Tiếng Việt | English

30/08/2017 - 11:56

Người nuôi lợn đã có lãi sau thời “giải cứu“

Từ đầu tháng 7 trở lại đây, người chăn nuôi bắt đầu hòa vốn và có lãi chút ít, khi giá lợn hơi tiêu chuẩn đạt 36.000-38.000 đồng/kg.

Tăng đàn ồ ạt, lợn hơi giảm kỷ lục

Tại Hội nghị đánh giá kết quả triển khai các biện pháp ổn định thị trường và phát triển chăn nuôi lợn diễn ra ngày 29/8, ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, tốc độ tăng đàn lợn của năm 2015 và năm 2016 từ 3,7-4,7%/năm là quá cao so với mức tăng trung bình từ 1,5-2%/năm của giai đoạn 2010 và 2014.

Người nuôi lợn đã có lãi sau thời "giải cứu"
Sản lượng lợn hơi cũng tăng cao, năm 2016 tăng xấp xỉ 5% so với cùng kỳ năm 2015 là con số tăng cao nhất từ 5 năm trở lại đây.

Mức tăng thực tế của năm 2016 có thể còn cao hơn khi nhiều địa phương có mức tăng đàn và tăng sản lượng lợn hơi xuất chuồng năm 2016 vượt trên 20% như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Nam, Đồng Nai… Ngoài ra các yếu tố khác như nhu cầu thịt lợn của thị trường nội địa không tăng, xuất khẩu lợn hơi giảm đột ngột đã dẫn tới khủng hoảng thừa, giá thịt lợn giảm sâu, người chăn nuôi thua lỗ nặng trong thời gian qua.

So với giá lợn hơi của Thái Lan, Trung Quốc thì người chăn nuôi lợn Việt Nam đã thua thiệt từ 15.000- 25.0000 đồng/kg trong thời điểm từ tháng 10/2016- 6/2017.

Ông Dương cho biết, giá lợn đã có dấu hiệu phục hồi từ tuần đầu của tháng 5/2017, chỉ sau 2 tuần triển khai các biện pháp chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì giá lợn hơi trong nước đã tăng lên từ 5.000-7.000 đồng/kg. Với mức tăng này đã giúp người chăn nuôi lợn trong nước đỡ thua thiệt từ 1.500-2.000 tỷ đồng/tháng.

Người chăn nuôi bắt đầu hóa vốn và có lãi chút ít vào đầu tháng 7 trở lại đây, khi giá lợn hơi tiêu chuẩn đạt 36.000-38.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, nhờ triển khai các giải pháp, trong 3 tháng qua đã loại thải gần 500.000 con lợn nái, tương đương khoảng 10,28%, đây là con số rất lớn không chỉ có ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung con giống trước mắt mà còn có ảnh hưởng lâu dài đến những năm tiếp theo.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cũng cho rằng, muốn đẩy mạnh chăn nuôi thời gian tới cần phải đánh giá lại thị trường tiêu thụ, chủ yếu là thị trường trong nước, còn xuất khẩu chỉ một phần.

Do đó, thời gian tới cần tập trung điều chỉnh nguồn cung, cải tạo đàn nái nâng chất lượng thịt, giảm giá thành và nâng cao giá trị, đa dạng hoá sản phẩm chăn nuôi.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, việc giải cứu thịt lợn là không mong muốn, nhưng quan trọng là chúng ta phải làm thế nào để việc này không xảy ra trong tương lai.

Thị trường TP Hồ Chí Minh bình quân một ngày tiêu thụ khoảng 10.000 con lợn. Hiện có 1.200 trang trại chăn nuôi cung cấp thịt lợn cho TP Hồ Chí Minh. Thịt lợn được phân phối 80% qua 2 chợ đầu mối, 20% qua kênh siêu thị.

TP Hồ Chí Minh dự kiến trong tháng tới sẽ đưa vào bắt buộc đối với hai chợ đầu mối an toàn thực phẩm. Thịt lợn vào hai chợ đầu mối phải có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc.

“Nếu không đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước thì đừng nghĩ đến xuất khẩu ra nước ngoài. Đến khi nào người tiêu dùng biết rõ nguồn gốc miếng thịt lợn đó từ đâu, do ai nuôi đảm bảo chất lượng không thì lúc đó người tiêu dùng sẽ ủng hộ chúng ta”, ông Hòa nhấn mạnh.

Phát triển lợn đặc sản

Đánh giá về ngành chăn nuôi lợn thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói: “Hiện nay, con giống đã được cải thiện ngang bằng với các nước phát triển trong khu vực; thức ăn chăn nuôi đứng thứ nhất trong khu vực ASEAN với sản lượng 31 triệu tấn/năm; công nghệ, quy trình quản trị luôn được nâng cao.

“Câu hỏi đặt ra tại sao nhiều tiến bộ như thế lại phải đi giải cứu, lại xảy ra khủng hoảng?”, Bộ trưởng Cường nêu vấn đề.

Theo Bộ trưởng, câu chuyện vừa qua khi xảy ra khủng hoảng thừa thịt lợn có nhiều nguyên nhân nhưng có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất là mất cân đối cung cầu giữa sức sản xuất lớn và khả năng tiêu thụ. Cụ thể, với sức sản xuất hiện nay, bình quân mỗi người phải ăn 100 quả trứng, 50kg thịt, 80kg cá, 20 lít sữa, 500kg lương thực, 300- 400kg rau quả. Như thế thì ăn làm sao hết.

Thứ hai là tổ chức ngành hàng chưa tốt. Chúng ta mới thúc đẩy sản xuất còn chế biến và phát triển, tổ chức thị trường còn yếu. Chỉ đếm trên đầu ngón tay các doanh nghiệp có thể chế biến được, chỉ có 8 doanh nghiệp xuất khẩu lợn choai…

“Giá lợn giảm theo ngày, theo giờ, giảm sốt ruột, từ tình hình đó chúng ta đã tập trung nhiều giải pháp, giảm đàn nái, con giống, giảm giá đầu vào, tích cực khai mở thị trường, tín dụng. Đánh giá lại nhiều người đặt vấn đề giải cứu có đúng tầm không, có đúng không? Kiểm lại thì giải cứu là đúng. Xảy ra tình trạng như vậy ai cũng phải xúm vào. Chúng ta đã đạt mục tiêu đặt ra trước mắt là giảm đàn, đưa giá lợn trở về tiếp cận giá thành trung bình, đảm bảo môi trường…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, thời gian tới cần phải cơ cấu lại ngành chăn nuôi lợn theo 2 hướng: công nghiệp và chăn nuôi hữu cơ theo hướng lợn đặc sản. Thúc đẩy nhanh hướng chăn nuôi hữu cơ, tập trung vào các giống lợn đặc sản.

Bên cạnh đó, đối với lĩnh vực thức ăn chăn nuôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang sản xuất thức ăn chăn nuôi hữu cơ. Phải tổ chức lại sản xuất từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đến doanh nghiệp đều phải thực hiện chăn nuôi theo chuỗi liên kết bởi đây chính là hình thức phát triển bền vững.

Ngoài ra, phải thay đổi công tác quản lý nhà nước, từ tiêu chuẩn, quy chuẩn, kiểm soát thị trường.../. 

VOV.VN (Theo Diệu Thùy/Infonet)

Chia sẻ bài viết