, phải chăng Thương đã tự thắp cho lòng mình?

Những lúc Thương lặng lẽ ngắm hoa thì chị đang tất bật với một việc gì đó ở bên nhà. Chị tự hỏi sao mình có lắm việc đến thế và lại đổ cho cái số mình nó khổ. Chị lúc nào cũng tự thả mình vào suy nghĩ tiêu cực.

Điện thoại rung, chị giật mình rút điện thoại ra nhìn số. Thương gọi. Thương cần chị cầm ít đồ vào viện. Hai gia đình nương tựa lẫn nhau bao năm rồi vì cùng cảnh xa quê, nhà neo người. Người ta bảo “bán anh em xa mua láng giềng gần” cũng phải. Đến chiếc chìa khóa cửa nhà này cất ở đâu nhà kia đều biết. Đêm, con nhà này sốt nóng, khóc lóc, cha mẹ nhà kia nóng ruột không ngủ được.

Nhân viên áo trắng đi lại tất bật làm cho không khí phòng bệnh thêm phần căng thẳng. Phòng 305, giường số 9. Thương kia rồi. Bóng dáng nhỏ bé của Thương lọt thỏm giữa khung cửa của phòng bệnh.

“Sao rồi, anh ấy sao rồi?” - chị vồn vã hỏi.

Thương ngẩng lên, đôi mắt ầng ậc nước ngước nhìn chị trông thật xót xa, lần này thần thái, nét mặt Thương không hề khớp với cái phong thái nhàn hạ tí nào. Thương khẽ khàng “Mình đi ra ngoài hành lang nói chuyện nhé, để anh ấy nghỉ chút”.

Hóa ra chồng Thương chạy thận nhân tạo đến cả năm nay rồi, vậy mà chị chẳng hay biết gì. Chiều anh ngất vì thiếu máu. Có thể lời than thở liên hồi của chị không còn chỗ cho lời Thương xen vào hoặc có thể tự Thương không muốn thêm chuyện buồn vào ngày bận rộn của chị, hoặc có thể lần nào đó, Thương đã muốn mở lời chia sẻ chuyện này cho vơi nỗi lòng, nhưng lời bị mắc nghẹn nơi cổ họng. Nên bây giờ chị mới rõ.

Thương nói, từ khi chồng phát hiện bị suy thận nặng, Thương sợ một ngày nào đó vắng bóng anh trong ngôi nhà bé nhỏ. Thương không biết mình phải đối diện với cuộc sống vắng anh như thế nào. Bác sĩ bảo chạy thận nhân tạo kết hợp chế độ dinh dưỡng có thể kéo dài được cuộc sống bình thường. Dài là bao lâu? Thương không dám nghĩ, Thương không muốn nghe người ta tính cuộc sống của chồng mình sẽ kéo dài khoảng bao lâu. Chồng Thương thì chắc chắn rồi, làm sao mà anh không lo nghĩ cho được. Tránh tạo thêm áp lực cho chồng nên lúc nào Thương cũng tỏ ra mạnh mẽ, bình thản như không có chuyện gì. Khi thấy cuộc sống bị đe dọa, người ta mới hiểu hết từng giây phút yên bình bên nhau đáng quý thế nào. Vì có vấn đề sức khỏe nên chồng Thương chỉ làm hết giờ hành chính là về nhà. Anh thương vợ tháng nào cũng phải lo một cục tiền lớn cho chồng đi chữa bệnh nên làm được việc gì trong nhà, anh cố gắng làm hết. Chị đã hiểu tại sao, khi ngồi bên nhau ở hiên nhà, Thương thường quay lưng với chị nói vu vơ, được sống một ngày bình thường đã là hạnh phúc vô bờ bến.

Thương gục vào vai chị, lần đầu Thương rơi nước mắt trước mặt chị, tiếng khóc rấm rứt mãi không nguôi. Những giọt nước mưa sót lại trên mái hiên thỉnh thoảng bắn vào cánh tay Thương và chị làm chị có cảm giác lạnh tê tái da thịt. Chị biết làm gì vào lúc này giúp Thương ngoài lời vỗ về an ủi. Bóng tối nuốt trọn mảnh sân bệnh viện. Nhét vào tay Thương ổ bánh mì vừa mua, chị bảo giờ chị phải dắt hai đứa nhỏ về nhà tắm rửa, cho chúng nó ăn uống. Trẻ con sao để chúng ngủ vật vờ ngoài hiên bệnh viện được. Thương vội lau nước mắt, gật đầu. Ánh mắt nhìn chị đầy cậy nhờ, tin tưởng. Trước khi quay trở lại buồng bệnh với chồng, Thương đã cố lấy lại vẻ bình thản của mình. Bước ra khỏi cổng bệnh viện mà hình ảnh người nhà bệnh nhân đầu xù tóc rối nằm la liệt hành lang bệnh viện cứ ám ảnh tâm trí chị.

Chồng chị đang loay hoay nấu cơm trong bếp, hai con gái xinh xắn của chị nằm duỗi dài trên nền nhà tô màu.

“Mẹ về rồi, con đói quá, chưa có cơm ăn” - hai đứa cuống quýt nhổm dậy.

Chị cúi xuống hôn má từng đứa cứ như đi xa lâu ngày mới về, rồi dỗ dành: “Mẹ về đây rồi, hai con thu dọn đồ rồi ăn cơm luôn, hôm nay cả hai bạn Tôm, Tít cùng ăn với nhà mình”.

Bọn trẻ cùng reo lên sung sướng, chúng thích chơi với nhau nên được như thế vui lắm. Chúng còn quá nhỏ để để ý đến những nỗi lo lắng, hoang mang trong đôi mắt của người lớn.

Chị vào bếp giúp anh chuẩn bị mâm cơm:

- Còn gì để em làm cho?

- Xong rồi em. Anh ấy thế nào rồi?

- Giờ cũng ổn ổn rồi anh ạ. Anh ấy chạy thận nhân tạo những một năm rồi đấy. Chiều ngất vì thiếu máu. Khổ thân! Vợ chồng mình chẳng hay biết gì.

- Chắc anh ấy ngại nên không nói.

- Dạ.

- Ngày nào anh cũng làm thêm nên lâu rồi chẳng nấu được bữa cơm nào, hôm nay mấy mẹ con chịu khó ăn đồ anh nấu nhé!

Chồng chị vừa thoăn thoắt làm, vừa nói, anh nói làm chị ngượng. Chị chợt nhận ra, bao lâu nay anh vất vả làm thêm, bản thân anh có sung sướng gì đâu. Chị ngắm anh kỹ hơn, làn da sạm nắng, tóc điểm bạc. Anh bận với chuyện cơm áo nên không còn thời gian mơ mộng. Lẽ ra phải thương anh hơn, đằng này, chị suốt ngày cằn nhằn. Vậy mà anh không trách, không la chị tiếng nào. Hôm nay, anh làm công việc hàng ngày chị vẫn làm với một thái độ nhẹ bẫng khiến chị thấy xấu hổ về bản thân. Chị đã có những suy nghĩ rất tủn mủn, hẹp hòi. Không dám chắc tình yêu anh dành cho chị còn thắm thiết như thời trẻ hay không nhưng chị biết, anh luôn thương vợ con, luôn làm việc chăm chỉ vì gia đình. Có lẽ cuộc sống chỉ cần vậy là đủ.

Tự dưng chị vòng tay ôm chặt từ phía sau lưng anh, anh còn ngơ ngác chưa hiểu thì chị khẽ thì thầm: “Hạnh phúc là được sống những ngày bình thường, anh nhỉ!”.

Anh tủm tỉm: “Thôi được rồi! Anh dọn cơm cho tụi nhỏ, chuẩn bị ăn bữa cơm bình thường thôi em”.

Chị nhìn theo dáng anh, chưa bao giờ chị thấy ngôi nhà nhỏ bé của mình bình yên, ấm áp như lúc này!

Trần Ngọc Mỹ

Chia sẻ bài viết