Tiếng Việt | English

12/05/2020 - 15:56

Ngày mới trên xã anh hùng

Từng bị bom, đạn tàn phá nhưng vùng đất 2 lần được vinh danh anh hùng đã có những đổi thay nhanh chóng. Xã Hòa Phú, huyện Châu Thành hôm nay là 1 trong 2 xã nông thôn mới (NTM) nâng cao đầu tiên của tỉnh.

Hàn gắn "vết thương"

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, vùng đất Hòa Phú vừa là vành đai của thị xã Tân An (nay là TP.Tân An), vừa là tuyến đầu của huyện Châu Thành, cùng với các xã Vĩnh Công, Bình Quới (huyện Châu Thành) tạo thành một khu tam giác lõm căn cứ quan trọng của tỉnh. Tại nơi này, Tỉnh ủy, Thị ủy Tân An, Huyện ủy Châu Thành cùng nhiều cơ quan cách mạng khác đứng chân và chỉ đạo. Đây còn là chỗ dừng chân của lực lượng chủ lực, đặt trạm giao liên của huyện và tỉnh.

Đường trục ấp được tráng bêtông rộng rãi, xe tải chở nông sản có thể lưu thông dễ dàng

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, với nguồn nhân lực dồi dào, người dân cần cù, chịu khó, lại được tôi luyện trong quá trình đấu tranh gian khổ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hòa Phú nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại quê hương. Về lại xã anh hùng những ngày này, chúng tôi thật sự vui mừng trước diện mạo mới ở một vùng nông thôn. Các tuyến đường chính trong xã đều được nhựa hóa. Đường trục ấp cũng được tráng bêtông rộng rãi. Trường học, trạm y tế khang trang, cảnh quan môi trường sạch, đẹp.

Chị Lê Diễm Huỳnh, ngụ ấp 2, vui mừng chia sẻ: “Những năm gần đây, bộ mặt địa phương có những thay đổi rất lớn. Nhà cao tầng, biệt thự mini mọc lên ngày càng nhiều. Nhờ sản xuất thuận lợi mà đời sống người dân nâng lên rõ rệt. Nhiều gia đình sắm được ôtô. Đường quê thông thoáng, xe tải chở vật tư xây dựng và nông sản có thể chạy đến tận nhà. Hệ thống điện, nước sinh hoạt cũng được đầu tư, nâng cấp đạt chuẩn. Dù là nông thôn nhưng cuộc sống người dân không thiếu thứ gì”.

Những kết quả đó có được là nhờ thực hiện chương trình xây dựng NTM. Đặc biệt, kể từ khi triển khai Đề án xây dựng NTM nâng cao, nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức được nâng lên, hiểu rõ hơn về tầm quan trọng và mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn hiện nay. Nhân dân
cũng thấy được vai trò chủ thể của mình nên chủ động, tích cực tham gia. Các chỉ tiêu nghị quyết đề ra được tập thể cán bộ, công chức, đảng viên tập trung thực hiện với sự đồng thuận cao của nhân dân” - Phó Chủ tịch UBND xã - Bùi Thị Phương cho biết.

Chung sức xây dựng

Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Hòa Phú hôm nay khoác lên mình “chiếc áo mới” tinh tươm, trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng NTM của huyện Châu Thành và của tỉnh. Theo Phó Chủ tịch UBND xã - Bùi Thị Phương, thời gian qua, xã huy động tổng kinh phí xây dựng NTM trên 243 tỉ đồng. Trong đó, doanh nghiệp đóng góp 5,2 tỉ đồng; nhân dân hiến đất, góp tiền trên 122 tỉ đồng, chiếm trên 50% tổng kinh phí. Ngày 06-4-2020, xã đã có quyết định công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.

Trường Mẫu giáo Hồ Văn Ngà vừa được tái công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1

Điểm nổi bật nhất của Hòa Phú và huyện Châu Thành nói chung trong xây dựng NTM phải kể đến việc nâng cấp hệ thống giao thông. Hiện nay, đường xã có chiều dài trên 5,7km, đã được nhựa hóa 100% (tăng 4,5km so với năm 2013). Đường trục ấp được mở rộng từ 2,5m đến 3m, tráng bêtông với chiều dài trên 10,5km (tăng 100% so với năm 2013). Trên 10,4km đường ngõ xóm và 8,3km đường trục chính nội đồng đều được cứng hóa. Tổng kinh phí thực hiện trên 24,3 tỉ đồng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Bên cạnh giao thông, các công trình phục vụ cộng đồng tiếp tục được nâng cấp. Trên địa bàn xã có 2 trường học: Trường Mẫu giáo Hồ Văn Ngà được tái công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào tháng 02-2020; Trường Tiểu học Đặng Thành Công đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2014, đang lập hồ sơ đề nghị tái công nhận. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Thành Công - Đoàn Ngọc Phát phấn khởi: “Trường vừa được đầu tư thêm 3 phòng học và 11 phòng chức năng, trị giá 5,7 tỉ đồng. Nhờ đó, bảo đảm cơ sở vật chất cho việc dạy và học”.

Hệ thống thủy lợi được nạo vét, khơi thông, góp phần tưới, tiêu chủ động cho 100% đất sản xuất nông nghiệp. Xã có 201 trạm biến áp điện, 25km đường dây trung áp và 18,41km đường dây hạ áp phục vụ sản xuất của người dân (chủ yếu trồng cây thanh long). Với việc chuyển đổi cây trồng hiệu quả, thu nhập bình quân đầu người của Hòa Phú không ngừng tăng lên, hiện đạt 62,54 triệu đồng/năm (tăng 21,4 triệu đồng so với năm 2013). Toàn xã chỉ còn 2 hộ nghèo đa chiều (chiếm 0,12%) và 12 hộ cận nghèo (chiếm 0,72%).

Không chỉ nâng lên về vật chất, đời sống tinh thần của người dân cũng được quan tâm. Toàn xã có 18 câu lạc bộ văn nghệ, thể thao luôn được giữ vững và hoạt động hiệu quả. Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng quy mô 200 chỗ ngồi, trang bị đầy đủ thiết bị âm thanh, ánh sáng, bàn ghế, đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt của người dân địa phương. Ông Hồ Văn Mai, ngụ ấp 1, bộc bạch: “Ngày trước, người dân ít quan tâm đến thể thao hay văn nghệ vì chưa có điều kiện. Mấy năm nay, nhà văn hóa ấp được đầu tư nên các phong trào ngày càng
phát triển”.

Từ nền tảng là 1 trong 8 xã NTM đầu tiên của tỉnh, đến nay, Hòa Phú tiếp tục ghi “dấu ấn” với việc hoàn thành chương trình xây dựng NTM nâng cao. Danh hiệu này là niềm tự hào to lớn, đánh dấu bước chuyển mình của xã anh hùng sau 45 năm xây dựng và phát triển. Đây cũng là sự đền đáp xứng đáng với sự hy sinh, cống hiến của biết bao thế hệ để Hòa Phú khởi sắc như hôm nay./.

Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết