Tiếng Việt | English

17/02/2018 - 17:45

Ngày tết của công nhân nghèo 

Tết vẫn như ngày thường, không có bánh tét, thịt kho, dưa, hoa hay bánh, kẹo. Nhiều công nhân nhập cư chấp nhận không về quê sum họp cùng gia đình những ngày tết để tiết kiệm chi phí. Và, khi mọi người quây quần bên mâm cơm gia đình, họ lại thui thủi một mình trong căn phòng trọ.

Công nhân nghèo không có điều kiện về quê ăn tết tại các nhà trọ được nhận quà

Dành tiền phụ giúp gia đình

Chia sẻ về tâm trạng của mình trong những ngày tết xa quê, không được sum họp cùng gia đình, chị Nguyễn Thị Phượng, công nhân Cty Gỗ A.A (xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) cho biết: "Quê em ở tận Tuyên Quang, có 2 con gái nhỏ gửi ông bà nội ở quê, đứa lớn học lớp 6, đứa nhỏ mới 5 tuổi. Tết năm trước không về, vợ chồng em dành tiền gửi về nuôi con. Năm nay, tụi em cũng định về thăm con, nhưng rồi dành dụm mãi cũng chẳng có dư. Gần tết, thấy mấy chị em trong khu nhà trọ hồ hởi mua sắm quà bánh, thu dọn đồ đạc, rủ nhau về quê đón tết là vợ chồng em lại thấy buồn. Tối giao thừa, chủ nhà trọ mời ăn tết cùng họ nên cũng vui, nhưng sáng mùng 1 chẳng biết làm gì, buồn lắm!"

Còn chị Trần Thị Thanh Thảo, quê Quảng Ngãi, công nhân Cty TNHH Giày ChingLuh (KCN Thuận Đạo, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đang ở nhà trọ Duy Quý, thị trấn Bến Lức cho biết: "Nhà trọ của em có mấy chị quê ở miền Bắc, Trung cũng không về quê ăn tết, để dành tiền gửi về gia đình. Mấy ngày tết ở phòng trọ, tụi em nấu ăn bình thường như mọi ngày.  Trước tết, chị em cùng dãy trọ rủ nhau chuẩn bị ít kẹo, bánh, nước ngọt, khô,... đãi bạn bè đến chơi".

Tại nhà trọ L.N, công nhân xa quê ở lại ăn tết khá đông. Chị N.T. L, quê ở Trà Vinh, công nhân Cty H.Y (KCN Hòa Bình, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) thông tin: "Năm nay, mặc dù tết đúng vào thời điểm công nhân được lãnh lương, nhưng em cũng không về quê. Ngoài tiền lương, thưởng tết, công ty còn cho ứng khoảng 60% lương để mua sắm tết. Nhưng ứng lương trước thì phải trả sau nên tụi em dành tiền gửi về quê".

Theo ghi nhận, ở một số khu nhà trọ, đa số công nhân không về quê đều dành tiền gửi về gia đình. Đón tết tại nhà trọ, công nhân chỉ mua sắm đơn giản, ít bánh, mứt và...nồi thịt kho.

Cần sự sẻ chia

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Long An - Lê Thị Thu Cúc cho biết: "Hàng năm, mỗi dịp tết đến, LĐLĐ tỉnh cùng nhiều đơn vị, đoàn thể trong tỉnh tổ chức nhiều chương trình, hoạt động chăm lo tết cho công nhân, lao động nghèo, công nhân nhập cư không có điều kiện về quê ăn tết như thăm, tặng quà, tặng vé tàu xe, văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân nhằm tạo không khí vui tươi, đầm ấm của ngày tết cổ truyền dân tộc. Những hoạt động này giúp những công nhân không có điều kiện về quê ăn tết vơi đi nỗi buồn".

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Long An- Nguyễn Thanh Cang tặng quà tết, thăm hỏi động viên công nhân không về quê tết

Chị Nguyễn Thị Vân, quê Nam Định, công nhân Cty FuLuh (xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc) bộc bạch: "Tết năm nay là cái tết thứ 3 em không về quê. Làm cả năm, dành dụm mãi, chi tiêu tiết kiệm, vợ chồng em cũng chỉ dư gần 10 triệu đồng. Nghe thì nhiều chứ nếu vợ chồng về quê, tiền vé tàu 2 lượt cũng hơn một nửa, đành ở lại ăn tết nhà trọ. Em vừa được nhận quà của LĐLĐ tỉnh nên cũng thấy ấm lòng trong mấy ngày tết. Tết đến, vợ chồng em gửi về biếu ông bà nội, ngoại 4 triệu đồng, còn lại mấy anh, chị em chung dãy trọ - mỗi người mua ít bánh, mứt, nước ngọt, bia cùng nhau đón tết".

Tại khu nhà trọ Thiên Lý, những ngày trước tết, nhiều công nhân ở lại đây ăn tết chuẩn bị đồ ăn, thức uống. Tuy điều kiện còn khó khăn, thiếu thốn nhưng mọi người đều vui vẻ, phấn khởi.

Bà Lương Thị Ngoai, chủ nhà trọ Thiên Lý (ấp Đức Hạnh 2, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa) chia sẻ: "Gia đình tôi coi công nhân ở trọ như con cháu ruột trong nhà nên hỗ trợ được gì thì tôi rất sẵn sàng. Gần 10 năm nay, gia đình tôi không tăng tiền nhà trọ, điện, nước,...Tết đến, tôi luôn chuẩn bị  thực phẩm gấp 2, 3 lần so với nhu cầu của gia đình để cho những công nhân không về quê cùng ăn tết. Có đứa mấy năm liền không có tiền về quê, thương lắm! Năm nào, đêm 30 tết, tôi cũng tập hợp công nhân lại, cùng ăn uống, ca hát đón giao thừa, cả 3 ngày tết cũng vậy!"

Chị Lê Thị Gái, quê ở Sơn La vào thuê trọ, làm việc tại Cty FuLuh đã 5 năm đón tết ở Long An. Năm nào cũng vậy, chị chỉ mua sắm đồ ăn cho gia đình, còn bánh, kẹo, nước ngọt...có Công đoàn tặng.

Chương trình Tết sum vầy là sự sẻ chia làm ấm lòng công nhân nghèo, nhất là những công nhân không có điều kiện về quê ăn tết

Những ngày trước tết, UBND tỉnh cũng dành hơn 1 tỉ đồng để chăm lo tết cho người nghèo, tặng quà tết cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện về quê ăn tết. Các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp tài trợ hàng ngàn vé tàu để đưa công nhân về quê ăn tết.

Ngoài ra, các cấp, các ngành phối hợp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ để công nhân không về quê có điều kiện tham gia vui đón tết. Tất cả những hoạt động chăm lo ấy giúp công nhân nghèo không có điều kiện về quê ăn tết thấy ấm lòng./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết