Tiếng Việt | English

02/02/2019 - 18:05

Người Hoa đón tết cổ truyền

Như dân tộc ta, người Hoa cũng có nét văn hóa, phong tục, tập quán đặc trưng và được bảo tồn, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Trong đó, ngày Tết Cổ truyền cùng những phong tục đón mừng năm mới của cộng đồng người Hoa diễn ra cùng lúc với dân tộc được xem là nét văn hóa đặc sắc và hết sức thú vị.

Vào ngày tết, người Hoa thường thay câu đối liễn mới, giấy đỏ  chữ vàng mang thông điệp tốt lành

Vào ngày tết, người Hoa thường thay câu đối liễn mới, giấy đỏ chữ vàng mang thông điệp tốt lành

Nét văn hóa đặc sắc

Long An hiện có hơn 1.200 người Việt gốc Hoa, sống tập trung chủ yếu ở TP.Tân An. Cũng như người Việt, sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), người Hoa bắt đầu trang trí đón tết. Dọn dẹp, trang hoàng xong nhà cửa, công việc đầu tiên của họ là thay câu đối liễn mới, giấy đỏ chữ vàng, nội dung thường mang thông điệp tốt lành: Xuất nhập bình an, Kim ngọc mãn đường, Tân xuân đại cát,... 

Theo Trưởng ban Đại diện Cộng đồng người Hoa Long An - Huỳnh Nghiệp Tân, gia đình ông sinh sống ở TP.Tân An 3 thế hệ nhưng vẫn giữ được những phong tục truyền thống của người Hoa. “Gia đình tôi hành nghề buôn bán tại nhà, nên nội dung câu đối liễn thường là Nhất bổn vạn lợi, Khai trương hồng phát, Sinh ý hưng long,... Ngày tết, bên cạnh thay câu đối liễn treo trong nhà, tôi còn treo lồng đèn, dây đỏ, chưng các loại hoa mang ý nghĩa phát lộc, phát tài: Hoa mai, hoa cúc, hoa thủy tiên,...” - ông Huỳnh Nghiệp Tân chia sẻ.

Giao thừa của người Hoa thường kéo dài từ 12 giờ ngày 30 tháng Chạp đến 2 giờ sáng mùng 1 tết. Đây là thời khắc họ đoàn tụ cùng gia đình, bật nhạc tiếng Hoa, xem chương trình văn nghệ đặc biệt chào năm mới. Sau khi đón giao thừa, cũng như người Việt, nhiều người Hoa đi chùa cầu may mắn trong năm mới. Nhiều gia đình có điều kiện còn mời đội lân - sư - rồng múa trước nhà để lấy hên, đồng thời phục vụ công chúng. 

Theo ông Tuyển Quãng Lợi, ngụ khu phố Bình Cư 3, phường 6, TP.Tân An, mùng 1 tết là ngày cả gia đình đoàn viên, sum họp, cúng bái, chúc tết họ hàng và mừng tuổi người trong nhà. Người lớn sẽ phát bao lì xì cho con cháu, với ý nghĩa ban lộc may mắn đầu năm; những ai còn độc thân dù lớn tuổi vẫn được nhận bao lì xì như trẻ em. Đến ngày mùng 2 tết, tất cả gia đình người Hoa làm lễ cúng Khai niên, tiếp khách đến chơi nhà và sau đó là đi thăm, chúc tết lẫn nhau trong khu phố, tục này được người Hoa gọi là “cung hỷ phát tài”. 

Món ăn ngày tết

Người Hoa sống ở Long An chủ yếu có nguồn gốc từ người Quảng Đông, Phúc Kiến (Trung Quốc). Ngày tết, ngoài những món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh tét giống người Việt thì họ có thêm 2 loại bánh độc đáo nữa là bánh tổ và củ cải. Bánh tổ được làm bằng bột nếp trộn với đường nấu loãng, sau đó đổ vào khuôn hình tròn rồi mang đi hấp. Bánh củ cải là loại bánh mặn được làm từ củ cải trắng và một số nguyên liệu khác: Bột gạo, tôm khô, thịt ba rọi, nấm đông cô, cần và tỏi tây. Sau khi trộn đều các nguyên liệu, bánh được cho vào thố mang đi hấp chín. 

Nếu mâm quả của người Việt thường có 5 loại trái cây: Mãng cầu, đu đủ, xoài, sung, dừa thì người Hoa có thêm quýt, bánh tổ, bánh in, táo, nho, hồng,... Theo ông Huỳnh Nghiệp Tân, trái cây, bánh trên mâm quả của người Hoa đều được ưu tiên chọn màu đỏ hoặc vàng, thể hiện sự may mắn, giàu có. Trong đó, theo người Hoa, bánh tổ là “niên cao”, mang ý nghĩa ước mong năm mới gia chủ được may mắn, phát tài. Quýt phát âm trong tiếng Hoa là “cát”, đồng âm với từ “cát” có nghĩa là “cát tường”, biểu tượng năm mới đại kiết, đại lợi; nho thể hiện cho sự sung túc, đề huề của con cháu,...

Mâm cỗ ngày tết của người Hoa gốc Quảng Đông thường có cá vàng, lạp xưởng, gà, vịt, tôm, thịt heo,... Tên những loại này khi đọc lên thường có ý nghĩa tốt lành, với mong ước một năm mới phát tài, sung túc, gặp nhiều may mắn, sức khỏe dồi dào. Riêng mâm cỗ cúng tết của người Hoa gốc Triều Châu còn có món gà dồn ngũ đậu với ước mong có được nhiều của cải trong năm mới. Đối với những gia đình Hoa - Việt, mâm cỗ tết của họ cũng có chút biến tấu, ngoài các món ăn đặc trưng của người Hoa, bánh tét cũng xuất hiện trong mâm cỗ cúng. 

Người Hoa trang trí nhà cửa đón tết

Người Hoa trang trí nhà cửa đón tết

“Khi làm lễ cúng giao thừa, chúng tôi thường đặt mâm cỗ trước hiên nhà và tất cả những người trong gia đình, từ nhỏ đến lớn đều ra vái, tạ ơn Thiên Công cho một năm sung túc và cầu năm mới bình an, suôn sẻ” - ông Tuyển Quãng Lợi có 22 năm đón tết ở Long An chia sẻ.

Hàng năm, người Hoa đón năm mới cùng với ngày Tết Cổ truyền của cả dân tộc và những phong tục, nghi lễ đón tết của họ vẫn được gìn giữ một cách đầy đủ, trọn vẹn ý nghĩa. Sau tết, mọi sinh hoạt trở lại bình thường. Tuy nhiên, những hoạt động sau đó của người Hoa thường nhàn nhã hơn vì vẫn còn không khí của ngày tết, họ “vừa làm, vừa chơi”, cho đến ngày Tết Nguyên tiêu thì mới chấm dứt hoàn toàn./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích