Tiếng Việt | English

30/09/2019 - 13:54

Người dân e ngại tái đàn chăn nuôi phục vụ tết

Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng vào dịp tết, các chủ trang trại và gia trại chăn nuôi trong tỉnh Long An đang tập trung tái đàn, tăng đàn, chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.

Tái đàn phục vụ tết

Tại huyện Cần Đước, có nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm quy mô khá lớn đang chuẩn bị nguồn hàng phục vụ tết. Bà Phan Thị Thanh Tuyền, ngụ ấp Cầu Chùa, xã Mỹ Lệ, chăn nuôi theo kiểu gia trại đã gần 10 năm. Năm nào cũng vậy, gần tết, gia đình bà đều tăng đàn. Năm nay, để phục vụ thị trường tết, gia đình bà tăng thêm 2.000 con gà thịt. Bà Tuyền cho biết: “Dịp tết là khoảng thời gian nhu cầu sử dụng gà “cao điểm” nhất trong năm nên những hộ chăn nuôi như chúng tôi đều tái đàn, tăng đàn để cung ứng cho thị trường. Hàng năm, giá gà tết tăng không nhiều, tuy nhiên, nhờ nhu cầu của thị trường lớn, gà dễ bán hơn nên những người nuôi gà thu được lợi nhuận ổn định”. Còn bà Trần Thị Bé Hai (thành viên Hợp tác xã (HTX) Tân Mỹ, xã Tân Lân) chia sẻ: “Để phục vụ việc nuôi gà bán tết, gia đình tôi đầu tư sửa chữa và mở rộng thêm 30m2 chuồng nuôi để tăng đàn. Năm nay, gia đình tôi tăng thêm 3.000 con gà lấy thịt. Hy vọng những ngày gần tết, giá gà sẽ tăng để người nuôi gà được ăn tết vui vẻ, đầm ấm”. 

Người chăn nuôi gà lấy trứng, lấy thịt đẩy nhanh tăng đàn 

Giám đốc HTX Tân Mỹ - Võ Đông Triều cho biết, toàn HTX có khoảng 20.000 con gà lấy thịt và 120.000 con gà lấy trứng. Các thành viên HTX đang tất bật cho việc tái đàn, tăng đàn phục vụ tết. Theo dự tính, dịp này, các thành viên sẽ tăng thêm khoảng 10.000 con gà lấy thịt. Cũng theo ông Triều, năm nay, giá con giống, thức ăn đều tăng không đáng kể. Tuy nhiên, điều mà người nuôi gà đang quan tâm, lo lắng là đầu ra và giá bán vì hầu như tết năm nào giá gà cũng không cao. Mặt khác, năm nay lại thêm dịch tả heo châu Phi nên nhiều người nuôi heo đã chuyển sang nuôi gà, vịt. Do đó, đến tết, nguồn cung gà sẽ nhiều và giá gà sẽ khó đoán.

Trái ngược với chăn nuôi gà, người chăn nuôi heo rất e ngại trong việc tái đàn phục vụ tết.Thời gian qua, tỉnh có gần 50.000 con heo bị tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi.Theo nguyên tắc, 30 ngày sau khi hết dịch thì có thể tái đàn dưới sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn nhưng vẫn còn rất nhiều hộ chăn nuôi e ngại tái đàn vì sợ dịch bệnh tái phát. Hiện tại, một số địa phương khác, người chăn nuôi đã bắt đầu triển khai tái đàn heo thịt dựa trên các đàn giống khỏe mạnh, cùng với đó là các biện pháp an toàn sinh học theo quy trình khép kín. Theo anh Đặng Hồng Phong, ngụ xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ: “Hiện dịch tả heo châu Phi còn xảy ra ở nhiều nơi, nên người chăn nuôi còn e ngại trước quyết định tiếp tục tái đàn. Mặc dù hiện nay giá heo hơi đang tăng nhưng người chăn nuôi cũng khá dè dặt, chỉ có những trang trại lớn đủ điều kiện áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học mới tái đàn. Phần lớn hộ chăn nuôi quy mô nhỏ như chúng tôi chưa có ý định tái đàn. Trong điều kiện hiện nay, địa phương cũng khuyến cáo người chăn nuôi muốn tái đàn cần tuân theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tăng cường các biện pháp cách ly nhằm bảo đảm an toàn, chăn nuôi hiệu quả”. Ông Phạm Văn Bảy (xã Thanh Phú, huyện Bến Lức) than thở: “Đợt dịch vừa qua đã làm gia đình tôi thiệt hại trên 100 triệu đồng. Hiện nay, đây là thời điểm tốt nhất để nông dân tái đàn chăn nuôi phục vụ tết. Nhưng giá nguyên liệu đầu vào như cám, thức ăn tổng hợp, thuốc thú y đều tăng khiến người chăn nuôi điêu đứng, trong khi giá heo thì không cao nên chắc chúng tôi phải bỏ trống chuồng”. 

Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Cẩm Vân, toàn huyện hiện có trên 1,1 triệu con gia cầm và 8.000 con gia súc, người dân chủ yếu chăn nuôi theo hình thức trang trại và gia trại, tập trung nhiều nhất tại các xã Tân Lân, Mỹ Lệ. Tính đến thời điểm hiện tại, địa phương hoàn thành việc tiêm phòng đợt 1 và 2 cho đàn gia súc, gia cầm. Nhìn chung, các loại gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đều đang sinh trưởng, phát triển tốt. 

“Thời gian qua, người chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện gặp khá nhiều khó khăn: Dịch bệnh, giá cả bấp bênh, thị trường không ổn định nên việc tái đàn, tăng đàn dịp tết vẫn ở mức bình thường như những năm trước, không đột biến, ồ ạt. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi dịp tết, phòng phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện và UBND các xã, thị trấn tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại và thực hiện tiêm phòng theo định kỳ để tránh những rủi ro về dịch bệnh; đồng thời, khuyến khích người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, chú trọng đến việc sản xuất an toàn, chất lượng” - bà Vân cho biết thêm.

Trước tình hình trên, Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tỉnh khuyến cáo, trong bối cảnh vẫn còn dịch tả heo châu Phi và nguy cơ lây bệnh cũng như dịch bùng phát trở lại vẫn hiện hữu, người chăn nuôi khi muốn tái đàn cần theo khuyến cáo và hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Đối với các trang trại quy mô lớn, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học có thể vào đàn nhưng cần tăng cường cách ly để bảo đảm an toàn.

Người dân e ngại tái đàn chăn nuôi phục vụ tết do tình hình dịch bệnh

Chăn nuôi an toàn sinh học

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, chăn nuôi là một trong những lĩnh vực quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp của tỉnh. Những năm qua, nông dân các địa phương tập trung phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, tạo ra nguồn thực phẩm cung ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường.Tuy nhiên, thời gian qua, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là dịch tả heo châu Phi ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi. Để xây dựng ngành chăn nuôi bền vững, giúp nông dân an tâm đầu tư sản xuất, sở triển khai nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học để người dân tiếp cận phương pháp chăn nuôi an toàn và hiệu quả. 

Ông Lê Văn Thảo, ngụ xã An Lục Long, huyện Châu Thành, cho biết: “Thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, gia đình tôi đã xây dựng khu trại riêng biệt với dãy chuồng nuôi heo thịt và heo nái, có hầm biogas xử lý chất thải. Tôi còn tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng ngừa dịch bệnh cho đàn heo theo quy định. Nhờ vậy, mấy năm nay, đàn heo của gia đình rất khỏe mạnh, không bị dịch bệnh, lợi nhuận cũng tăng theo. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi xuất chuồng được vài lứa heo.Nếu giá ổn định thì có lãi hơn 100 triệu đồng/năm, còn với giá như hiện nay thì không có lãi”.

“Hiện sở đề nghị các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích chăn nuôi an toàn sinh học để nhân rộng mô hình. Sở sẽ phối hợp các địa phương tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật,... cho người chăn nuôi; đồng thời, đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ về vốn, quỹ đất, định hướng về thị trường, minh bạch các thông tin về sản phẩm để chăn nuôi an toàn sinh học phát triển rộng rãi. Trong đó, các trang trại chăn nuôi phải được xây dựng ở địa điểm phù hợp, bảo đảm cự ly an toàn với các khu vực xung quanh. Mặt khác, cần áp dụng các biện pháp an toàn sinh học theo 3 vùng: Lõi, đệm và giám sát, áp dụng chương trình phòng trị theo điều kiện dịch tễ giúp các trại heo phòng tránh dịch bệnh hiệu quả. Nếu kiểm soát tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học như trên, các trang trại có thể tự tin duy trì môi trường an toàn dịch bệnh cho đàn heo trong thời gian dài và cung ứng cho thị trường các sản phẩm thịt bảo đảm chất lượng” - bà Khanh cho biết thêm./.

Huỳnh Phong - Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết