Tiếng Việt | English

12/11/2018 - 11:01

Người đi “gieo chữ” vùng biên

Đến nay, Nhà giáo ưu tú Huỳnh Uyển Trinh - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Hưng (xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An), có hơn 20 năm gắn bó với mái trường vùng biên giới này. Mái trường và vùng đất Khánh Hưng giờ đây trở thành quê hương thứ 2 của cô.

 Nhà giáo ưu tú Huỳnh Uyển Trinh

 Nhà giáo ưu tú Huỳnh Uyển Trinh

Vì yêu thương mà ở lại

Cô Trinh kể, tốt nghiệp Đại học Sư phạm, cô được phân công nhiệm vụ về Trường Phổ thông cơ sở (mẫu giáo, tiểu học, thcs) Khánh Hưng, nơi cách nhà gần 100km, thời điểm đó phải đi tàu cả ngày. Nơi cô đến là mảnh đất vùng biên còn lắm khó khăn, người dân chưa có điện, nước sử dụng, phương tiện đi lại chính là xuồng, ghe. Trường học ngày đó là những mái lá đơn sơ với các cô, cậu học trò chân đất. Và hành trang cô giáo trẻ Uyển Trinh mang theo thì đầy ắp tinh thần nhiệt huyết và sự yêu thương dành cho học trò của mình.

Cô Trinh chia sẻ, nếu không có tình yêu dành cho học sinh và con người Khánh Hưng, có lẽ cô đã không thể nào trụ lại nơi đây hằng 20 năm. Cô nói: “Học trò ngày ấy hay bây giờ đều đáng yêu. Mùa mưa, học trò chân trần tới lớp, vất vả nhiều nhưng các em ham học. Với lại, phụ huynh ở đây rất quý giáo viên, những thầy, cô giáo trẻ như chúng tôi ngày đó được phụ huynh giúp đỡ nhiều lắm!”. Chính những tình cảm thật thà, chân chất ấy đã “níu chân” cô Trinh ở lại với Khánh Hưng đến bây giờ.

Hơn 20 năm công tác tại trường, khoảng 18 năm đứng trên bục giảng, cô Trinh dành hết tâm sức của mình cho từng thế hệ học trò. Mỗi bài giảng của cô đều được đầu tư nghiên cứu, tìm ra cách giảng hay, thu hút học sinh. Cô nắm rõ hoàn cảnh, tính nết từng học sinh lớp chủ nhiệm để có cách bảo ban, dạy dỗ. Hầu hết thời gian cô chỉ dành cho công việc và học sinh của mình. Cô Trinh kể: “Có khi gặp học sinh không nghe lời, tôi mất ngủ liền mấy hôm để tìm cách giúp đỡ và uốn nắn em. Để học sinh rời trường, rời lớp thì tương lai em sẽ về đâu, nghĩ vậy mà cố gắng. Rồi học trò cũng hiểu lòng mình!”.

Quả ngọt

Trong thời gian trực tiếp giảng dạy, cô Trinh luôn tích cực tự học, nghiên cứu tài liệu, học hỏi kinh nghiệm ở đồng nghiệp, đổi mới phương pháp dạy học, tham gia dự giờ, thao giảng, cố gắng đầu tư cho từng tiết dạy đạt hiệu quả hơn. Nhờ sự kiên trì và tận tụy với nghề, cô gặt hái nhiều kết quả rất khả quan trong từng năm học. Cô có 2 sáng kiến kinh nghiệm xếp loại B cấp huyện và ứng dụng hiệu quả tại trường: Một số biện pháp giúp học sinh học tốt phân môn Tập làm văn thể loại miêu tả lớp 5 và Một số biện pháp quản lý, chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cho học sinh ở trường tiểu học.

Nhiều học sinh của cô đoạt giải cao trong các kỳ thi cấp huyện, tỉnh và quốc gia. Ở một mái trường vùng biên giới xa xôi, còn nhiều thiếu thốn mà có học sinh đoạt giải thưởng cấp quốc gia được xem là kỳ tích. Cô Trinh từng góp phần không nhỏ vào kỳ tích ấy. Năm học 2005-2006, em Nguyễn Thị Ngọc Bích - học sinh Trường Tiểu học Khánh Hưng, đoạt giải ba cuộc thi Vở sạch chữ đẹp cấp quốc gia. Chính cô Trinh là người uốn nắn cho em từng nét chữ trong suốt quá trình dự thi từ cơ sở đến cấp quốc gia. Cô kể: “Bích lúc đó là học sinh lớp tôi chủ nhiệm, thấy em viết chữ đẹp, tôi quyết định bồi dưỡng thêm cho em để dự thi vở sạch chữ đẹp. Mỗi lần Bích có kết quả đoạt giải là 2 cô trò vừa mừng, vừa lo. Mừng vì cố gắng có kết quả, lo vì phải luyện tập nhiều hơn nữa để thi vòng tiếp theo”.

Đó là những ngày 2 cô trò gần như “ăn, ngủ” tại trường, một dấu chấm, dấu phẩy hay nét nghiêng, nét đậm Bích viết ra đều được cô Trinh theo sát, chỉnh sửa từng chút một. Vừa nghiên cứu học mẫu chữ đẹp, đúng chuẩn, cô Trinh vừa hướng dẫn học trò. Cô nói: “Rèn vở sạch chữ đẹp, mình phải theo sát em từng nét chữ để tạo thói quen. Một nét chữ viết sai không chỉnh kịp có thể khiến cả bài dự thi giảm chất lượng”. Giải ba cấp quốc gia là sự đền đáp xứng đáng nhất cho nỗ lực của Bích và cô Trinh.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Hưng - Huỳnh Minh Nghĩa nhận xét: “Cô Trinh là một trong số ít giáo viên gắn bó với trường từ những năm 1990 đến nay. Cô không chỉ nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy mà còn rất nhiệt tình với đồng nghiệp. Trong gần 18 năm đứng lớp, cô có 14 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua và Giáo viên dạy giỏi. Cô được đồng nghiệp tín nhiệm cao và phụ huynh học sinh yêu mến. Cô cũng từng 3 lần nhận bằng khen của UBND tỉnh. Năm 2015, cô được tín nhiệm giao giữ vị trí Phó Hiệu trưởng nhà trường”.

Kết quả trên là thành quả hơn 20 năm miệt mài nỗ lực của Nhà giáo ưu tú Huỳnh Uyển Trinh trên con đường theo đuổi sự nghiệp giáo dục của mình. Cả quãng đời thanh xuân của cô dùng để “gieo chữ, gặt yêu thương” trên mảnh đất vùng biên heo hút. Giờ đây, Khánh Hưng hoàn toàn đổi mới, không còn khó khăn như 20 năm về trước và cô Trinh đã xem nơi này như chính quê hương thứ 2 của mình!

Phương Phương

Chia sẻ bài viết