Tiếng Việt | English

25/10/2016 - 15:45

Người có công “ngóng chờ” ngân sách

Để nhớ ơn những người có công (NCC) với cách mạng, ngày 26/4/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 22/2013/QĐ-TTg về “Hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở”. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện, đến nay, nhiều NCC với cách mạng vẫn đang “ngóng chờ” ngân sách Trung ương.

Sau khi Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành, tỉnh xây dựng đề án hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở theo quy định của Quyết định 22/2013/QĐ-TTg và Thông tư 09/2013/TT-BXD ngày 1/7/2013 của Bộ Xây dựng, với tổng số căn nhà cần được hỗ trợ theo đề án trong năm 2013 là 899 (xây dựng mới 511, sửa chữa 388). Tổng kinh phí thực hiện đề án là 28.200 triệu đồng (Trung ương hỗ trợ 25.380 triệu đồng, tỉnh đối ứng 2.820 triệu đồng).


Cánh cửa nhà ông Lê Thanh Tươi có cũng như không

Tuy nhiên, qua thực hiện đề án, các địa phương vận động các nguồn và NCC tự cải thiện nên giảm được 166 căn. Đến ngày 12/5/2015, tỉnh triển khai xây dựng hoàn thành 713 căn, trong đó, 409 căn xây dựng mới, 304 căn sửa chữa với tổng kinh phí thực hiện 22.440 triệu đồng. Ngoài ra, thời gian này, tỉnh còn đang xây dựng mới 9 căn, sửa chữa 11 căn, với kinh phí thực hiện 580 triệu đồng. Nhìn chung, số nhà thực hiện theo đề án của năm 2013 trong tỉnh đã hoàn thành. Qua đó, giúp NCC với cách mạng ổn định cuộc sống và an tâm lao động

Tiếp tục thực hiện theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4690/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh sách hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh năm 2014. Theo đó, tổng số hộ được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà trong năm 2014 là 1.590 hộ, trong đó, 598 căn xây mới và 922 căn sửa chữa. Tuy nhiên đến nay, ngân sách vẫn chưa được phân bổ về địa phương.

Trong những ngày giữa tháng 10, chúng tôi men theo con đường đất tìm đến nhà con trai liệt sĩ Huỳnh Văn Ngàn, ở ấp Bình Thạnh 2, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành. Hình ảnh khiến chúng tôi chạnh lòng, bên trong ngôi nhà lá xiêu vẹo, người phụ nữ ốm đau nằm trên giường đợi chồng đi làm về mới có tiền mua thuốc uống. Anh Huỳnh Văn Tiếp (con trai liệt sĩ Huỳnh Văn Ngàn) tâm sự: “Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không có khả năng xây căn nhà mới. Trời mưa, tôi dùng mấy miếng tole của người bà con cho che đỡ. Mấy ngày nay, trời mưa quá, nhà bếp bị sập, vì vậy, tôi lấy tole ra làm nhà bếp để có chỗ nấu nướng. Khi trời mưa, ở trong nhà chẳng khác gì ngoài sân. Gia đình tôi chỉ mong sớm có tiền sửa chữa nhà để khỏi lo lắng, sợ nhà sập mỗi khi mưa hoặc trời trở gió”.


Căn nhà của ông Huỳnh Văn Tiếp hư hỏng nặng nhưng vẫn chưa có kinh phí để xây dựng

Hoàn cảnh của người thương binh 2/4 - ông Lê Thanh Tươi, ngụ ấp Bình Thạnh 3, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành cũng khó khăn không kém. Được biết, căn nhà của ông Tươi được xây dựng cách đây hơn 20 năm nên cột và vách bị mối mọt ăn. Khi được xét xây nhà mới, gia đình ông Tươi rất phấn khởi. Thế nhưng, ông cho biết: “Hơn 3 năm được xét xây nhà rồi lại để đó, hỏi ra thì chính quyền địa phương nói ngân sách chưa có. Vì thế, gia đình tôi chỉ biết đợi chờ”.

Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Mỹ - Nguyễn Thanh Tùng cho biết: “Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, xã Thuận Mỹ có 17 căn nhà được xây mới và 7 căn nhà được sửa chữa. Tuy nhiên, đến thời điểm này, xã vẫn chưa nhận được kinh phí từ quyết định trên. Điều đó làm ảnh hưởng đến uy tín và lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền địa phương.

Thực tế cho thấy, do nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cấp còn thiếu và chậm nên dẫn tới tình trạng chưa thể bố trí kinh phí thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra. Điều này khiến nhiều hộ gia đình NCC rơi vào tình trạng thấp thỏm chờ đợi. Vì vậy, thời gian tới, rất cần sự phối hợp, quyết tâm vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị để chính sách đầy tính nhân văn này thực sự “vào nhà” NCC./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết