Tiếng Việt | English

16/05/2018 - 03:00

Nghe dân nói, nói dân nghe

“Nghe dân nói, nói dân nghe” là một trong những mô hình, cách làm hay của Đảng ủy phường 1, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An qua 2 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Mỹ quan đô thị ở phường 1, thị xã Kiến Tường ngày càng được chỉnh trang xanh, sạch, đẹp

Mỹ quan đô thị ở phường 1, thị xã Kiến Tường ngày càng được chỉnh trang xanh, sạch, đẹp

Nghe dân nói    

Mô hình sinh hoạt Nghe dân nói, nói dân nghe được thực hiện từ năm 2017, mỗi quí tổ chức sinh hoạt 1 lần tại trụ sở các khu phố. Tham gia sinh hoạt, người dân thẳng thắn trình bày những ý kiến, kiến nghị của mình liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và được cán bộ, công chức của phường giải thích, trả lời thỏa đáng. Những vấn đề thuộc thẩm quyền được lãnh đạo phường kịp thời giải quyết ngay tại cơ sở. Riêng những việc vượt quá thẩm quyền thì lãnh đạo địa phương ghi nhận, báo cáo cấp trên hoặc hướng dẫn công dân đến các cơ quan thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Theo Bí thư Đảng ủy phường 1 - Nguyễn Thị Lụa, trong các cuộc sinh hoạt, những đề xuất, kiến nghị của người dân liên quan đến một số vấn đề: Xây dựng phường văn hóa, đô thị văn minh; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đầu tư kết cấu hạ tầng cho giáo dục và đào tạo; quản lý, tranh chấp đất đai;... đều được địa phương ghi nhận, tiếp thu đầy đủ. Đồng thời, những “hiến kế” hay của người dân luôn được lãnh đạo bàn bạc, xem xét đưa vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động phù hợp với thực tế của địa phương.

“Chúng tôi cảm thấy rất hài lòng vì thường xuyên được gặp lãnh đạo địa phương để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng cũng như phản ánh, đề xuất các giải pháp, biện pháp giải quyết những vấn đề phát sinh từ cơ sở và được trả lời, giải quyết thấu đáo. Đặc biệt, thông qua các cuộc sinh hoạt Nghe dân nói, nói dân nghe, chúng tôi có điều kiện tiếp cận nhiều hơn các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hiểu rõ hơn về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” - ông Nguyễn Văn Trung, ngụ khu phố 5, bày tỏ.

Nói dân nghe

Bà Nguyễn Thị Lụa cho biết: “Lãnh đạo địa phương cho rằng muốn nói dân nghe thì phải nghe dân nói. Những vấn đề thật bức thiết mới tổ chức họp, chủ yếu dành thời gian đi cơ sở, nắm bắt tình hình đời sống người dân. Trước khi đề ra chỉ tiêu, nhiệm vụ nào đó, phải điều tra, khảo sát và lấy ý kiến người dân ở cơ sở; lấy mức độ hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá hiệu quả vận hành của bộ máy và năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ”.

Nhằm tạo bước đột phá trong chỉnh trang đô thị, phường 1 phát động phong trào người dân tham gia hiến đất làm đường giao thông. Sau khi khảo sát, phường nhận ra, trên địa bàn còn nhiều tuyến đường, ngõ, hẻm nhỏ, hẹp, người dân rất bức xúc và có nhu cầu mở rộng. Song, cái khó của địa phường là làm sao huy động sức dân chung tay lập lại trật tự, văn minh đô thị, trong khi nguồn kinh phí của địa phương còn hạn hẹp. Với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể phường thống nhất chủ trương và hành động; cùng bàn bạc với dân để giải quyết mọi vấn đề theo quy chế dân chủ ở cơ sở.

“Họp lần đầu, người dân chưa thông thì địa phương tổ chức họp tiếp. Đến khi đa số người dân hiểu được việc hiến đất mở rộng đường, ngõ, hẻm cũng chính là làm lợi cho bản thân, gia đình mình thì họ đồng thuận tham gia đóng góp. Công việc tiếp theo của địa phương là hướng dẫn người dân thành lập bộ phận quản lý, giám sát công trình với sự tham gia của các thành viên là người của khu phố” - bà Nguyễn Thị Lụa thông tin.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hơn 2 năm qua, phường huy động trên 5,2 tỉ đồng (người dân đóng góp gần 400 triệu đồng) đầu tư nâng cấp, mở rộng, bêtông hóa 17 tuyến đường, ngõ, hẻm, cống thoát nước, đê bao lửng. Riêng năm 2017, phường huy động gần 1,5 tỉ đồng đầu tư bêtông hóa đường bờ Nam kênh Lộ Ốp, cống thoát nước hậu đường Bùi Thị Của, đê bao lửng Quảng Cụt, kênh Ngân Hàng, Kháng Chiến,...

Một trong những kinh nghiệm của phường trong vận động người dân hiến đất làm đường là lấy gương quần chúng thuyết phục quần chúng. Muốn huy động sức dân để phát triển KT-XH và chăm lo cho dân, phải xuất phát từ lòng dân. Khi dân đồng thuận và chung sức cùng chính quyền thì việc gì cũng xong! Ông Lê Duy Tân, ngụ khu phố 5, tự nguyện hiến đất và vận động nhiều gia đình trong khu phố cùng tham gia nhằm nâng cấp, mở rộng tuyến đường Lê Lợi. “Mất hơn 1.000m2 đất để làm đường đối với gia đình tôi thì quá lớn. Nhưng các thành viên trong gia đình ai cũng vui vẻ đồng thuận, vì được góp phần xây dựng đường giao thông thông thoáng, không còn bị sình lầy vào mùa mưa, nước nổi như trước” - ông Tân bộc bạch. Không chỉ tự nguyện hiến đất làm đường, ông còn tích cực tham gia xây dựng tuyến đường xanh, sạch, đẹp và tổ dân cư không rác.

Nông dân phường 1 chăm lo phát triển kinh tế

Nông dân phường 1 chăm lo phát triển kinh tế

Bà Nguyễn Thị Lụa cho biết thêm: “Việc thực hiện mô hình Nghe dân nói, nói dân nghe xuất phát từ ý thức về trách nhiệm của cán bộ, công chức trước dân. Muốn phụng sự Tổ quốc, phục vụ người dân thì trước hết phải hiểu dân, lắng nghe dân nói, nói dân hiểu và làm dân tin”.

Đảng bộ phường 1 hiện có hơn 270 đảng viên sinh hoạt ở 12 chi bộ trực thuộc. Thời gian tới, ngoài duy trì hiệu quả mô hình Nghe dân nói, nói dân nghe ở 5/5 khu phố, Đảng ủy còn triển khai rộng rãi đến 63 tổ dân cư. Qua đó, góp phần phát huy tốt quy chế dân chủ cơ sở, tạo không khí tiếp xúc, đối thoại, dân chủ, cởi mở giữa chính quyền, cán bộ, công chức với người dân. Ðây được xem là bước đột phá của phường trong việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự chung tay, góp sức của người dân vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết