Tiếng Việt | English

12/06/2016 - 10:18

Nghệ nhân Ba Phương: Niềm đam mê luôn trào lộng chất hài

Ba Phương đến với nghệ thuật ca ngâm tài tử bằng niềm đam mê dào dạt, anh có chất giọng ca hài luôn trào lộng nên dễ gây thiện cảm với người nghe.

 

Anh đến với đờn ca tài tử và học hết các bản bắc, nam - tài tử, một số thể điệu cải lương và vọng cổ. Anh có làn hơi chất giọng rất lạ, khác với giọng nói bình thường. Trong giao tiếp xã hội, anh là người chững chạc, nghiêm nghị trong lời nói, không thấy một chút gì có vẻ hài, vậy mà khi ca giọng khôi hài một cách lạ.

Ngoài niềm đam mê ca ngâm tài tử, Ba Phương còn yêu thích sân khấu cải lương, nên sau năm 1975 anh đầu quân vào Đoàn cải lương quận 6. TP.HCM. Dạo đó, đoàn này là dạng hát “chui” (không có giấy phép hoạt động); anh được bầu cho một vai dàn bao trong vở Kiếm sĩ dơi, một vai lão mùi trong Tiếng hát giữa rừng khuya… với một thời gian tập dợt và được ra mắt tại một bến ở huyện Bến Cát - Bình Dương; nhưng gần đến giờ trình diễn thì Ngành Văn hóa thông tin ở đó đến “hốt”, lập biên bản không cho biểu diễn. Sau đêm đó, đoàn chuyển bến hát ở đình Tân Kiên - Chợ Đệm huyện Bình Chánh, TP.HCM. Đoàn mới bán được 7 vé thì trời mưa tới, sét đánh xuống sân khấu, hư hao phong màn và âm thanh; không hát được, bầu trả vé và xin lỗi khán giả, rồi bầu cũng tuyên bố giải thể đoàn hát tại đó.

Từ sau cái đêm định mệnh “trời đánh” đó, Ba Phương nghĩ mình không có duyên với cải lương, nên đành bỏ mộng về nhà cùng vợ con sống nghề buôn bán cho đến nay. Nhưng có lẽ, trót vương mang nghiệp tổ, vẫn không quên được giọng ca, tiếng đờn mỗi khi nghe ai ca hoặc đài, băng dĩa hát, anh đành tham gia với những bạn tri âm đờn ca tài tử mỗi khi có dịp.

Trường phái ca vọng cổ hài xưa nay chỉ đếm trên đầu ngón tay, bởi không phải ai cũng có thể ca được và hay, dở còn là chuyện khác. Vì ca hài chỉ có ở thể loại vọng cổ, mà tác giả viết vọng cổ hài phải tạo được chất hài hước thì người ca mới biểu đạt giọng “hài” được; và người ca hài phải có “duyên hài” thì mới chinh phục được người nghe. Nghệ nhân Ba Phương đã thể hiện được đặc trưng đó, cụ thể qua 4 CD vọng cổ hài do anh thực hiện.

Năm 2010, anh ra mắt "Tiếng hát Anh Ba Phương", với 10 bài gồm: Tề Thiên Đại Thánh của Viễn Châu, Tôi đánh số đề của Hoàng Phong, Nhậu ơi xin giã biệt, Diêm Vương còn sợ vợ của Viễn Châu, Tình Chú Thoòn của Xuât Phát, Chó mực đầu cáo của Viễn Châu, Thầy bói bỏ nghề của Lưu Danh, Tôi kẹt lời thề của Nguyễn Khương Danh và Vợ tôi tôi sợ của Viễn Châu, Thú vui tao nhã của Dạ Ngân Châu.

Dịp Tết Cổ truyền dân tộc Nhâm Thìn - 2012, anh ra mắt CD-Vol 2 “Ba ngày Xuân - Mười ngày xẹp”, với 7 bài: Ba ngày Xuân - Mười ngày xẹp, Đừng giỡn mặt tử thần, Anh lính quân bưu vui tính, Khổ thân tôi, Tâm tình anh hai lít, Vỡ mộng, Khổ thân già của các tác giả: Viễn Châu, Quy Sắc, Đỗ Dũng, Trương Thanh Sơn và Hồng Phượng.

Năm 2013, anh lại ra mắt CD thứ 3 “Một chút tâm tình” với 9 bài Vọng cổ hài. Năm 2014, anh ra mắt CD thứ tư “Bỏ rượu trồng bưởi” với 8 bài Vọng cổ hài của nhiều tác giả. Nội dung rất phong phú, ca ngợi gương người tốt việc tốt, phê phán, châm biếm những hiện tượng tiêu cực trong xã hội,...

Ngoài tâm hồn đam mê ca ngâm, nghệ nhân Ba Phương còn có tinh thần tích cực tham gia công việc từ thiện xã hội. Nhiều năm qua, anh thường hỗ trợ tiền, quà cho một số nhà chùa; ủng hộ tiền và tập vở cho quỹ khuyến học ở một số trường phổ thông. Anh nghĩ, đem tiếng ca cho người thân và bạn mộ điệu là niềm vui của chính mình, góp phần chia sẻ với công việc từ thiện cũng là cái phúc,…

Đỗ Dũng

Chia sẻ bài viết