Tiếng Việt | English

27/07/2016 - 17:09

Nghĩa tình đồng đội

Với hơn 20 năm rong ruổi trên đường kháng chiến chống ngoại xâm và cũng hơn 20 năm công tác trong hòa bình xây dựng, ông Sáu Lý mới về nghỉ hưu theo chế độ khi mái tóc đã điểm sương.

Về nhà, thời gian đầu, ông dành gần trọn cho những cuộc đi đây đi đó viếng thăm đồng đội một thời chinh chiến với ông mà nay kẻ còn, người mất. Với những đồng đội là liệt sĩ, ông đến nhà thắp nhang tưởng nhớ. Với những đồng đội là thương binh còn sống, ông đến nhà chia sẻ, thăm hỏi ân cần. Khi biết đồng đội cũ nào đau bệnh là ông rủ các bạn cùng đơn vị cũ đến thăm. Vậy mà lòng ông vẫn canh cánh một niềm riêng là chưa tìm được một đồng đội nữ, chị ấy tên Nguyễn Thị Hồng - ở đơn vị thường gọi Năm Hồng.

Chị đi bộ đội năm 1965. Năm 1970, sau khi tốt nghiệp lớp y tá, chị chuyển về Tiểu đoàn 2642 do ông Sáu Lý làm Tiểu đoàn trưởng, ông Trần Xứng làm Tiểu đoàn phó. Năm 1970, Tiểu đoàn 2642 kéo về đóng quân tại bưng Trà Cú, Đức Hòa, bất ngờ Mỹ đổ quân ồ ạt mở trận càn lớn. Tiểu đoàn 2642 đánh trả quyết liệt và cô y tá trẻ tuổi Năm Hồng sau khi lăn xả vào việc cứu thương thì bị thương khá nặng, phải chuyển đi trạm quân y ở tận miền Đông chữa trị. Rồi từ đó cô mất liên lạc với Tiểu đoàn 2642 cho mãi sau ngày thống nhất đất nước cũng không sao liên lạc được.

Ông Sáu Lý điện cho ông Trần Xứng - Đại tá về hưu ở quận 4, TP.HCM và ông Trần Xứng đã chạy xe máy xuống Long An. Hai ông già nguyên thủ trưởng và thủ phó đơn vị cũ rất ăn ý nhau quyết đi tìm nữ đồng đội cũ Năm Hồng. Họ chỉ biết Năm Hồng quê Đức Huệ. Cả hai, mỗi người một “ngựa sắt”đi gặp Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Đức Huệ để tìm Năm Hồng.

Ông Chủ tịch Hội CCB huyện Đức Huệ sau khi dò hết danh sách CCB huyện, nói không ai có tên này cả. Hai ông đề nghị Hội cố gắng tìm lại lần nữa, xem ở Hội CCB các xã trong huyện có ai tên đó không. Lần một, lần hai, rồi lần ba…, hai lão CCB vẫn chưa hết hy vọng. Qua năm sau, rồi năm sau nữa, có người mách về xã biên giới Mỹ Quý Tây, cơ may tìm được.

Thế là hai ông tìm đến Hội CCB xã Mỹ Quý Tây. Chủ tịch Hội CCB xã này nói có một chị tên Năm Đem, đang sống ở ấp 4, hai anh thử đến xem. Đến nơi, vừa mới bước vào căn nhà lá xụp xệ, họ đã ngờ ngợ đây là Năm Hồng. Hỏi han cớ sự, chị ấy mới bộc bạch nguồn cơn: Đúng, em là Năm Hồng ở Tiểu đoàn 2642 đây. Trận Trà Cú năm 1970, em bị thương với nhiều mảnh đạn trong người. Sau khi hồi phục, em đi hỏi thăm nhiều nơi mà không ai biết đơn vị cũ ở đâu. Đến sau ngày giải phóng, em trở về quê quán ấp 4, xã Mỹ Quý Tây lập gia đình. Cuộc sống quá khó khăn, mà con thì sanh năm một, nên em mất khả năng đi tìm đơn vị cũ. Chủ tịch Hội CCB xã Mỹ Quý Tây hỏi sao chị không khai báo gì hết vậy? Chị là thương binh mà? Chị quá xúc động, chỉ biết khóc...

Ba tháng sau, cựu Tiểu đoàn trưởng Sáu Lý và cựu Tiểu đoàn phó Trần Xứng đi Mỹ Quý Tây trao số tiền 40 triệu đồng cho xã. Đại tá Trần Xứng gởi gắm: Đây là tiền chúng tôi vận động Quân khu 7 và đồng đội cũ của Năm Hồng ủng hộ, mong các đồng chí tổ chức xây cho cô ấy căn nhà tình nghĩa.
oOo

Kể cho người viết câu chuyện trên đây, Chủ tịch Hội CCB xã Mỹ Quý Tây - Nguyễn Văn Chúng nói, sau khi bàn giao nhà tình nghĩa cho chị Năm Đem (gọi theo tên cúng cơm của CCB Năm Hồng), chúng tôi liền tiến hành làm thủ tục cho chị hưởng chế độ thương binh (theo Quyết định số 290 của Thủ tướng Chính phủ).

Liền theo đó, chúng tôi phát hiện trong xã có chị Nguyễn Thị Bé, cũng đi bộ đội thời chống Mỹ và bị thương tật, nhưng khi về địa phương cũng không khai báo. Nhìn hoàn cảnh chị thật thương tâm: Chồng chết, để lại đám con nheo nhóc. Thế là chúng tôi vận động trong Hội CCB của mình, người ủng hộ tiền, người cho vật liệu, rồi cùng góp công xây cho chị Bé căn nhà tình nghĩa trị giá 40 triệu đồng.

Ngày bàn giao nhà, nhiều bà con địa phương, chính quyền, đoàn thể tặng chị Bé một số hiện vật và tiền nong, nhờ vậy mà mẹ con chị có một ít tiện nghi sử dụng trong nhà và mở cái quán nước trước sân, kiếm thêm thu nhập. Chúng tôi cũng giúp chị làm hồ sơ thương binh như trường hợp chị Năm Đem. Đồng thời, chúng tôi kết nạp cả chị Bé và chị Năm Đem vào Hội CCB của xã.

Như vậy, cả hai trường hợp đều đi bộ đội, đều tham gia trận mạc, từng bị thương trong thời chiến mà khi trở về thời bình với đời thường lại sống khép kín, lặng lẽ. Giờ đây được sinh hoạt trong Hội CCB, được hưởng chế độ ưu đãi thương binh, nụ cười và tiếng nói vui tươi đã vực hai chị đứng lên với cuộc sống mới đáng yêu biết bao!./.

Bút ký của Quang Hảo

Chia sẻ bài viết