Tiếng Việt | English

23/03/2016 - 10:30

Ngày càng có nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Thông qua phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), trên địa bàn huyện Tân Hưng, tỉnh Long An có nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và khí thế thi đua lao động, sản xuất sôi nổi trong toàn huyện.

Tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Văn Nhạt, ngụ ấp Vĩnh Ân, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Với phương châm "lấy công làm lời, sống tiết kiệm", vợ chồng ông có được bao nhiêu vốn là dồn hết mua đất và máy móc để sản xuất. Sau nhiều năm tích góp, đến nay, gia đình là chủ sở hữu của gần 50ha đất sản xuất lúa 2 vụ, cùng nhiều tài sản có giá trị khác như: Kobe, máy cày, máy gặt đập liên hợp để làm dịch vụ phục vụ nông dân trong vùng. Từ việc sản xuất của gia đình, ông còn giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 15 lao động.

Ông Nhạt chia sẻ: “Để tăng năng suất, chất lượng lúa, tôi mạnh dạn ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng mô hình "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", sử dụng giống chất lượng cao”.

Ông Huỳnh Văn Nhứt, ấp Tre I, xã Hưng Điền, nông dân SXKDG tiêu biểu của huyện Tân Hưng

Nông dân Huỳnh Văn Nhứt, ngụ ấp Tre 1, xã Hưng Điền, khởi nghiệp với 3ha đất sản xuất lúa. Đến nay, gia đình ông có 11ha đất trồng lúa. Ông mạnh dạn đầu tư mua máy cày, đưa cơ giới hóa vào phục vụ việc sản xuất của gia đình và làm dịch vụ. Từ đó, lợi nhuận tăng cao (khoảng 600 triệu đồng/năm), đồng thời tạo việc làm cho hơn 10 lao động tại địa phương.

Ông Bùi Văn Lành, ngụ ấp Ngã Tư, xã Hưng Điền B, lúc đầu khởi nghiệp chỉ vài hecta đất, nhưng nhờ chăm chỉ, cần cù, đến nay, ông có gần 9ha đất và gần 10ha đất thuê. Từ số vốn tích lũy được, ông mua thêm máy cày, xe ôtô và đầu tư mở cửa hàng buôn bán vật tư nông nghiệp. Gần đây, ông còn đầu tư hàng tỉ đồng để xây dựng 3 trạm điện làm dịch vụ tưới tiêu cho hơn 200ha lúa của người dân.

Hằng năm, sau khi trừ chi phí, ông thu về tổng lợi nhuận khoảng 700 triệu đồng. Theo ông Lành, nông dân không nên ỷ lại, trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà phải biết chủ động suy nghĩ tìm ra phương thức sản xuất thích hợp, trồng cây gì, nuôi con gì để làm giàu. Nông dân phải không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ những người xung quanh, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản.

Nhiều nông dân ở Tân Hưng giàu lên nhờ trồng lúa và làm dịch vụ nông nghiệp

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Hưng – Châu Vũ Hùng đánh giá: Phong trào nông dân thi đua SXKDG, góp phần đưa sản xuất tự phát đi vào sản xuất theo quy hoạch, sản xuất đồng loạt, tổ kinh tế hợp tác, liên kết liên doanh. Nhờ đó, việc ứng dụng khoa học-kỹ thuật, cơ giới hóa, tưới tiêu trong sản xuất được thuận lợi, dễ dàng hơn, góp phần thúc đẩy diện mạo quê hương, nâng cao đời sống người dân.

Thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua SXKDG; tăng cường tuyên truyền, vận động, giúp đỡ hội viên nông dân tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị kinh tế cao.

Năm 2015, toàn huyện có gần 7.100 hộ hội viên nông dân đăng ký danh hiệu nông dân SXKDG (đạt trên 79% so với hộ nông nghiệp). Kết quả bình xét cuối năm, có hơn 4.700 hộ đạt danh hiệu SXKDG ba cấp, trong đó, cấp tỉnh là 530 hộ, cấp huyện 1.348 hộ và cấp xã 2.836 hộ.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết