Tiếng Việt | English

18/07/2016 - 05:14

Người cồn Sơn làm du lịch kiểu chơn chất

Du lịch cồn Sơn (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) không còn xa lạ với nhiều du khách ưa khám phá cảnh đẹp sông nước vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, chính cách làm du lịch độc đáo và lối sống mộc mạc, chân chất của người dân nơi đây mới là điều níu chân du khách.

Đua… xuồng, một trò chơi tận dụng ưu thế từ hệ thống kênh rạch ở cồn Sơn - Ảnh: Chí Quốc
Chỉ mất khoảng năm phút qua phà Cô Bắc trên đường Lê Hồng Phong (quận Bình Thủy), du khách có thể đặt chân lên cồn Sơn, một khu đất cồn giữa sông Hậu với 79 hộ dân sinh sống, cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 6km, hiện là một trong những điểm du lịch trải nghiệm lý thú cho du khách.

Làm dịch vụ nhưng “không đụng hàng”

Làm bánh dân gian Nam bộ là ngón nghề của người dân đất cồn Sơn bao đời nay nhưng cái nghề ấy chủ yếu phục vụ đám tiệc tại gia đình và xóm làng.

Bánh in, bánh xèo, bánh ướt, bánh lọt, bánh con sung hay bất cứ loại bánh nào mà khách muốn ăn thì chỉ cần “alô” trước một tiếng là sẽ được thưởng thức ngay trong chuyến đi.

Đặc biệt ở chỗ mỗi loại bánh, du khách chỉ được thưởng thức tại một nhà dân mà thôi, bởi ở đây người dân không làm “đụng hàng” để cạnh tranh nhau mà nếu cần thì họ góp thêm một vài loại bánh mang đến cho khách thưởng thức.

Hôm chúng tôi đến, khi nhà bà Phan Thị Kim Phước đãi món bánh in và bánh xèo gia truyền, bà Phan Thị Kim Ngân nhà kế bên cũng mang bánh lọt qua... góp vui.

Bà Phước cho biết do là đất cồn nên trước khi có chương trình du lịch cộng đồng, người dân ở đây rất buồn bởi cả ngày nhiều lắm chỉ có một hai khách đi ngang qua nhà.

Khi có chương trình du lịch do Đoàn thanh niên phường Bùi Hữu Nghĩa và Phòng văn hóa thông tin quận Bình Thủy gợi ý, bà “gật đầu” tham gia ngay với ý nghĩ ban đầu là “ham vui” thôi.

Thế nhưng, điều bất ngờ là từ chuyện “ham vui” đến nay làm du lịch trở thành nghề chính của nhiều người dân cồn Sơn. Có hôm 21g khách còn gọi đặt tour 40 người với yêu cầu là sáng sớm hôm sau có bánh xèo, bà Phước đã phải huy động chị em trong xóm hái rau ngay trong đêm rửa sẵn để sáng hôm sau chiên bánh là có ăn ngay.

Ngoài các loại bánh dân gian, những hộ dân ở đây còn làm những món ăn dân dã đãi khách như cháo gà thả vườn, lẩu cua đồng, cá chiên tỏi ớt mà du khách không thể nếm được mùi vị ấy ở bất cứ nơi đâu.

Riêng nhà bà Phan Thị Kim Ngân còn một món gia truyền khác là nước mắm cá cơm được ủ tại nhà với mùi vị rất ngon, chỉ phục vụ cho khách, không bán bên ngoài.

Theo bà Lê Thị Bé Bảy, phó Phòng văn hóa thông tin quận Bình Thủy, cồn này có 12/79 hộ tham gia chương trình du lịch và sáu hộ dân khác có bè cá phục vụ khách du lịch.

Do lâu nay người dân đã sống nương tựa vào nhau nên khi cùng làm kinh doanh, họ vẫn còn giữ nếp cũ, không cạnh tranh cùng một sản phẩm với nhau. Chính điều này mới tạo ra sự đặc sắc riêng của du lịch cồn Sơn mà không lẫn với du lịch cộng đồng ở những nơi khác của miền Tây.

Trải nghiệm nghề nông, sống “hoang dã”

Trước khi đến cồn Sơn, du khách đi đò sang cồn sẽ được ghé thăm các lồng bè nuôi cá điêu hồng ngay trên sông Hậu. Nhà bè chỉ thu mỗi du khách 10.000 đồng và du khách có thể trải nghiệm cuộc sống của nhà bè và cho cá ăn.

Sau đó khách sẽ lên đò vào cồn để đến các nhà dân trải nghiệm các món ăn và tham gia làm nghề nông. Trong đó, công việc tát cá và hái bưởi ở vườn đặc biệt được du khách yêu thích.

Càng thích thú hơn khi ở đây toàn là cá đồng do được thông trực tiếp với sông Hậu. Như nhà vườn Thành Tâm có cả chục mương vườn, khi khách tát hết cá ở một mương thì ông mở đường nước ra sông để cá tự nhiên vào. Cứ thế xoay vòng và khi tát những mương khác xong thì mương đã tát có cá vào sinh sống trở lại.

Nếu đi theo đội nhóm, du khách có thể chia thành từng nhóm nhỏ để... thi bắt cá và khi bắt xong sẽ mang lên trực tiếp cho nhà vườn chế biến thành các món ăn theo yêu cầu của khách.

Sau màn thi bắt cá là màn thi đua xuồng có một không hai vì ở đây có nhiều kênh rạch. Kênh rạch cũng cạn không quá đầu người nên nhiều du khách tự tin tham gia cuộc thi. Mặt trời sắp lặn, du khách có thể thư giãn bằng việc ngồi ở vườn cây đầu cồn để ngắm cò về nơi trú ngụ sau một ngày kiếm ăn.

Bà Bé Bảy cho biết để tổ chức được an toàn và phục vụ tốt hơn, du khách muốn du lịch cồn Sơn chỉ có thể đăng ký qua hai đầu mối là Đoàn phường Bùi Hữu Nghĩa hoặc Phòng văn hóa thông tin và nơi đây chỉ nhận khách đoàn.

“Hướng dẫn viên” của du lịch cồn Sơn cũng chính là những đoàn viên của Đoàn phường Bùi Hữu Nghĩa, phần lớn “hướng dẫn viên” này đều có người thân tham gia chương trình du lịch.

Theo bà Bé Bảy, khi đi du lịch tại cồn Sơn, du khách cần chú ý mang theo đầy đủ các vật dụng có thể sơ cứu tại chỗ bởi ở đây không có trạm y tế.

“UBND quận Bình Thủy đã chỉ đạo tiếp tục nhân rộng mô hình du lịch như ở cồn Sơn sang các điểm du lịch khác trên địa bàn quận, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân, vừa giúp du khách có cơ hội tìm hiểu về tập tục, văn hóa của người miền sông nước ĐBSCL cũng như thưởng thức các món ăn đặc sản của vùng đất này” - bà Bé Bảy nói. 

Cồn Sơn thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy) có diện tích trên 67ha, là một trong bốn cồn tự nhiên của TP Cần Thơ nằm ven sông Hậu.

Bà con nơi đây sống bằng nghề trồng cây ăn trái và chăn nuôi nhỏ. Trước đây, cồn này được biết đến là cồn “4 không” (không điện, không nước, không trường, không trạm) nhưng hiện tại chỉ còn “2 không” (không trường, không trạm).

Nhờ phát triển du lịch, đời sống kinh tế và văn hóa của người dân cồn Sơn đã từng bước được cải thiện.

Chí Quốc/tuoitre online

Chia sẻ bài viết