Tiếng Việt | English

18/02/2018 - 05:10

Tết ở xã vùng sâu, vùng xa huyện Cần Giuộc:

Người dân vùng hạ rộn ràng đón tết an lành, ấm cúng, vui tươi

Vùng hạ Cần Giuộc ngày nào đất mặn phèn, sình lầy, đời sống người dân vô cùng khó khăn, thiếu thốn; bây giờ đổi thay nhiều lắm! Đường sá đi lại thuận tiện, không còn phải vất vả như trước đây nữa. Phước Vĩnh Đông - xã vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất của tỉnh, giờ đây thay da đổi thịt từng ngày. Tết Mậu Tuất! Nơi đây, người người, nhà nhà đón tết rộn ràng, an lành, ấm cúng, vui tươi.

Rộn ràng đón tết ở xã vùng sâu, vùng xa

Mùng 2 tết, chúng tôi về Phước Vĩnh Đông, xã vùng sâu, vùng xa của huyện Cần Giuộc mới cảm nhận được sự thay da, đổi thịt từng ngày, từng giờ trên dải đất lịch sử này và ghi nhận không khí đón xuân của bà con ở nơi đây.

Thoải bước trên con đường bê tông phẳng lì trên kênh chống Mỹ nối dài từ xã Tân Tập đến Phước Vĩnh Đông với chiều dài 5 km, cây cầu Tắc Cạn được khánh thành đưa vào sử dụng tạo thuận lợi cho bà con vùng hạ trong việc tham gia giao thông, vận chuyển hàng hóa. Anh Nguyễn Viết Thắng, ấp Vĩnh Thạnh phấn khởi khoe: “Cuộc sống của bà con giờ đây khác xưa nhiều lắm! Đường sá giờ được bê tông hóa, trẻ con có thể tự đạp xe đến trường rồi. Có được thành quả này là sự nỗ lực rất lớn của lãnh đạo các cấp, cán bộ và bà con nhân dân tại địa phương.”

Cầu Tắc Cạn được khánh thành đưa vào sử dụng tạo thuận lợi cho bà con vùng hạ trong việc tham gia giao thông, vận chuyển hàng hóa.

Đến đâu, chúng tôi cũng thấy không khí rộn ràng, nhà nhà trang hoàng nhà cửa tươm tất. Những cành mai vàng trước hiên nhà nở rộ, vươn ra đón nắng xuân. Những chậu  thọ, cúc khoe đủ sắc màu tươi thắm. Sắc xuân đang tràn về khắp vùng quê hiền hòa, ấm áp. Đi sâu vào xóm ấp Vĩnh Thạnh mà người dân hay gọi là “ấp đảo” bởi xung quanh là sông, rạch, muốn qua đây phải đi phà sang. Chiếc phà cập bến đưa chúng tôi sang bên kia sông. Điều đặc biệt là phà cập ba bến nối giữa UBND xã Phước Vĩnh Đông sang ấp Vĩnh Thạnh và bến thứ ba là sang ấp Mương Chài, xã Phước Lại hướng đi về thị trấn Cần Giuộc.

Tục cúng gia tiên trở thành nét văn hóa trong phong tục người Việt Nam.

Đang chuẩn bị mâm cỗ cúng mùng 2 tết, thấy chúng tôi, ông Nguyễn Văn Ten, ấp Vĩnh Thạnh, vội mời vào nhà và cùng trò chuyện. "Là xã vùng sâu vùng xa của tỉnh, địa hình phức tạp, chủ yếu là sông bao quanh nên đường sá đi lại hết sức khó khăn; bà con nơi đây, sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng thủy sản. Nhờ có sự quan tâm của các cấp, các ngành, giờ đây, chúng tôi không còn phải đi trên những con đường lầy lội nữa, cơ sở trường lớp khang trang, sạch đẹp, đời sống của bà con cũng khởi sắc hơn rất nhiều. Từ các cụ già đến các cháu nhỏ, ai cũng vui, phấn khởi”.

Nhà nhà đều có tết                                                                             

Ngày nay, khi đời sống được cải thiện thì ngày tết của bà con cũng tươm tất hơn. Ai Một mùa xuân đang tràn về và len lỏi vào từng đường quê nơi đây.

Những chuyến phà đưa người dân qua lại giữa các ấp trong dịp tết nguyên đán Mậu Tuất.

Như lời của anh Nguyễn Văn Hoạch, ấp Vĩnh Thạnh, hộ nuôi tôm hơn 20 năm, nhờ mưa thuận gió hòa nên vụ tôm anh nuôi trồng thu hoạch bội thu. Tết năm nay, gia đình ăn tết đầy đủ hơn, sắm sửa mọi thứ nhiều hơn năm trước. Tôm được giá bà con có lãi, nhiều hộ vươn lên khá, giàu; nhiều ngôi nhà khang trang, kiên cố xuất hiện ngày càng nhiều ở vùng này. 

Chủ tịch UBND xã Phước Vĩnh Đông – Nguyễn Việt Hùng, chia sẻ: “Hiện nay, phát triển nông nghiệp ở địa phương chủ yếu là nuôi tôm. Nhưng điều cốt lõi nhất là ưu tiên phát triển nuôi tôm theo công nghệ cao, nhằm nâng cao hiệu quả và thu nhập cho người dân. Xã xây dựng 11 tổ hợp tác nuôi tôm với 100 hecta, thu hút 150 hộ gia đình tham gia, áp dụng công nghệ cao; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 giảm 5%. Sự quan tâm của các cấp, các ngành chức năng mang lại cho làng quê chúng tôi diện mạo hoàn toàn mới, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Năm nay, bà con nơi đây đón một cái tết thật ấm cúng, an lành và mọi người ai cũng thấy vui, phấn khởi. Đó là bước khởi sắc tại địa phương.”

 Nhiều hộ gia đình xã vùng sâu, vùng xa vươn lên thoát nghèo, ăn tết đầy đủ hơn, gia đình chúc tết, quây quần bên nhau ngày Mùng 2 Tết.

Tết ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa tuy không ồn ào náo nhiệt như thành thị và những vùng nông thôn khác nhưng không khí vui xuân, đón tết của bà con vùng hạ cũng rộn ràng không kém. Sau những tháng ngày lao động vất vả, người dân vùng hạ lại đón cái tết no ấm, anh lành và vui tươi. Diện mạo địa phương khởi sắc từng ngày là tín hiệu vui cho vùng quê miền hạ vốn chịu nhiều khó khăn, thiếu thốn, nay từng bước đi lên góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Hùng Anh

 

Chia sẻ bài viết