Tiếng Việt | English

10/04/2019 - 08:17

Người tiêu dùng không tẩy chay thịt heo

Người tiêu dùng an tâm dùng sản phẩm thịt đã qua kiểm dịchNgười tiêu dùng an tâm dùng sản phẩm thịt đã qua kiểm dịch

Bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xảy ra tại 21 tỉnh, thành trên cả nước (từ Thừa Thiên Huế trở ra phía Bắc) với gần 65.000 con heo bị tiêu hủy. 10 ngày qua, không có thêm tỉnh, thành nào phát hiện dịch.

Theo đánh giá của ngành chức năng, tuy lượng heo từ các tỉnh phía Bắc vào các tỉnh phía Nam giảm nhưng vẫn còn heo từ các tỉnh miền Trung vào miền Tây Nam bộ. Trước tình hình DTHCP diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Bắc, các tỉnh miền Tây Nam bộ đang quyết liệt phòng, chống DTHCP.

Tại Long An, ngành thú y siết chặt các xe vận chuyển heo qua cửa ngõ, đồng thời tiến hành phun thuốc sát trùng, khử độc và tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm nguyên tắc “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa cho heo ăn khi chưa qua xử lý nhiệt). Ngành chức năng cũng kêu gọi người tiêu dùng không tẩy chay thịt heo vì bệnh này không lây sang người.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Dương Minh Phí cho biết: “Do DTHCP hiện nay chưa có vắc-xin hay thuốc để phòng trị, khi heo đã nhiễm bệnh, tỷ lệ chết 100%, vì vậy công tác phòng, chống được đặt lên hàng đầu. Hiện nay, từ tỉnh đến các huyện, xã đều thành lập ban chỉ đạo phòng, chống DTHCP. Tại các trạm kiểm dịch, cửa ngõ giao thông, cửa khẩu đều có cán bộ túc trực 24/24 để kiểm tra, phun thuốc sát trùng, khử độc các phương tiện vận chuyển heo ra, vào tỉnh. Ngoài công tác phòng, chống dịch, tỉnh còn lên kịch bản xử lý khi có dịch xảy ra. Cụ thể như dự trù số lượng heo nhiễm bệnh, cách tổ chức tiêu hủy, khoanh vùng ổ dịch và cách thức vận chuyển xử lý heo bệnh; chính sách hỗ trợ cho người dân,...”.

Hiện nay, nguồn heo thịt vào địa bàn tỉnh luôn được kiểm soát chặt chẽ. Thịt vận chuyển về đến chợ đã có lực lượng kiểm tra từ mã vạch truy xuất nguồn gốc và có đóng dấu kiểm dịch của cán bộ thú y. Người tiêu dùng cũng hiểu và phân biệt được thịt chất lượng nên có thể an tâm khi mua thịt heo.

Bà Nguyễn Thị Thương (phường 5, TP.Tân An) chia sẻ: “Những ngày qua, thông tin DTHCP không lây sang người được tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông đại chúng và công tác kiểm soát dịch bệnh tại các lò mổ, các chợ cũng khá chặt chẽ nên người tiêu dùng an tâm khi sử dụng thịt heo và các sản phẩm từ thịt”.

Công tác kiểm soát dịch bệnh tại các lò mổ được tăng cường

Công tác kiểm soát dịch bệnh tại các lò mổ được tăng cường

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: “Để người tiêu dùng an tâm sử dụng thịt heo, tỉnh yêu cầu các lò mổ ngưng nhập heo từ các tỉnh phía Bắc, heo không rõ nguồn gốc để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh; thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch động vật và kiểm soát giết mổ, kiên quyết xử lý các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, giết mổ lậu, sản phẩm động vật không có dấu kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh của cơ quan thú y để phòng ngừa dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là DTHCP. Hiện các cửa ngõ vào tỉnh được lực lượng thú y tăng cường kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu nhiều ngành tham gia vào công tác phòng, chống dịch, trong đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm nòng cốt, tăng cường cán bộ từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản xuống các huyện, phối hợp phòng nông nghiệp các huyện, thị xã, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân biết dấu hiệu heo bệnh, nhận diện DTHCP”./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết