Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Hạn chế bón phân gà tươi cho thanh long

Người dân phải thay đổi nhận thức

Sau bài phản ánh đăng trên Báo Long An vào tháng 10-2014 về tình trạng người dân sử dụng phân gà tươi bón cho cây thanh long gây ảnh hưởng đến môi trường ở xã văn hóa, xã nông thôn mới Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, ngày 4-12-2014, UBND huyện đã có Công văn số 1258 gửi UBND xã về việc nghiêm cấm sử dụng phân gà tươi bón cây thanh long. Từ đó, chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc nhưng tình trạng này có chấm dứt hay không còn phụ thuộc vào nhận thức của người dân.

Bón phân gà tươi, thanh long bị bệnh, quan trọng hơn là ảnh hưởng xấu đến môi trường sống

Tuyên truyền là chủ yếu

Theo Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Dương Xuân Hội - Nguyễn Văn Thình, sau khi có chỉ đạo của huyện, xã đã thành lập Đoàn kiểm tra về tình hình vận chuyển, bón phân gà tươi cho cây thanh long. Ngoài ra, Đài Truyền thanh xã cũng viết bài tuyên truyền, phát qua các cụm loa ở ấp về tác hại của việc sử dụng phân gà tươi làm ảnh hưởng đến môi trường như gây ra mùi hôi, dễ phát sinh ruồi nhặng và dịch bệnh. Bài viết của Trạm truyền thanh cùng với công văn của huyện cũng được photo gửi đến 40 tổ an ninh nông thôn ở xã nhằm tuyên truyền đến người dân trong các buổi họp định kỳ vào hằng tháng. Ông Phạm Văn Nghề - Tổ trưởng Tổ An ninh nông thôn số 6, ấp Mỹ Xuân, cho biết: “Vào ngày 1 hằng tháng, 36 hộ trong tổ lại họp định kỳ. Đây là những hộ dân có trồng thanh long và trước đây, hầu hết đều sử dụng phân gà tươi bón cho cây trồng này. Tuy nhiên, qua tuyên truyền, gần đây, tôi không thấy người dân chở phân gà tươi, mùi hôi cũng không còn. Tuy nhiên, việc có bón hay không thì tôi không chắc vì người dân có thể chở ban đêm, sau khi bón sẽ ủ lên một lớp xơ dừa nên khó nhận biết và cũng không gây ra mùi hôi”.

Ý thức người dân thay đổi còn thể hiện qua việc chủ động báo với chính quyền địa phương khi phát hiện 2 trường hợp vận chuyển phân gà tươi vào ban đêm. Ngoài ra, ở ấp Mỹ Xuân, người dân cũng báo với chính quyền khi phát hiện 3 hộ dân bón phân gà tươi cho cây thanh long. Tuy nhiên, theo ông Thình, những trường hợp này đều không xử phạt vì khi lực lượng chức năng đến nơi, xe tải vận chuyển phân gà đã chạy qua địa bàn khác thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang. Còn trường hợp người dân ở ấp Mỹ Xuân đã bón xuống gốc thanh long nên chỉ nhắc nhở và hướng dẫn phun hóa chất để phân hủy nhanh, khử mùi hôi không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Ngoài tuyên truyền thay đổi nhận thức, địa phương còn thực hiện những biện pháp quyết liệt hơn để hạn chế tình trạng này. Nếu trước đây, địa phương chỉ nhắc nhở, lập biên bản và không có thẩm quyền phạt khi phát hiện trường hợp sử dụng phân gà tươi bón cây thanh long thì bây giờ, đoàn kiểm tra có quyền phạt dưới 5 triệu đồng khi phát hiện vận chuyển và bón phân gà tươi. Bên cạnh đó, theo công văn của huyện, Điện lực huyện Châu Thành từng bước không giải quyết cung cấp điện đối với những hộ bón phân gà chưa qua xử lý. Cùng với đó, các đoàn thể xã xây dựng mô hình đồng ruộng sạch để tuyên truyền đến hội viên. Với sự kết hợp giữa tuyên truyền và áp dụng những hình thức chế tài “mạnh” hơn trước, việc bón phân gà tươi sẽ chấm dứt ở xã văn hóa, xã nông thôn mới trong thời gian sớm nhất.

Sử dụng phân gà tươi không tăng năng suất

Toàn xã Dương Xuân Hội hiện có 530ha thanh long, trong đó có trên 480ha đang trong thời kỳ ra trái. Đây là thời điểm mà nhiều hộ dân thường áp dụng kỹ thuật xông đèn kết hợp bón phân gà tươi vì nghĩ rằng, những biện pháp này sẽ mang lại hiệu quả cao.Tuy nhiên, đó chỉ là suy nghĩ kiểu thói quen “ăn theo” của nông dân. Còn hiệu quả ra sao? Ông Phạm Văn Nghề - một nông dân có thâm niên trồng thanh long gần 20 năm ở Dương Xuân Hội kể: “Cách đây hơn 1 tháng, đại diện của Viện Cây ăn quả miền Nam đã có buổi gặp gỡ với nông dân để giải thích về bệnh đốm nâu, đốm trắng đang xuất hiện trên cây thanh long. Theo họ, do người dân sử dụng phân gà tươi chưa qua xử lý nên có nhiều loại vi khuẩn ảnh hưởng đến cây thanh long gây ra tình trạng cháy dây và trái bị đốm”.

Ông Nghề cũng là một trong những hộ từng sử dụng phân gà để bón cho cây thanh long nhưng đã qua quá trình ủ oai. Điều này vừa mang lại hiệu quả vừa không gây ảnh hưởng đến môi trường. Cũng theo kinh nghiệm trồng thanh long của ông Nghề, việc bón phân hóa học cùng với phân hữu cơ đã qua xử lý, ủ oai sẽ giúp thanh long phát triển tốt và mang lại năng suất cao. Cụ thể, với cách làm này, hằng năm, trung bình 1.000m2 diện tích trồng thanh long, ông thu hoạch được khoảng 2 tấn. Còn với những hộ sử dụng phân gà tươi như bây giờ, năng suất sau mỗi vụ cũng như vậy chứ không tăng hơn. Điều này chứng tỏ, việc bón phân gà tươi không làm tăng năng suất mà còn là một trong những nguy cơ dẫn đến dịch bệnh cho cây trồng và gây ô nhiễm môi trường.

Việc bón phân gà tươi xuất hiện cách đây hơn 5 năm vì tập quán, thói quen sản xuất theo kiểu bắt chước nhau của người dân trong khi hiệu quả mang lại không cao và môi trường còn bị ảnh hưởng. Muốn cây thanh long phát triển tốt, việc kết hợp phân hữu cơ và vô cơ phải dùng đúng cách và đã qua xử lý, ủ oai. Điều này vừa góp phần gìn giữ môi trường ở xã văn hóa, xã nông thôn mới vừa mang lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp cho người dân.

THÙY HƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết