Tiếng Việt | English

30/01/2019 - 10:44

Người mẹ thứ hai của trẻ

"Cô giáo mầm non tuy cực nhưng vui. Chứng kiến trẻ trưởng thành, ngoan và tiến bộ từng ngày là bao nhiêu vất vả của tôi đều tan biến. Đó là món quà quý giá mà trẻ dành cho tôi khi gắn bó suốt một quãng thời gian dài của năm học. Và, tôi luôn xem trẻ như những đứa con của mình". Đó là chia sẻ chân tình của cô Lê Ngọc Cẩm - giáo viên Trường Mầm non Nhị Thành, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.

Cô Lê Thị Cẩm

Cô Lê Thị Cẩm

Dạy học dựa trên tâm lý của trẻ

27 năm gắn bó, tình yêu nghề, mến trẻ của cô Cẩm luôn được vun đắp qua thời gian. Tuổi nghề càng lớn, cô càng hiểu tâm lý của trẻ và có phương pháp dạy phù hợp nhằm giúp trẻ vừa thoải mái, vừa thích thú nội dung được học.

Đầu năm học, khi mới tiếp nhận trẻ, cô tìm hiểu qua phụ huynh về tính cách, sở thích và điểm đặc biệt của trẻ so với các trẻ khác. Dựa trên thông tin ban đầu, cô quan sát và trò chuyện với trẻ để cô trò gần gũi và hiểu nhau hơn. Tùy theo tính cách, cô chọn cách giáo dục phù hợp, trong đó, phương pháp mềm mỏng, nhỏ nhẹ luôn được áp dụng với mọi trẻ. Đặc biệt, đối với những trẻ béo phì, thấp còi hay quá năng động, thụ động, cô rất quan tâm. Cô dựa trên tâm lý của trẻ để khuyến khích các em ăn, uống, tham gia vận động trong các trò chơi phù hợp. Cô còn kết hợp chặt chẽ với phụ huynh trong những nhóm trẻ này để có sự can thiệp khoa học, giúp trẻ cải thiện hơn về sức khỏe, tầm vóc.

Cô Cẩm tâm sự: "Trẻ như tờ giấy trắng, rất dễ vẽ lên và cũng dễ ảnh hưởng bởi cách cư xử của người lớn. Nếu giáo dục không đúng, trẻ dễ hình thành tính cách không tốt và dẫn đến những tổn thương về tâm lý. Do đó, nhẹ nhàng, mềm mỏng là phương pháp giáo dục chủ đạo mà tôi áp dụng. Kèm với đó cũng có những lúc cứng rắn đúng lúc, đúng chỗ. Ví dụ như trẻ không nghe lời, quậy trong lớp thì cô trò sẽ có cuộc nói chuyện riêng. Tôi giải thích trẻ hiểu đúng sai và phân công nhiệm vụ cho trẻ làm. Như vậy, trẻ sẽ nhận thức được trách nhiệm của mình và tập trung thực hiện nhiệm vụ. Trẻ hoàn thành thì khen ngợi để trẻ hiểu đó là việc làm tốt và được cô quan tâm, chú ý đến. Đó thường là tâm lý trẻ muốn thể hiện hoặc gây sự chú ý nhưng có cách làm chưa đúng. Do đó, khi hiểu được trẻ, chúng ta sẽ phát huy được sở trường, năng lực của trẻ dựa trên mong muốn của trẻ và theo hướng đi đúng".

Trẻ tựa như búp măng, muốn vững chãi, cao lớn thì phải qua quá trình giáo dục, uốn nắn lâu dài và từng chút một. Đặc biệt, lứa tuổi mầm non, trẻ học nhanh và lần đầu tiên được tiếp cận nhiều kiến thức, những điều mới lạ trong cuộc sống, góp phần hình thành nhân cách, sở thích của trẻ. Do đó, cách giáo dục dựa trên tâm lý trẻ là một trong những phương pháp rất cần thiết.

Luôn lấy trẻ làm trung tâm

Bên cạnh giáo dục dựa trên tâm lý, cô Cẩm còn lấy trẻ làm trung tâm trong mọi hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Cô để trẻ là trung tâm của việc chơi, việc học và tự tìm tòi, khám phá những điều mới lạ. Cô chỉ là người theo sát gợi ý, hướng dẫn và bổ sung kiến thức mới dựa trên những gì trẻ tự tìm ra.

Trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ, cô lồng ghép, tích hợp vào các nội dung, hoạt động dạy trẻ. Theo đó, các góc chơi, góc thiên nhiên được trang trí đẹp mắt, thu hút trẻ. Với góc chơi, mỗi góc có ký hiệu, tên rõ ràng và đồ dùng, đồ chơi đa dạng, phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ. Góc thiên nhiên thì trang trí cây cảnh, dụng cụ tưới nước, bảng tên cho cây nhằm tạo một không gian xanh, sạch, đẹp để thu hút trẻ. Khi những điều kiện ấy được bảo đảm, trẻ hứng thú đến trường và khám phá những kiến thức mới. Cô cho trẻ tự nói lên cảm nhận của mình, tự trải nghiệm trước nội dung bài học. Sau đó, cô mới gút lại và mở rộng kiến thức. Nhờ phương pháp này, trẻ năng động, tự tin, phát huy khả năng sáng tạo và hình thành năng khiếu, sở thích rõ rệt.

Cô Cẩm bộc bạch: "Khi những điều kiện bên ngoài như không gian học đẹp mắt, đồ dùng, đồ chơi đa dạng, trẻ hứng thú và chịu khó tự tìm hiểu kiến thức mới. Ngoài ra, tôi còn hướng dẫn trẻ làm đồ dùng, đồ chơi, dọn dẹp dụng cụ vui chơi, học tập. Nhờ vậy, trẻ biết quý trọng đồ chơi và biết thế nào là giữ gìn ngăn nắp, sạch sẽ đồ dùng, đồ chơi".

Cô Lê Thị Cẩm luôn lấy trẻ làm trung tâm trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ

Cô Lê Thị Cẩm luôn lấy trẻ làm trung tâm trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ

Bên cạnh đó, cô còn chú trọng giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho trẻ mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt thông qua những hoạt động hàng ngày. Nhờ vậy, trẻ không chỉ ngoan, phát triển đúng sở trường, thích thú học tập mà còn lễ phép và biết tự phục vụ.

Nhờ sự tâm huyết với trẻ và nỗ lực hết mình, cô Cẩm được ghi nhận với nhiều thành tích: Nhiều năm liền là giáo viên giỏi cấp huyện, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên giỏi cấp tỉnh năm học 2016-2017. Ngoài ra, với vai trò Chủ tịch Công đoàn của trường, cô Cẩm còn quan tâm đời sống cán bộ, giáo viên và người lao động; đồng thời, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động phong trào, đưa hoạt động Công đoàn ngày càng đi lên./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết