Tiếng Việt | English

25/06/2015 - 13:29

Người Mỹ bắn nhau nhiều nhất thế giới?

7 vụ xả súng xảy ra trong 1 tuần làm 22 người chết, khiến Tổng thống Obama phải thừa nhận rằng các vụ nổ súng ở Mỹ cao hơn nhiều các nước khác.

Theo CNN, chỉ trong ngày 20/6 nước Mỹ đã xảy ra tới 5 vụ nổ súng xảy ra ở 3 thành phố của Mỹ, khiến ít nhất 2 người chết và 13 người bị thương.

Vụ thứ 6 xảy ra tối 21/6, một tay súng bắn vào những người dự buổi tiệc ngoài trời trong một khu dân cư ở Philadelphia, làm bị thương một đứa bé, 2 trẻ em, và ít nhất 5 người lớn.

Những thông tin dồn dập về tội phạm liên quan đến súng càng khiến nước Mỹ càng thêm đau buồn. Đáng chú ý là vụ thảm sát kinh hoàng 9 người da đen ở thành phố Charleston do phần tử phân biệt chủng tộc Dylann Roof dùng súng gây ra hôm 18/6.


Tổng thống Obama hết sức phẫn nộ và đau buồn trước thông tin nước Mỹ xảy ra 7 vụ xả súng kể từ hôm 18/6 (ảnh: New York Times)

Tất cả đều được lý giải là do chính sách sở hữu súng quá dễ dàng của nước Mỹ.

Súng có thể mua ở siêu thị, trên mạng, cửa hàng

Nước Mỹ có hàng trăm siêu thị như hệ thống Walmart, những hộ kinh doanh gia đình như Ken’s Sporting Goods and Liquor Store được phép bán loại vũ khí chết người này.

Đấy là chưa kể tới, 54.026 người buôn bán súng được cấp giấy phép liên bang, theo thống kê năm 2014 của Cục Quản lý rượu, thuốc lá, súng và chất nổ Mỹ (ATF). Con số này nhiều hơn so với thời điểm Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền năm 2009 là 14%, nhưng ít hơn so với con số 248.155 người năm 1992.

Mua một khẩu súng cũng quá dễ dàng. Người mua chỉ việc điền vào một mẫu của ATF, trong đó có các thông tin cá nhân cơ bản và những câu hỏi như bạn đã từng phạm tội, hoặc có từng sử dụng trái phép cần sa hay các loại chất cấm hay chưa… Sau đó cửa hàng sẽ liên hệ với Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), cơ quan quản lý việc kiểm tra lý lịch cá nhân bằng hệ thống NICS (hệ thống kiểm tra lý lịch hình sự quốc gia).

NICS sẽ quét qua các cơ sở dữ liệu liên bang để tra cứu thông tin. Nếu người mua đã từng phạm tội với mức án hơn 2 năm hoặc bị tòa án tuyên bố là có “khiếm khuyết về tinh thần” thì sẽ không thể vượt qua cuộc kiểm tra lý lịch. Quá trình này chỉ mất vài phút.

Phần lớn người đăng ký đều vượt qua bài kiểm tra. Tỷ lệ thất bại chưa đầy 1%. “Hơn 100 triệu người đăng ký bài kiểm tra này trong 10 năm qua, song chỉ 700.000 người không đủ tiêu chuẩn”, theo thông tin trên trang web của FBI.

Trở lại vụ xả súng đẫm máu tại nhà thờ của người Mỹ gốc Phi ở thành phố Charleston, bang Nam Carolina, hôm 18/6 khiến 9 người chết. Thủ phạm là Dylann Roof, 21 tuổi. Tên này vốn từng phạm tội nhiều lần nhưng khẩu súng hắn dùng để gây tội ác, được xác định là mới mua. Đây là ví dụ cho thấy lỗ hổng trong hệ thống kiểm soát súng đạn tại Mỹ.

Ngoài những người buôn bán súng, 7.810 chủ hiệu cầm đồ cũng có giấy phép mua và bán vũ khí. Họ cũng phải hoàn thành quy trình kiểm tra nguồn gốc sử dụng súng đạn như tại các cửa hàng.

Ngoài việc mua súng ở siêu thị, cửa hàng, theo USA Today, internet là nơi mà các cơ quan an ninh Mỹ không thể kiểm soát được các hoạt động giao dịch súng đạn.

Các nhà lập pháp Mỹ coi việc sở hữu súng là quyền cơ bản của con người, chỉ sau quyền tự do ngôn luận. Hiến pháp Mỹ thông qua Luật sở hữu súng thuộc Luật về Quyền cá nhân năm 1791, cho phép người dân có thể mang chúng tới bất cứ đâu.

Ngày nay, quyền sở hữu súng vẫn luôn nhận sự đồng tình của nhiều người dân Mỹ bởi họ coi đây là cách thể hiện quyền tự do dân chủ. Hơn một nửa số tiểu bang đã thông qua Luật sở hữu súng. Ở một số bang khác, người dân chỉ được dùng loại súng có tính sát thương thấp và phải giữ chúng tại nhà.

Không đơn giản để cải tổ luật kiểm soát súng

Ngày 20/6, lên tiếng trước Hội nghị các thị trưởng Mỹ năm 2015 tại San Francisco, California, ứng cử viên tổng thống thuộc Đảng Dân chủ, Hillary Clinton kêu gọi phải có các luật kiểm soát súng dựa trên “tri thức thông thường”, đồng thời lên án “thói quen kỳ thị chủng tộc” tại Mỹ.


Người Mỹ sở hữu một khẩu súng quá dễ dàng

Bà Clinton nói rằng Quốc hội phải thông qua các luật giữ cho súng đạn không rơi vào tay bọn tội phạm và những kẻ mắc bệnh tâm thần trong khi vẫn “tôn trọng quyền sở hữu súng của những người có tinh thần trách nhiệm”.

Vị ứng cử viên Đảng Dân chủ cũng đề cập tới “cuộc giằng co kéo dài với nạn kỳ thị chủng tộc” tại Mỹ và cho rằng người ta không thể cứ lẩn tránh mãi những sự thật phũ phàng trong quan hệ chủng tộc và trong nền công lý của đất nước này.

Tuy nhiên, đáp lại lời bà Hillary, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định không đơn giản để cải tổ luật kiểm soát việc sử dụng súng trong tương lai gần. Cho dù theo ông Obama: “Tính theo tỉ lệ dân số, người Mỹ bắn nhau với tần suất gấp 297 lần so với Nhật Bản, 49 lần so với Pháp và gấp 33 lần tại Israel”.

Lời tuyên bố của ông Obama được đưa ra trong bối cảnh các nhóm vận động hành lang của nghị viện, điển hình như Hiệp hội súng trường quốc gia Mỹ (NRA), vẫn đang duy trì nền tảng quyền lực lớn. Thêm vào đó, người dân Mỹ vốn có truyền thống sở hữu vũ khí tại nhà, cũng không mặn mà với việc cải tổ luật kiểm soát sở hữu súng mà Đảng Dân chủ đưa ra.

Reuters dẫn lời ông Obama : “Chính người dân Mỹ mới là chiếc chìa khóa thay đổi đạo luật liên quan đến sở hữu và sử dụng súng, khi mà các cơ quan vận động hành lang như NRA sẽ tiếp tục phản đối bất cứ quy tắc nào vi phạm các quyền được quy định trong hiến pháp”.

“Vấn đề là, chúng ta cần tìm ra cách để giải quyết hài hòa sao cho có thể ngăn chặn tình trạng một thiếu niên 21 tuổi tìm mua một khẩu súng chỉ vì cậu ấy đang cảm thấy bực tức, băn khoăn về một điều gì đó, hoặc cậu ta là một người phân biệt chủng tộc”.

“Hơn tất cả, tôi vẫn cho rằng vấn đề chỉ được giải quyết khi công chúng Mỹ cảm nhận đầy đủ về tính cấp bách và để họ có thể nói với chính họ rằng “Sở hữu súng” không phải chuyện bình thường, đây là điều mà chúng ta phải thay đổi, và chúng ta sẽ thay đổi nó”./.

Ngân Giang/VOV.VN

Chia sẻ bài viết