Tiếng Việt | English

05/07/2016 - 11:24

Nguy cơ nhiễm ASEN từ nguồn nước giếng khoan

Asen hay còn gọi là thạch tín, là chất độc thuộc nhóm kim loại nặng có màu xám, rất nguy hiểm cho môi trường, nó có thể giết chết người nếu uống một lượng bằng nửa hạt bắp, thường được dùng để làm chất hút ẩm. Trong công nghiệp, asen được dùng để sản xuất thuốc trừ sâu, thủy tinh, thuốc làm rụng lá, làm thuốc pháo...

Asen là chất không chỉ có ở trong nguồn nước mà nó còn có ở trong không khí, đất, thực phẩm và nó xâm nhập vào cơ thể con người chủ yếu từ nguồn nước qua đường ăn uống, sinh hoạt hàng ngày.

Trong tự nhiên, asen tồn tại trong nguồn nước ngầm là do cấu tạo địa chất và do ô nhiễm môi trường từ các nhà máy hoá chất, những giếng khoan không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật từ đó làm cho các chất bẩn, chất độc hại bị ngấm vào nguồn nước trong đó có asen.

Asen là chất không màu, không mùi, không vị nên không gây mùi khó chịu khi có mặt trong nước, cả khi ở hàm lượng có thể gây chết người, nên người sử dụng không thể phát hiện được vì vậy các nhà khoa học gọi asen là “sát thủ vô hình”. Asen là một kim loại nặng, nó không thể bị phân hủy bởi nhiệt độ cho nên khi đun nấu cũng không thể loại bỏ được và nó sẽ gây bệnh sau 5-10 năm tiếp xúc.

Ở Việt Nam, nhất là ở vùng nông thôn, ngày nay người dân đang sử dụng nguồn nước trực tiếp từ các giếng khoan mà không qua một quy trình xử lý nào cho nên nguy cơ nhiễm asen là rất lớn. Khi nhiễm chất asen có thể dẫn đến ngộ độc cấp tính hoặc ngộ độc mạn tính.

Trong trường hợp bị ngộ độc asen cấp tính người bệnh sẽ có những biểu hiện như khát nước dữ dội, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, mặt nhợt nhạt rồi thâm tím, bí tiểu và tử vong nhanh.

Nếu bị nhiễm độc asen ở mức độ thấp, mỗi ngày một ít với liều lượng rất nhỏ nhưng trong thời gian dài sẽ gây ra ngộ độc mạn tính, khi đó người bệnh sẽ có các biểu hiện như mệt mỏi, buồn nôn và nôn, da sạm màu, rụng tóc, sút cân, suy giảm trí nhớ, đau mắt, đau tai, viêm dạ dày ruột, suy dinh dưỡng nặng, sừng hoá da, mất sắc tố da, gây nứt da, chảy nước và lở loét.

Trong đó đặc biệt nguy hiểm là khả năng gây đột biến gen, ung thư, thiếu máu, các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, rối loạn tuần hoàn máu, viêm tắc mạch ngoại vi, bệnh mạch vành, thiếu máu cục bộ cơ tim, thiếu máu não, các loại bệnh ngoài da như làm biến đổi sắc tố da, gây sạm da, gây sừng hoá, ung thư da, đái tháo đường, các bệnh lý về gan mật, tiêu hoá, các rối loạn ở hệ thần kinh như gây ngứa ngáy khó chịu hoặc mất cảm giác ở chi. Sau 15 - 20 năm kể từ khi phát hiện, người nhiễm độc thạch tín sẽ chuyển sang ung thư và chết.

Tuy nhiên bệnh lý do asen gây ra rất khó phân biệt với các bệnh da liễu vì có những biểu hiện rất giống nhau như bệnh sừng hoá da thường xuất hiện ở tay, chân, lòng bàn tay, gan bàn chân với các sẩn giống như nốt mụn, ban đầu có kích thước rất nhỏ, sau đó lớn dần và lan rộng thành mảng, chúng làm cho da ở vùng này có màu vàng, có thể gây nứt nẻ. Chúng thường mọc đối xứng hai bên, đôi khi xuất hiện cả ở lưng, bụng, đùi, cẳng chân, cánh tay hay trên da xuất hiện nhiều nốt nhỏ có thể có màu trắng hoặc màu đen khắp trên cơ thể, nhất là vùng ngực, bụng, cẳng chân, lưng, ngang thắt lưng, cẳng tay và làm thay đổi sắc tố da và làm tê buốt các đầu ngón tay, ngón chân do tắc mạch gây thiếu máu đến nuôi dưỡng rồi dần dần dẫn đến hoại tử rụng dần từng đốt ngón chân.

Ngoài ra, người bệnh còn có thể có các biểu hiện khác như da sạm thành từng đám lan tỏa, rụng tóc nhiều, rối loạn tiêu hóa, xơ gan, nhiễm độc thai nghén, sinh con nhẹ cân, sẩy thai...

Trong đời sống hàng ngày, nước là một nhu cầu thiết yếu của toàn thể loài người thế nhưng với sự phát triển của các ngành công nghiệp hóa chất đã dẫn tới tình trạng ô nhiễm bầu không khí và nguồn nước sông, hồ, nước ngầm một cách trầm trọng mà hiện nay chưa có phương pháp khoa học nào thiết thực và hiệu quả trong việc thải loại asen từ nguồn nước mà chỉ thực hiện việc ngưng dùng nước nhiễm asen để ăn uống khi phát hiện bị nhiễm cho nên việc phòng ngừa để bảo đảm sức khoẻ lâu dài là chính.

Để đề phòng nhiễm độc asen, khi sử dụng nước nhất là nước từ các giếng tự khoan chúng ta cần sử dụng phương pháp ôxy hóa thông thường và ánh sáng mặt trời như sục khí, giàn mưa, bồn lắng, bồn lọc vừa để khử sắt, vừa loại bỏ được asen trong nước. Bằng những biện pháp đơn giản, ít tốn kém và rất hiệu quả như trên thì asen sẽ không còn là “sát thủ vô hình” nữa. Nhất là, khi có những biểu hiện nghi ngờ, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được khám và thực hiện các xét nghiệm tìm asen từ nước tiểu, tóc.

Mặc dù asen là chất độc rất nguy hiểm nhưng không đáng sợ bởi vì ta đã biết được những đặc tính của nó, biết phát hiện nó, biết khống chế nó bằng những cách đơn giản, ít tốn kém mà lại hiệu quả cho nên chúng ta không nên quá lo lắng mà có thể yên tâm sống một cách an toàn./.

Bs Hồ Văn Cưng 

Chia sẻ bài viết