Tiếng Việt | English

15/07/2015 - 11:47

Người 2 lần đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều đồng đội đã đặt cho ông Trần Văn Trân, hiện là Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) huyện Cần Giuộc danh hiệu “3 giỏi” (y tá giỏi, thồ tải giỏi và chiến đấu giỏi). Đến nay dù đã bước qua độ tuổi 65, ông vẫn phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ trong lãnh đạo công tác hội và tích cực tham gia lao động sản xuất.

Ông Trân chăm sóc cây kiểng

Ông Trân sinh ra trong một gia đình nghèo, có truyền thống cách mạng ở ấp Trong, xã Phước Hậu. 14 tuổi, ông xa gia đình lên thành phố làm thuê kiếm sống. Những ngày ở đây đã giúp ông trưởng thành hơn. Chưa đầy 1 năm sau, ông rời đất Sài Gòn về gia nhập vào lực lượng TNXP giải phóng miền Nam. Ông trở thành đội viên đội Thành Đồng lúc 15 tuổi. Khi mớivào đơn vị, những người đồng đội đón ông như một đứa em út đi xa mới về.

Cảm động trước những tình cảm mà đơn vị dành cho, ông hăng hái làm nhiệm vụ, bắt đầu với công việc tải đạn, tải lương thực và vận chuyển vũ khí. Đầu mùa xuân năm 1968, ông cùng đơn vị và quân dân miền Nam xuống đường tổng tiến công và nổi dậy.

Sau đó, ông được cử đi học y tá ở Tây Ninh. Khi học xong, ông về đơn vị công tác. Ở hậu cứ cũng như trên các tuyến đường, người chiến sĩ TNXP ấy luôn tình nguyện hăng hái đi đầu. Ông không chỉ biết khám bệnh, cấp thuốc mà còn quan tâm, lo lắng đến từng miếng ăn, giấc ngủ của đồng đội.

Để cải thiện bữa cơm cho đơn vị, ông lại một mình vào tận rừng sâu để hái rau, đào măng hay nhổ lá sâm cho tập thể uống. Mỗi khi đồng đội đi ngủ, ông lại vén mùng xem có bị ẩm ướt, muỗi hay không rồi ông mới yên tâm nằm nghỉ.

Dáng người nhỏ bé, ấy vậy mà đôi khi ông còn kiêm luôn nhiệm vụ chuyển tải hàng hóa. Nhớ lại khoảng thời gian đó, ông Trân chân tình: “Lúc ấy, không biết do đâu mà mình lại có một sức mạnh ghê gớm! Toàn băng rừng, lội suối mà mình thồ được cả trăm kg. Có lẽ, do công việc quá cấp bách nên mình chỉ biết cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”.

Đặc biệt, năm 1969, ông cùng 2 đồng đội diệt được 15 tên lính trong đại đội biệt kích Mỹ bên bờ sông Tha La, tỉnh Tây Ninh. Đến năm 1970, khi địch đổ quân, ông đã cùng một số đồng đội kềm chân địch ở ngoài để cho đơn vị sơ tán an toàn. Trong một trận đánh khác, ông và đồng đội diệt được trên 40 tên lính Mỹ. Từ đó, ông vinh dự được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.

Trong Đại hội chiến sĩ thi đua và dũng sĩ lần thứ III của toàn lực lượng TNXP giải phóng miền Nam, ông được đại hội mời lên kể lại việc làm của mình về “tay thuốc, tay thồ, tay súng”. Đại hội đã tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua của tổng đội cho ông.

Sau ngày đất nước giải phóng, ông học văn hóa ở Trường Bổ túc công nông năm 1977. 3 năm sau, ông xin vào làm ở Cty An Phú, quận 2, TP.HCM. Tại đây, ông được cán bộ, nhân viên Cty tín nhiệm và cử ông làm giám đốc. Đến năm 1982, vì sức khỏe yếu nên ông xin nghỉ mất sức.

Trở về quê hương Cần Giuộc, ông lại tiếp tục làm trong Ban Quản lý tập đoàn, Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh xã và HĐND xã Phước Hậu 2 nhiệm kỳ. Đến năm 2007, ông làm Chủ tịch Hội Cựu TNXP.

Gần 2 nhiệm kỳ làm chủ tịch, ông Trân lãnh đạo Hội Cựu TNXP huyện đạt những thành tích nổi bật. Nhiều năm liền. Hội Cựu TNXP huyện đứng vào tốp một trong những hội mạnh của tỉnh; nhận được cờ xuất sắc của Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam. Riêng bản thân ông, nhiều năm liền, nhận được Bằng khen Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam; Bằng khen Trung ương Đoàn TNCS HCM; năm 2010, ông vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS HCM và Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam chọn là 1 trong 30 đại biểu xuất sắc trước năm 1975.

Song song với công tác xã hội, ông Trân còn tham gia sản xuất, là lao động sản xuất giỏi ở địa phương. Với hơn 1ha đất, ông vừa trồng rau, trồng cây kiểng và trồng lúa. Năm nào cũng vậy, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lợi hơn 100 triệu đồng từ trồng rau màu và cây kiểng. Từ số tiền đó, ông dành dụm xây dựng ngôi nhà khang trang.

Đến nay, dù nhận được nhiều bằng khen, giấy khen, danh hiệu 45 năm tuổi Đảng, ông vẫn không thôi nhớ về những người đồng đội đã hy sinh. Những năm gần đây, ông thường cùng Hội Cựu TNXP tỉnh rước hài cốt đồng đội mình về nơi an nghỉ./.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết