Tiếng Việt | English

17/08/2019 - 08:50

Nghiên cứu ứng dụng khoa học-công nghệ trong phòng, chống thiên tai

Để ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai, cần có sự nghiên cứu toàn diện, khoa học cũng như các điều kiện khách quan của Việt Nam và học hỏi vận dụng kinh nghiệm của thế giới.

Mưa lũ tại Bình Phước. (Nguồn: TTXVN)

Mưa lũ tại Bình Phước. (Nguồn: TTXVN)
Dự hội thảo "Ứng dụng khoa học-công nghệ trong, phòng chống thiên tai" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức sáng 16/8, các đại biểu cho rằng ứng phó với thiên tai là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và phải triển khai trên quy mô lớn.

Theo các đại biểu, để ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai, cần có sự nghiên cứu toàn diện, khoa học cũng như các điều kiện khách quan của Việt Nam và học hỏi vận dụng kinh nghiệm của thế giới.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh Việt Nam hiện là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra ngày càng khốc liệt hơn, ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như các hoạt động kinh tế-xã hội, tác động đến sự phát triển bền vững đất nước.

Dù tiềm lực khoa học-công nghệ chưa cao, nền tảng hạ tầng còn hạn chế, nhưng nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Chính phủ và nhân dân đã góp phần giảm thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

"Ứng dụng khoa học-công nghệ phải chú trọng vào công tác dự báo, cảnh báo, ứng phó, khắc phục và tái thiết sau thiên tai. Không chỉ có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học mà cần đẩy mạnh xã hội hóa với sự tham gia của các doanh nghiệp với những sáng chế, ứng dụng kỹ thuật trong phòng chống thiên tai. Ứng phó, thích ứng với thiên tai đã trở thành nội dung thường xuyên trong quá trình tồn tại và phát triển. Để thích ứng phải có các nhóm giải pháp, nhóm giải pháp phải gắn với ứng dụng với khoa học-công nghệ và phải tận dụng thành tựu của loài người về khoa học-công nghệ," Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý. 

Ông Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, cho biết không có đủ kinh phí cho các giải pháp khoa học áp dụng cho các khu vực miền núi nên điều quan trọng vẫn là ý thức của người dân cũng như sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương để chủ động phòng tránh thiên tai.

Liên quan đến khoa học-công nghệ, cũng phải tìm những giải pháp phòng tránh sạt lở hữu hiệu nhất. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam còn khó khăn thì cần áp dụng giải pháp khoa học-công nghệ phải phù hợp với kinh phí và điều kiện của Việt Nam.

Theo bà Đoàn Thị Tuyết Nga, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Quan hệ quốc tế (Tổng cục Phòng chống, thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giải pháp công nghệ cần tập trung vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu thiên tai, cơ sở dữ liệu về đê điều, sạt lở, bản đồ ngập lụt, ảnh vệ tinh, công cụ quản lý và vận hành hồ chứa thời gian thực...

Đề cập đến việc ứng dụng công nghệ trong công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, ông Đặng Quang Minh, Quyền Vụ trưởng Vụ Quản lý thiên tai (Tổng cục Phòng chống, thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nêu rõ việc ứng dụng tập trung vào sử dụng mạng xã hội facebook, ứng dụng trên điện thoại thông minh (APP), sử dụng hệ thống đào tạo trực tuyến (E-LEARNING), truyền thông bằng hình ảnh trực quan. Việc sử dụng khoa học-công nghệ trong công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng được Tổng cục Phòng, chống thiên tai đầu tư và quan tâm. Hiện nay, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đang rà soát và xây dựng lại các tài liệu hướng dẫn theo hướng trực quan dưới dạng các video clip sử dụng đồ hoạ 3D.

Kiến nghị về công nghệ nuôi bãi, chống xói lở, tôn tạo bãi biển và khả năng áp dụng cho bãi biển bắc Cửa Đại (Hội An, tỉnh Quảng Nam), ông Trần Thanh Tùng, Trường Đại học Thủy lợi, nhấn mạnh cần sớm quan trắc liên tục các diễn biến bãi biển, dòng chảy ven bờ; cần có cơ sở khoa học khi đề xuất và thiết kế công trình bảo vệ bãi biển; chiến lược và kế hoạch tổng thể cho dự án khôi phục, tôn tạo bãi biển Cửa Đại; thực hiện sớm dự án thử nghiệm cho bãi biển phía Bắc Cửa Đại.

Bên cạnh đó, nuôi bãi dưới hình thức chuyển cát nhân tạo qua cửa và hệ thống bẫy bùn cát cần được quan tâm nghiên cứu để hạn chế hiện tượng xói lở bờ biển hạ lưu, bồi lấp các cửa biển, cửa sông ở miền Trung.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận những vấn đề liên quan đến hệ thống thử nghiệm cảnh báo sớm lũ, lũ quét cho một số lưu cực thuộc tỉnh Lào Cai, Yên Bái; công nghệ cảnh báo sớm lũ bùn đá tại Bản Khoang (Sapa, tỉnh Lào Cai), ứng dụng khoa học-công nghệ trong quản lý đê điều và giới thiệu về tuyến đê kiểu mẫu, ứng dụng các giải pháp công nghệ xử lý xói lở bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long, quản lý vận hành hồ chứa theo thời gian thực.../. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết