Tiếng Việt | English

09/04/2019 - 08:08

Người đứng đầu phải nêu gương về mọi mặt

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và Quy định số 101-QÐ/TW của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên (CBĐV), nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”, thời gian qua, CBĐV, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.

Phần lớn, CBĐV nêu gương toàn diện trên các mặt tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,... Trong công việc, CBĐV, nhất là người đứng đầu luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm. Tuy nhiên, nhiều trường hợp CBĐV chưa dám chịu trách nhiệm với việc làm của mình, còn đùn đẩy tránh nhiệm, “lánh nặng tìm nhẹ”. Đối với những trường hợp này, cấp ủy cần nhanh chóng chấn chỉnh, nhắc nhở, giúp CBĐV phát huy tốt vai trò của mình.

Muốn đưa tập thể ngày càng đi lên, phát huy được dân chủ trong mỗi cơ quan, đơn vị, người đứng đầu phải có bản lĩnh chính trị vững vàng; năng lực điều hành, tập hợp quần chúng; biết sử dụng nhân tài; đồng thời phải biết lắng nghe, giải quyết thấu đáo mọi việc phát sinh trong cơ quan, đơn vị. Bên cạnh gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, người đứng đầu cần công tâm, khách quan trong công tác khen thưởng, kỷ luật. Có như vậy mới tạo được phong trào thi đua sôi nổi, đưa cơ quan, đơn vị ngày càng phát triển./.

Huệ Chi

Chia sẻ bài viết