Tiếng Việt | English

30/12/2019 - 10:50

Ngọt ngào mà dung dị - Long An

Nếu Long An trong bài vọng cổ “Dòng sông quê em” là hình ảnh trung dũng kiên cường đã đi vào lòng người mộ điệu thì Long An trong những sáng tác mới đây lại mang hơi thở đời sống mới, gần gũi, bình dị. Người Long An, đất Long An vẫn vẹn nguyên sự chân thành, mến khách, dung dị và cũng rất ngọt ngào!

Hình ảnh người mẹ sông Vàm gửi trong “Bến đợi” của soạn giả Huỳnh Thanh Tuấn dễ khiến người mộ điệu bùi ngùi

Hình ảnh người mẹ sông Vàm gửi trong “Bến đợi” của soạn giả Huỳnh Thanh Tuấn dễ khiến người mộ điệu bùi ngùi

“Quê mà… đừng quá so đo

Quê mà… ấm nghĩa vị tha trong lành

Quê mà… ta đối với mình

Như sông Vàm Cỏ chảy tình Long An”

Bài vọng cổ “Quê mà…” của soạn giả Hà Nam Quang khép lại khiến người nghe bồi hồi xúc động. “Quê mà…” nên người đi đâu cũng nhớ, vất vả, gian lao cỡ nào cũng cùng chung cùng chịu, bôn ba khắp nẻo xứ người cũng tha thiết nhớ về dòng Vàm Cỏ thân thương! Soạn giả Hà Nam Quang chia sẻ, bà đặc biệt ấn tượng với chữ “mà” của người miền Nam, tiếng “mà”  nghe nhẹ nhàng, buông bỏ! Nên bà chọn viết “Quê mà…” gửi tặng Long An, nơi có những con người đôn hậu, thật thà, mến khách. Long An hiện lên trong bài vọng cổ “Quê mà…” vừa quen, vừa lạ với Đức Huệ, Đức Hòa, Đồng Tháp Mười, Bến Lức, từ những ngày chiến tranh gian khó đến sự đổi thay của vùng đất quê nhà. Long An trung dũng kiên cường, tình sâu nghĩa nặng được thể hiện qua hình ảnh người cựu binh già chép miệng nói “quê mà…” để cùng chịu cùng lo!

Long An chân chất trong câu nói “Quê mà…”, cũng rất thật thà trong từng bữa cơm đãi khách. Soạn giả Huyền Nhung đưa vào câu hát món canh chua bông điên điển, cá tra, dĩa chuột đồng chiên vàng thơm nức, ly đế Gò Đen làm nghiêng ngả lòng người. Long An bỗng hiện ra gần gũi tới bất ngờ, những điều tưởng chừng quê mùa quá lại đi vào nghệ thuật truyền thống một cách ngọt ngào. Bài vọng cổ “Tháp Mười một khúc tình ca” khởi đầu bằng đoạn lý kéo chài vui tươi, rộn rã. Long An hiện ra với Mộc Hóa, Kiến Tường, Vĩnh Hưng, hình ảnh người dân Đồng Tháp Mười bám trụ nuôi quân. Cánh đồng lúa bạt ngàn, hầm cá bột ươm niềm vui đời sống mới cũng được đưa vào câu hát.

Bằng sự nhạy cảm, tài hoa, các tác giả, soạn giả đưa Long An vào âm nhạc một cách tự nhiên, dung dị, để người dân Long An thêm chút tự hào, người con xa quê thêm gắn bó và bạn bè thêm quý, thêm thương vùng đất cửa ngõ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhạc sĩ Nguyễn Thanh Hải chia sẻ, anh ấp ủ viết bài hát về quê hương Long An đã rất lâu rồi nhưng mãi đến nay mới hoàn thành. Với “Hương Vàm Cỏ”, nhạc sĩ Nguyễn Thanh Hải mang quê nhà gói gọn vào trong nốt nhạc:

“Ta thương câu hát phiêu bạt “Dạ cổ hoài lang”

Như thương cây lúa thiết tha

quê mình…

…Nàng Thơm

Tràm xanh ngát hương

Thanh long chín đỏ

Gò Đen ngất ngây men rượu say”

Với nhạc sĩ Nguyễn Thanh Hải, đôi dòng Vàm Cỏ có một ý nghĩa rất đặc biệt, gắn liền với Long An qua mọi thời kỳ, từ “hỏa hồng Nhựt Tảo”, “hào khí Tháp Mười” đến những ngày xây dựng quê hương. Anh gửi vào trong ấy tình yêu của mình dành cho mảnh đất
hiền hòa nơi anh sinh ra, lớn lên.

Và có gì đặc biệt hơn khi người thể hiện những ca khúc, bài vọng cổ về Long An lại là người Long An. Với giọng ca ngọt ngào, truyền cảm, nghệ sĩ ưu tú Hồ Ngọc Trinh khiến người nghe lắng lại, cảm thương người mẹ quê nghèo bên dòng sông Vàm Cỏ mỏi mòn chờ đợi chồng con. Hình ảnh người mẹ sông Vàm gửi trong “Bến đợi” của soạn giả Huỳnh Thanh Tuấn dễ khiến người mộ điệu bùi ngùi:

“Con nước sông Vàm quanh năm đỏ nặng

Chở từng hạt phù sa về với ruộng đồng

Dù trăm năm má luôn giữ trong lòng

Chứ nhớ thương lồng trong lời ước hẹn”

Long An bao đời nay vẫn vậy, dung dị, hiền lành nhưng cũng kiên trung, bất khuất, mến khách, thật thà. Khi đi vào âm nhạc, sự dung dị, hiền hòa đó cũng không hề thay đổi, để hình ảnh Long An hiện ra thân thiện, dễ gần.  Nếu trước đây, bạn bè biết đến Long An qua “Dòng sông quê em” hay “Tôi yêu Long An”,... thì hôm nay, mọi người sẽ lại biết thêm về Long An qua 5 ca khúc và 7 bài vọng cổ mới sáng tác. Quê hương của đôi dòng Vàm Cỏ sẽ lại gần hơn với bè bạn gần xa./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết