Tiếng Việt | English

24/05/2017 - 16:11

Nghệ nhân ưu tú Tư Bền qua đời

Sau thời gian điều trị bệnh, nghệ nhân ưu tú (NNƯT) - Đờn ca Tài tử (ĐCTT) Nam bộ Tư Bền trút hơi thở cuối cùng vào lúc 19 giờ ngày 23/5/2017, tại nhà riêng ấp Cầu Chùa, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, hưởng thọ 98 tuổi.

Lễ động quan của NNƯT Tư Bền được cử hành lúc 10 giờ ngày 25/5/2017, nhằm ngày 30/4 năm Đinh Dậu.

NNƯT Tư Bền bên chiếc đàn tranh theo ông suốt cuộc đời ĐCTT Nam bộ. Ảnh: Tú Nguyên

NNƯT Tư Bền tên thật là Võ Văn Chuẩn, sinh năm 1921 trong một gia đình theo nghiệp ĐCTT. Nối nghiệp cha, ông có tri thức và kỹ năng sử dụng nhiều loại nhạc khí (bao gồm cả bộ hơi và bộ dây) từ năm 11 tuổi.

Không bằng lòng với tri thức, kỹ năng hiện có và để phát triển tài năng, ông học hỏi thêm và trao đổi kinh nghiệm với các nghệ nhân tên tuổi: Bảy Quế, Năm Long, Năm Giai, Hai Biểu,… Từ đây, những cung bậc bổng trầm của chiếc đàn tranh theo ông suốt cuộc đời ĐCTT.

Trong những năm 50 của thế kỷ 20, ông đứng ra thành lập và điều hành nhóm hoạt động sân khấu cải lương không chuyên gồm những người trong ấp có năng khiếu phục vụ nhân dân địa phương và các nơi khác: Tân Trụ, Bến Lức (Long An), Quảng Xuyên (nay thuộc tỉnh Đồng Nai), Rừng Sác (nay thuộc TP.HCM). Nhiều vở diễn hay được ông sáng tác trong thời gian này, tiêu biểu các vở: Gương vỡ lại lành, Lưu Bình Dương Lễ, Chống nạn mù chữ,...

Khi phong trào Đồng khởi Bến Tre lan nhanh khắp các tỉnh, thành Nam bộ, ông và nhóm sân khấu cải lương hoạt động phục vụ tại quê nhà, nhất là trong những dịp vận động thanh niên tòng quân nhập ngũ.

Các vở diễn do ông sáng tác trong giai đoạn này chủ yếu đề cao lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên cường của nhân dân chống ngoại xâm. Rất nhiều vở được công diễn, nhưng do chiến tranh khốc liệt và để địch không phát hiện nên hiện nay không còn bản thảo. Cũng trong thời gian này, 4 người con của ông thoát ly vào vùng kháng chiến và 1 người hy sinh.

Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông tập hợp những người có năng khiếu trong xã: Út Bù, Tám Tổng, Bảy Sộn, Thủy Vân,… thành lập Câu lạc bộ ĐCTT. Trong suốt thời gian hoạt động ĐCTT, ông đào tạo hơn 100 học trò.

Năm 2011, ông được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian. Tháng 01/2016, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Long An tổ chức trao tặng cho ông danh hiệu NNƯT của Chủ tịch nước./.

Tú Nguyên

Chia sẻ bài viết