Tiếng Việt | English

26/06/2017 - 13:40

Nghĩ gì về sự quá đà của truyền thông

Thời gian qua, nhiều người ngán ngẩm trước nhiều vụ việc quá đà của truyền thông. Chính vì vậy, trước vô số thông tin, nhà báo cần tỉnh táo để không bị cuốn vào vòng xoáy của sự quá đà.

Truyền thông và sự quá đà

Chia sẻ về vấn đề này, một đồng nghiệp của chúng tôi đang công tác tại một tờ báo lớn tại TP.HCM nhấn mạnh: “Người làm báo hiện nay có điều kiện và công cụ hành nghề tốt hơn thế hệ trước. Chính sự cạnh tranh, bắt buộc người làm báo phải năng động, nhanh nhạy hơn.

Tư duy làm báo hiện đại, Internet và thiết bị công nghệ thông minh như “nối dài” cánh tay và mở rộng tầm nhìn, sự quan sát của nhà báo. Tuy nhiên, tính chính trực của người làm báo là rất quan trọng. Bởi đứng trước một “biển” thông tin xô bồ, hỗn tạp, điều quyết định giúp nhà báo đưa được những thông tin tích cực, lành mạnh, đúng đắn đến độc giả chính là bản lĩnh và tính chính trực. Mạng xã hội phát triển mạnh mang đến nhiều thông tin, trong đó có những thông tin chuẩn xác, lành mạnh nhưng cũng có không ít thông tin với mục đích xấu. Nếu nhà báo không có sự kiểm chứng, làm việc thiếu chuyên nghiệp thì dễ sa vào những thông tin không đúng sự thật”.

Một cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống

Còn nhớ, cuối năm 2016, câu chuyện nước mắm nhiễm asen làm dấy lên làn sóng phẫn nộ, người tiêu dùng gần như tẩy chay nước mắm truyền thống.

Theo thống kê, chỉ từ ngày 12 đến 23/10/2016, truyền thông xã hội có trên 44.000 bài viết, 95.000 lượt chia sẻ, 108.000 thảo luận, trên 63.000 bình luận. Đỉnh điểm là ngày 18/10, sau khi Vinastas công bố kết quả khảo sát chất lượng 150 mẫu nước mắm đóng chai của 88 nhãn hiệu, trên mạng xã hội có trên 42.275 thảo luận. Có 50 cơ quan báo chí đăng gần 560 tin, bài, trong đó có 170 tin, bài công bố kết quả khảo sát có nội dung sai sự thật; 390 tin, bài thông tin kết quả công bố từ Bộ Y tế và các cơ quan chức năng.

Từ thông tin 67% mẫu nước mắm do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) khảo sát bị nhiễm asen vượt mức cho phép, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Trương Minh Tuấn cho rằng, một số cơ quan báo chí đưa tin cẩu thả, thiếu chuyên nghiệp; thậm chí có thể nghi vấn đây là một chiến dịch truyền thông lấy người tiêu dùng làm “con tin” nhằm làm lợi cho doanh nghiệp này, gây hại cho doanh nghiệp kia.

Trước thông tin này, người tiêu dùng hoang mang. Ngành sản xuất nước mắm truyền thống đứng trước nguy cơ bị phá sản. Từ những thông tin tai hại đó, những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống gần như “chết đứng”. Điều đó cho thấy, câu chuyện “truyền thông bẩn” và sự cẩu thả của người làm báo, cẩu thả đến tàn nhẫn, vô trách nhiệm!

Làng báo có quá nhiều câu chuyện buồn, niềm tin của độc giả vào báo chí có phần nào giảm sút. Đến lúc, chính các nhà báo, những người trong cuộc, phải thẳng thắn nhìn nhận lại những nguyên tắc báo chí, suy nghĩ thấu đáo hơn về nghề nghiệp của mình trước khi đặt bút viết nên một bài báo.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khóc tố mẹ ruột cờ bạc gây ra nợ nần

Trong giới showbiz Việt vẫn còn râm ran câu chuyện, giữa tháng 12/2016, sau khi ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng tung clip kể việc phải trả nợ cho mẹ, ngay lập tức, câu chuyện trở thành một đề tài xôn xao trên mạng.

Câu chuyện thu hút được khá nhiều cơ quan truyền thông và các fan sững sờ khi Đàm Vĩnh Hưng kể về chuyện mẹ mình ham mê cờ bạc khiến anh phải trả nợ cho mẹ trong suốt 10 năm qua. Nhiều người tỏ ra đồng cảm với nam ca sĩ.

Tuy nhiên, bên cạnh những sự cảm thông và đồng cảm với Đàm Vĩnh Hưng, vẫn có những ý kiến cho rằng, anh đang đánh bóng tên tuổi, đặc biệt là để quảng bá cho show ca nhạc của mình.

Hai luồng dư luận khen - chê rất sôi nổi, khen không gọi là khen mà là “chia sẻ” với anh, còn chê không hẳn là chê mà là “nguyền rủa”. Một nhà báo chân chính sẽ thận trọng khi đưa tin về ca sĩ này, bởi chúng ta đều là người ngoài cuộc, dù khen hay chê vẫn là suy đoán hết sức chủ quan, nhất là đối với nhà báo thì nên tránh.

Cần sự tỉnh táo của nhà báo

Qua những ví dụ trên có thể thấy, với sức truyền tải nhanh chóng, những thông tin trên mạng luôn được lan rộng theo cấp số nhân, khiến tâm lý công chúng tỏ ra hoang mang, không phân biệt được đúng, sai. Việc đăng tải những thông tin theo hướng tích cực sẽ rất tốt để công chúng biết cách phòng tránh.

Tuy nhiên, không ít tin đồn “chễm chệ” chiếm vị trí quan trọng trên các trang mạng, thậm chí xuất hiện trên một vài tờ báo có số lượng phát hành lớn (đưa tin theo kiểu giật gân, câu khách).

Điều đó, không những tác động trực tiếp đến tâm lý của công chúng mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, chính trị, uy tín và danh dự của tổ chức, cá nhân nào đó, thậm chí dẫn đến bất ổn xã hội.

Gần đây nhất là vụ anh Đặng Hữu Nghị, trong khi câu chuyện “gà trống nuôi hai con teo não” lan tỏa mạnh mẽ thì bất ngờ có những thông tin anh Nghị lợi dụng lòng thương để trục lợi tiền bạc. Dẫn chứng là một khán giả chia sẻ việc họ gọi điện cho anh Nghị, nhưng chưa nói chuyện được với anh. Vậy mà sau đó, họ nhận được tin nhắn của anh Nghị cung cấp số tài khoản ngân hàng.

Rồi chuyện anh khóc trên sóng truyền hình nói bị vợ bỏ, thì bỗng dưng, vợ xuất hiện “tố” những lời anh Nghị nói về mình là không đúng sự thật,...

Nếu nhà báo không tỉnh táo, rất dễ dẫn dắt bạn đọc theo những chiều hướng tiêu cực khi thực hư câu chuyện này chỉ gói gọn trong phạm vi gia đình anh Nghị.

Cha con anh Đặng Hữu Nghị và sự dấy lên của truyền thông thời gian gần đây

Nhà báo khi nắm thông tin, cần có sự sàng lọc, kiểm chứng nguồn tin. Khi đưa thông tin thì phải đặt ra câu hỏi thông tin này ảnh hưởng đến ai, thông tin được kiểm chứng chưa? Đây cũng là vấn đề cần phải xem lại, bởi nó liên quan đến đạo đức của người làm báo chứ không đơn thuần chỉ là thông tin thiếu chính xác!

Nhà báo khi nắm thông tin, cần có sự sàng lọc, kiểm chứng nguồn tin. Khi đưa thông tin thì phải đặt ra câu hỏi thông tin này ảnh hưởng đến ai, thông tin được kiểm chứng chưa? Đây cũng là vấn đề cần phải xem lại, bởi nó liên quan đến đạo đức của người làm báo chứ không đơn thuần chỉ là thông tin thiếu chính xác!

Song Hồng

Chia sẻ bài viết