Tiếng Việt | English

25/11/2019 - 09:50

Người mẹ thứ hai

27 năm gắn bó với nghề, trải qua bao khó khăn, cô Nguyễn Thị Tuyết Anh (47 tuổi) - giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Tấn Kiều (thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An), vẫn giữ trọn lửa nghề. Với cô, mỗi học trò là một đứa con mà cô dành hết lòng, hết sức để dạy dỗ.

Dù khó khăn vẫn bám trường, bám lớp

Cô Nguyễn Thị Tuyết Anh luôn hết lòng vì học trò của mình

Dù khó khăn vẫn bám trường, bám lớp 

Từ nhỏ, cô Tuyết Anh được thấy hình ảnh cha của mình với bộ quần áo chỉn chu, ngày ngày xách cặp đến trường dạy học. Những người học trò không chỉ quý ông như cha mà mỗi dịp 20-11, tết đều đến thăm hỏi, tri ân. Khi đó, cô cảm nhận được nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Và, ước mơ trở thành giáo viên như cha cũng có từ cái thời cắp sách đến trường.

Hiện thực hóa ước mơ, cô giáo trẻ quê huyện Châu Thành về công tác tại Trường Tiểu học Thạnh Hưng (trước đây thuộc huyện Mộc Hóa, nay là thị xã Kiến Tường). Thời ấy, điều kiện dạy học và sinh sống vô cùng khó khăn. Trường học là những phòng học đơn sơ, vách lá. Dụng cụ dạy học cũng chỉ là bảng đen, phấn trắng và thước kẻ. Cô Tuyết Anh trải lòng: “Nếu so với bây giờ thì thời ấy rất khổ. Điều kiện đi lại rất khó khăn, chủ yếu di chuyển bằng xuồng, đò. Dù nhớ nhà nhưng khoảng 2 tháng, cô mới về quê một lần. Nhiều học sinh đến trường phải đi chân trần, áo quần thì lem luốc, cũ kỹ. Đồng lương của giáo viên lúc ấy cũng khá eo hẹp, cô phải ki cóp mới đủ trang trải cuộc sống”. 

Khó khăn là vậy nhưng cô Tuyết Anh vẫn giữ trọn lửa nghề, bám trường, bám lớp, bởi đó không chỉ là ước mơ từ thuở nhỏ mà còn là tình cảm của học trò, phụ huynh vùng khó dành cho cô giáo trẻ. Học sinh chân chất, ngoan hiền, còn phụ huynh quý trọng thầy cô như gia đình. Tình cảm ấy cũng được thể hiện bằng con cá bắt được, mớ rau mới hái ngoài vườn được đem đến tặng thầy cô dù đó không là ngày 20-11 hay bất kỳ dịp đặc biệt nào khác.

“Ngày ấy, nhìn cha đọc những bức thư của học trò cũ mà tôi ngưỡng mộ. Đó là tình cảm chân thành mà học trò dành cho cha. Tôi ước mình cũng được yêu quý như vậy. Và bằng sự chân thành, tôi đối đãi với học trò của mình như những đứa con, luôn dành hết tâm sức để dạy dỗ và yêu thương các em. Chính vì vậy, tôi cũng được đáp trả bằng chính tình yêu thương ấy. Đó là động lực lớn để tôi vượt qua khó khăn, bám trường, bám lớp đến tận bây giờ”.

Trải qua vài lần chuyển trường, đến nay là giáo viên chủ nhiệm lớp 2B1, Trường Tiểu học Nguyễn Tấn Kiều, cô Tuyết Anh vẫn giữ trọn tình yêu nghề, mến trẻ.

Hết lòng vì học sinh

Trong quá trình giảng dạy, cô Tuyết Anh luôn nỗ lực và nghiêm túc để chọn phương pháp dạy hay, hiệu quả nhất. Trong đó, cô chú trọng phát huy tính tích cực của học sinh. Cô thiết kế bài giảng nhẹ nhàng, tự nhiên và sinh động bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng đồ dùng dạy học và chia nhóm trong quá trình giảng dạy. Nhờ vậy, học sinh hứng thú học tập và phát huy khả năng tư duy, sáng tạo, đặc biệt là có những suy nghĩ độc lập.

Cô Tuyết Anh chia sẻ: “Tùy môn học và nội dung tiết học, tôi chọn phương pháp dạy phù hợp. Đó có thể là tranh ảnh, video clip hay hoạt động nhóm giữa các thành viên trong lớp. Trong đó, đôi bạn cùng tiến với 2 học sinh cùng bàn hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong học tập hầu như luôn được thực hiện”.

Ngoài ra, cô Tuyết Anh cũng có những sáng kiến kinh nghiệm hay, hiệu quả và áp dụng vào thực tế giảng dạy. “Rèn luyện kỹ năng giải Toán” là một trong những sáng kiến cô tâm đắc và thường áp dụng. “Trong chương trình lớp 2, phần giải Toán có lời văn chiếm một vị trí quan trọng. Học Toán, học sinh phải tư duy có chiều sâu, sự sáng tạo mới tìm ra những dữ kiện của bài toán không cho trực tiếp. Do đó, khi dạy giải toán có lời văn, giáo viên không thể sử dụng một phương pháp nhất định mà phải biết vận dụng được phương pháp dạy học phù hợp với điều kiện sinh lý và sự phát triển tâm lý của học sinh để bồi dưỡng cho các em năng lực, tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề. Do đó, tôi áp dụng phương pháp gợi mở - vấn đáp giúp các em tích cực, chủ động, độc lập suy nghĩ trong học tập để tìm ra kiến thức mới hoặc giải quyết vấn đề cần thiết” - cô Tuyết Anh tâm sự.

Theo đó, mỗi câu hỏi gợi mở - vấn đáp của cô Tuyết Anh đều có nội dung sát với mục đích, yêu cầu, nội dung bài học. Các câu hỏi cũng ngắn gọn, rõ ràng, nhấn mạnh ở những từ quan trọng và đặt câu hỏi dưới nhiều hình thức khác nhau để học sinh nắm vững kiến thức và linh hoạt trong suy nghĩ. Cô Tuyết Anh chia sẻ thêm: “Câu hỏi phải gợi ra vấn đề để học sinh giải quyết vấn đề. Tôi rất hạn chế những câu hỏi mà học sinh trả lời “có” hay “không” hoặc cả lớp cùng trả lời và chấm dứt những câu trả lời “vuốt đuôi”. Tôi cố gắng khéo léo dẫn dắt để học sinh cảm nhận được chính bản thân mình tìm ra kiến thức mới. Có như vậy, các em mới yêu thích học tập và khắc sâu kiến thức hơn”. Nhờ phương pháp dạy của cô Tuyết Anh, học sinh ngày càng tiến bộ, đặc biệt là các em tự tin, mạnh dạn và có chính kiến riêng. 

Luôn hết lòng vì học sinh, cô Tuyết Anh được ghi nhận với nhiều thành tích nổi bật: Từ năm 2009 đến nay là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; năm học 2013-2014 nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; năm học 2016-2017 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết