Tiếng Việt | English

30/07/2020 - 14:13

Người dân không nhất thiết phải đổ xô mua khẩu trang y tế

Cũng như địa phương khác, sau khi dịch Covid-19 xuất hiện trở lại trong cộng đồng tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Quảng Nam, người dân lại đổ xô mua khẩu trang y tế khiến giá khẩu trang “leo thang”.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong 2 ngày 25 và 26/7/2020, giá khẩu trang ở mức 65.000-75.000 đồng/hộp. Thế nhưng, từ ngày 27/7 đến nay, giá khẩu trang tăng từ 120.000-180.000 đồng/hộp. Tại các hiệu thuốc, mặt hàng khẩu trang đang có dấu hiệu “cháy hàng”. Chủ một cửa hàng thuốc tại TP.Tân An, tỉnh Long An cho biết: “Trước khi Đà Nẵng chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng thì 1 tuần cửa hàng chỉ bán được 1 thùng khẩu trang y tế. Sau thông tin Đà Nẵng xuất hiện ca nhiễm mới thì sức mua tăng cao. Hiện cửa hàng không còn khẩu trang y tế mà chỉ còn khẩu trang vải kháng khuẩn”.

Khẩu trang vải thông thường được khuyến cáo sử dụng cho mọi người khỏe mạnh và ở những khu vực ít có nguy cơ lây nhiễm

Tình hình mua, bán khẩu trang y tế trên các trang mạng xã hội cũng diễn ra sôi động. Nhiều người lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp để tăng giá, tạo ra sự khan hiếm hàng khiến người dân thêm hoang mang, lo lắng. Thiết nghĩ, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra các hoạt động sản xuất, vận chuyển, mua, bán mặt hàng khẩu trang nhằm kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán khẩu trang không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, không niêm yết giá và bán hàng không đúng giá niêm yết.

Theo Bộ Y tế, đeo khẩu trang là một trong những biện pháp phòng ngừa nhằm hạn chế sự lây lan của một số bệnh về đường hô hấp, trong đó có Covid-19. Tuy nhiên, người dân không nhất thiết phải đeo khẩu trang y tế để phòng bệnh. Bởi vì, sử dụng khẩu trang không đúng cách có thể ảnh hưởng đến hiệu quả trong dự phòng, gây lãng phí không cần thiết, khan hiếm cho cơ sở y tế và tạo ra tâm lý sai lầm về sự an toàn. Từ đó, dẫn đến việc bỏ qua các biện pháp thiết yếu khác như rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

Bộ Y tế cũng hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc sử dụng các loại khẩu trang để người dân biết và có lựa chọn phù hợp. Cụ thể, khẩu trang y tế N95 hoặc tương đương chỉ dùng cho kỹ thuật viên xét nghiệm, nhân viên y tế, người tiếp xúc trực tiếp để khám, điều trị và chăm sóc người bệnh. Khẩu trang y tế dành cho cán bộ y tế khi làm việc trong môi trường y tế ở khu vực có khả năng lây nhiễm và tiếp xúc nhiều với người bệnh (khoa khám bệnh, khoa điều trị, khoa hồi sức tích cực,…).

Khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn (gọi tắt là khẩu trang 870) dành cho cán bộ y tế làm việc ở những nơi ít có nguy cơ; người tham gia phòng, chống dịch; người bệnh trong cơ sở điều trị bệnh không lây nhiễm; người phục vụ ở các khu vực công cộng như lễ tân, bãi xe, cảng biên phòng, cửa khẩu, cảng hàng không,… Các loại khẩu trang 3, 4 lớp (không đủ điều kiện là trang thiết bị y tế); khẩu trang vải thông thường được khuyến cáo sử dụng cho mọi người khỏe mạnh và ở những khu vực ít có nguy cơ lây nhiễm./.

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết