Tiếng Việt | English

26/04/2017 - 15:11

Người cha thứ hai

32 năm gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ”, thầy Hồ Lệ Thanh Sơn - giáo viên Trường Tiểu học Long Phụng, xã Long Phụng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An luôn tận tụy với công việc. Ở thầy, không hề có khoảng cách giữa giáo viên với học sinh, bởi thầy xem các em như con, cháu của mình.

Thầy Hồ Lệ Thanh Sơn rèn chữ cho học sinh

Nhiều năm liền, thầy Sơn đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi; gần 20 năm, thầy là chiến sĩ thi đua từ cấp cơ sở, cấp tỉnh; 3 lần nhận bằng khen của UBND tỉnh về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; giấy khen về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015 của huyện Cần Giuộc.

Ngoài ra, thầy còn là 1 trong 2 cá nhân của huyện Cần Giuộc vinh dự được tuyên dương tại Hội nghị tổng kết Chỉ thị 03/CT-TW của Bộ Chính trị do ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Hết lòng vì học sinh

Trước đây, thầy Sơn theo học trung học sư phạm. Sau đó, để bổ sung kiến thức và phục vụ công tác giảng dạy, thầy phấn đấu học đại học. Trong quá trình lên lớp, lại là giáo viên chủ nhiệm nên thầy luôn quan tâm, nắm bắt tâm tư, tình cảm và hoàn cảnh của từng học sinh.

Thầy nói: “Tôi nghĩ, mình thương học trò thì các em thương lại mình thôi! Trước đây, làm công tác giảng dạy còn gặp trở ngại vì chưa có sự gắn kết với phụ huynh học sinh, nay dễ hơn nhiều. Điều đầu tiên khi tôi làm chủ nhiệm lớp là phải làm quen với gia đình học sinh, có số điện thoại cá nhân để tiện liên hệ, trao đổi khi cần thiết,... Nhờ đó, tôi có thể hiểu được cuộc sống của từng em. Vì vậy, mỗi khi, các em có những biểu hiện như ít tập trung trong việc học hoặc nghỉ học, tôi thông báo ngay cho gia đình để tìm hiểu”.

Nhiều năm làm công tác giảng dạy, thầy đúc kết: Cần nắm bắt tâm lý từng học sinh, nhất là đối với học sinh cá biệt để có cách uốn nắn, khuyên bảo. Có em thích mềm mỏng nhưng có em phải thật nghiêm khắc, tùy vào cá tính học sinh và hoàn cảnh gia đình các em mà giáo viên chủ nhiệm có cách giáo dục riêng.

Ấm tình thầy trò

Còn nhớ năm học trước, trong lớp thầy chủ nhiệm có một học sinh bị bại liệt. Đó là em Phạm Thị Minh Thư, nhà ở ấp Phú Thạnh. Suốt năm học, thầy cõng Thư lên lớp học trên lầu và trở xuống khi em kết thúc buổi học. Thư bị bại liệt đôi chân, không thể tự lo sinh hoạt cá nhân. Nhiều lúc trong giờ ra chơi, em muốn đi nhà vệ sinh, thầy cõng em một đoạn đến hành lang. Sau đó, thầy nhờ hai bạn nữ dìu Thư làm vệ sinh cá nhân, rồi thầy lại cõng em về lớp.

Thầy nói: “Dù bị khuyết tật nhưng Thư không mặc cảm. Ngược lại, em có tinh thần cầu tiến trong học tập. Nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh khá”.

Thầy Sơn đến động viên, an ủi Thư khi em tập vật lý trị liệu tại nhà

Vì điều kiện kinh tế nên ba mẹ Thư ít có thời gian chăm sóc em. Hai chị em Thư do ông bà nội lo lắng. Hiện nay, Thư đang bảo lưu kết quả học tập, ở nhà tập vật lý trị liệu sau một thời gian phẫu thuật.

Thương cô học trò bất hạnh, thỉnh thoảng, thầy vẫn đến nhà Thư động viên, an ủi. Khi thì một vài quyển truyện, lúc thì những cuốn sách khoa học từ thầy cho, giúp Thư vơi đi những đau đớn từ vết mổ.

Thư nói: “Thầy như là người cha thứ hai của em. Nhờ có thầy mà em vượt qua được khó khăn trong những ngày học tập tại Trường Tiểu học Long Phụng. Ước mơ lớn nhất của em bây giờ là có đôi chân lành lặn để có thể tự đến trường, tự làm những việc mình yêu thích”.

Không chỉ có Thư mà nhiều thế hệ học trò khác, bây giờ khôn lớn và thành đạt, đều nhớ về người thầy dạy mình những nét chữ đầu tiên. Nhớ những lời căn dặn, những cái vỗ vai hay những lời răn đe nghiêm khắc của thầy, nhiều thế hệ học sinh sau này gặp lại có những đóng góp cho mái trường gắn bó một thời.

Từ năm 2016 đến nay, qua sự vận động của thầy, nhiều thế hệ học sinh cùng đóng góp xây dựng sân trường, bồn hoa, tặng học bổng cho Hội Khuyến học xã Long Phụng với kinh phí 37 triệu đồng.

Hy vọng sẽ còn nhiều, nhiều nữa những tấm gương sáng như thầy Sơn để làm đẹp hơn tình thầy - trò trong xã hội ngày nay./.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết