Tiếng Việt | English

23/11/2016 - 09:43

Nghị quyết của Quốc hội phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng

Trong Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội phê phán nghiêm khắc nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV vừa được Quốc hội thông qua với 95,54% tổng số đại biểu tán thành.

Một trong những nội dung đáng chú ý trong Nghị quyết thể hiện rõ: Quốc hội phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016 trước Quốc hội và cử tri cả nước do đã có những vi phạm về công tác cán bộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ nêu trên, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công thương, gây bức xúc trong xã hội, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn.

Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời, tăng cường công tác giám sát, quản lý cán bộ, làm tốt việc thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý công bằng và nghiêm minh các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.

Nghị quyết về chât vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV vừa được Quốc hội thông qua với 95,54% tổng số đại biểu tán thành.
Xử lý dứt điểm dự án thua lỗ, xác định rõ trách nhiệm

Theo Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, trong năm 2017, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong các lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp này, báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau.

Đối với lĩnh vực công thương, phải rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng, mức độ thiệt hại, khẩn trương xử lý dứt điểm đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, không để tiếp tục kéo dài gây thiệt hại cho Nhà nước; xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, từ đề xuất chủ trương, thẩm định, phê duyệt đến thực hiện đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra quá trình tổ chức thực hiện và đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực này.

Cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp; Kiểm tra, kiên quyết xử lý các công trình, dự án thủy điện vi phạm pháp luật về đầu tư, về bảo vệ môi trường, xả lũ gây thiệt hại cho đời sống, sản xuất của nhân dân vùng hạ lưu.

Giám sát chặt chẽ tác nhân gây ô nhiễm của Dự án Formosa

Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Nghị quyết yêu cầu hoàn thành việc rà soát, đánh giá tổng thể, có giải pháp cụ thể, khả thi để kiểm soát chặt chẽ tình trạng ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước. Thực hiện các biện pháp, bảo đảm không để phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm mới và kiên quyết xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong danh mục đã được rà soát, phê duyệt.

Giám sát chặt chẽ các tác nhân gây ô nhiễm môi trường của Dự án Formosa Hà Tĩnh, theo dõi và có biện pháp phục hồi môi trường biển, thực hiện có hiệu quả công tác bồi thường, sớm ổn định sản xuất và đời sống của người dân trong vùng bị thiệt hại ở các tỉnh miền Trung; bảo đảm thực hiện đầy đủ các cam kết của chủ Dự án trước khi đi vào sản xuất.

Với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Nghị quyết yêu cầu Tổ chức rà soát để thực hiện hiệu quả Luật giáo dục; hoàn thành việc xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo; đổi mới tổ chức công tác thi và tuyển sinh theo lộ trình, đồng bộ với quá trình đổi mới dạy và học, tránh tạo áp lực cho học sinh và phụ huynh học sinh...

Cùng với đó là thực hiện việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông bảo đảm chất lượng, phù hợp với định hướng đổi mới, triển khai áp dụng từ năm học 2018-2019; tăng cường quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm...

Còn với lĩnh vực nội vụ, cần chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án tinh giản biên chế gắn với sắp xếp cơ cấu lại tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức, viên chức một cách hợp lý; xây dựng và thực hiện nghiêm kế hoạch tinh giản biên chế theo lộ trình đến năm 2021 theo yêu cầu của Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.

”Khẩn trương tổng hợp kết quả đánh giá, phân loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính nhà nước và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức; có giải pháp nâng cao năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức đối với cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng đẩy mạnh đổi mới chế độ công vụ, công chức, xây dựng nền hành chính nhà nước chuyên nghiệp, hiệu quả” – Nghị quyết nêu rõ./.

Ngọc Thành/VOV.VN 

Chia sẻ bài viết