Tiếng Việt | English

27/10/2017 - 02:25

Người trẻ “về rừng”

Hầu hết cán bộ, kỹ sư, lao động làm việc tại Khu Bảo tồn (KBT) đất ngập nước Láng Sen đều khá trẻ. Họ chấp nhận rời xa phố thị, bám trụ ở vùng đất thiên nhiên hoang dã còn nhiều khó khăn.

“Gia đình lớn”

KBT đất ngập nước Láng Sen được thành lập từ năm 2004. Người làm việc tại đây hầu hết là cán bộ trẻ, những người sẵn sàng chịu khó, chịu khổ để bám trụ với Láng Sen và xem đây là “gia đình lớn”.

Muốn chụp được hình ảnh, biết “nếp sống” của chim, cá, các anh anh kỹ sư phải dậy từ khi mặt trời mới mọc (Trong ảnh: Anh Linh Em chụp ảnh chim vào sáng sớm tư liệu của khu bảo tồn)Đến Láng Sen, tôi được mọi người mời bữa cơm trưa cùng đơn vị. Bữa trưa có cá kho, canh chua cá nấu với đậu rồng và trái bứa. Tất cả đều là “sản vật” của Đồng Tháp Mười. Buổi sáng, chị bếp tranh thủ ra chợ mua vài con cá của người dân đánh lưới (toàn bộ chim, cá trong KBT đều để phát triển tự nhiên, không được phép khai thác). Đậu rồng được anh em trong đơn vị trồng trước cơ quan, cây bứa dại mọc ngay bên bờ sông. Chỉ vậy thôi, bữa cơm đạm bạc nhưng ấm áp. Anh Nguyễn Linh Em - kỹ sư tại Láng Sen, kể: “Anh em ở đây sống với nhau như gia đình, ngoài giờ làm việc, mọi người cùng nhau nấu ăn, trồng cây. Cả ban giám đốc cũng cùng làm”.

KBT rộng 1.971ha, chia thành nhiều tiểu khu, hằng ngày, anh em kỹ thuật và bảo vệ thường đi bộ hoặc chèo xuồng quanh các tiểu khu để làm nhiệm vụ. Mỗi ngày, đi bộ hàng chục kilômét hoặc hơn là điều bình thường, có khi phải làm việc từ 5 giờ đến 20 giờ vì mọi công việc phải tùy thuộc vào tập tính các loài chim, cá và thời gian nước lên, xuống. Và, trong lúc đi thu mẫu, nghiên cứu hoặc tuần tra bảo vệ, anh em lại tiện tay bẻ ít ngọn rau rừng hoặc hái nắm bông điên điển về cho bữa cơm có thêm rau!

Vượt trăm Kilômét “Tới trường”

Những kỹ sư trong Đội Kỹ thuật (người lớn nhất ngoài 30 tuổi) thường bắt đầu ngày mới như một nông dân. Họ chèo xuồng hoặc đi bộ vào KBT để thu mẫu, ghi hình, kiểm tra và xử lý nước,...Nắng “nhuộm” nâu màu da họ nhưng nụ cười lúc nào cũng tươi rói.

Muốn ghi hình, lấy mẫu ở Láng Sen, anh em thường đi bộ hoặc chèo xuồng. Riêng đi tuần tra bảo vệ đêm, bắt buộc đi bộ và không được soi đèn (Trong ảnh: Kỹ sư ghi ảnh chim nước trong khu bảo tồn)

Tiếp chúng tôi tại một chốt bảo vệ trong KBT, anh Nguyễn Thanh Lâm - kỹ sư quản lý nước, mời chúng tôi ly nước mát. Anh nói: “Nước cỏ bắc. Ở đây, anh em dùng nó thay trà. Mát lắm đó!”. Mát thật! Nước mát và vị trí ngồi ở chốt cũng mát. Căn nhà gỗ lợp lá trống trước, trống sau này là nơi sinh hoạt cố định của anh em Đội Kỹ thuật. Họ vừa là kỹ sư, vừa hỗ trợ bảo vệ tuần tra nên “đóng quân” ở chốt. Ở đó, anh em dùng điện bình, nấu ăn bằng nước chở từ trụ sở chính ra (cách đó hơn 2km). Còn tắm giặt thì cứ... ra sông! Khó khăn vậy, nhưng ai cũng vui vẻ và làm việc rất nhiệt tình. Thỉnh thoảng, người dân trong vùng đệm vào cho họ con cá, con rắn đặt lưới ngoài sông và nói đôi ba câu chuyện về việc nuôi cá, trồng cây.

Anh em kỹ sư bắt cá tra dầu làm khảo sát (sau đó, cá được thả lại tự nhiên) (Ảnh tư liệu của khu bảo tồn)Những năm trở lại đây, đường vào Láng Sen bớt khó, nhưng KBT vẫn là vùng sâu của tỉnh nên anh em ở đây, ít nhiều cũng có chút thiệt thòi! KBT không có Internet cố định nên việc lên mạng tìm hiểu thông tin, đọc thêm tài liệu chuyên môn gặp khó khăn. Sách chuyên ngành thường chỉ có ở những nhà sách, thư viện lớn, ở Tân Hưng hầu như không có!

Không chỉ vậy, công tác ở KBT, cán bộ, kỹ sư muốn đi học nâng cao trình độ cũng vất vả hơn nơi khác. Lớp đại học, cao học chuyên ngành thường mở ở Đồng Nai, Bến Tre,... Ai theo học thì mỗi tuần 1 lần, tự đi xe máy vượt hàng trăm kilômét đến trường rồi lại về công tác. Tuy khó khăn như vậy nhưng những kỹ sư, cán bộ tại Láng Sen vẫn luôn phấn đấu tự học, tự rèn và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hiện, có người đang theo học cao học.

Rất nhiều người đến KBT làm việc, rồi lại bỏ việc mà đi. Và những người còn lại thường là người “có nợ, có duyên” với KBT đất ngập nước Láng Sen này!

Phương Phương 

Chia sẻ bài viết