Tiếng Việt | English

16/10/2017 - 15:37

Nguy hiểm từ những khúc cong trên kênh, rạch

Không chỉ đường bộ, những đoạn đường thủy nội địa cong (khúc cua) che khuất tầm nhìn cũng nguy hiểm không kém, nhất là ở những đoạn giáp sông lớn, dòng chảy mạnh và xiết. Tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy nội địa (ĐTNĐ) vào ngày 18/9/2017, tại khúc cua kênh Bà Kiểng, ấp 3, xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, làm chết tại chỗ ông Dương Văn Dự (65 tuổi), là một lời nhắc nhở.


Đoạn kênh nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa ngày 18/9/2017

Nhiều tai nạn từ khúc cua

Ông Út Phướn (Dương Văn Phướn) - thợ lặn lâu năm tại ấp 3, xã Thạnh Hòa (nhà gần khu vực xảy ra TNGT khiến ông Dự chết tại chỗ), kể lại: “Tôi thường bắt cá, tôm, lặn thuê tại kênh Bà Kiểng và sông Vàm Cỏ Đông nên biết rất rõ đoạn cong từ cầu Bà Kiểng đổ ra sông Vàm Cỏ Đông (dài gần 500m), nước chảy rất xiết, dòng chảy hẹp, có đoạn sâu hơn 8m rất nguy hiểm. Vào mùa thu hoạch mía, khóm, có nhiều ghe, tàu đi qua khu vực này, đa số đều tắt máy và thả trôi vì nước từ các kênh: Trà Cú, T6 đổ ra kênh Bà Kiểng rồi ra sông Vàm Cỏ Đông chảy rất mạnh”.

Ông Út Phướn kể thêm: “Đang ở sau nhà, nghe tiếng 2 phương tiện va chạm rất mạnh, biết có việc chẳng lành, tôi chạy ra thì thấy chiếc tắc ráng chở chanh của ông Dự và một chiếc ghe chở phân biển số lạ, nhưng không thấy ông Dự đâu. Người lái ghe chở phân hô hoán nhờ tôi giúp, tôi liền điện thoại cho Phan Văn Long - con ông Dự, chạy ra hỗ trợ. Mọi người báo cho công an rồi cùng lặn mò tìm xác ông Dự. Hơn 1 giờ sau thì tìm được xác”.

Theo ông Ba Trương - một người lớn tuổi sống lâu năm tại ấp 3, xã Thạnh Hòa, từ sau giải phóng đến nay, khu vực này xảy ra không dưới 5 vụ đuối nước và TNGT ĐTNĐ, gây tử vong 5 người, trong đó, phần lớn là trẻ em.

Ông Út Phướn nhẩm tính: “Vào năm 2001, tôi từng vớt một đứa trẻ khoảng 5 tuổi bị rơi từ ghe xuống kênh.
Năm 2005, có 2 trẻ nhỏ nhà ở ấp 3, xã Thạnh Hòa rủ nhau ra kênh, xuống xuồng chơi, bị rớt xuống kênh, nước cuốn trôi ra sông. Năm 2010, ông Bảy Đực xuống kênh tắm bị chuột rút, chết đuối. Gần đây, có nhóm học sinh từ TP.HCM về nhà bạn chơi, rủ nhau xuống kênh tắm, 1 em bị chết đuối”.

Tạo sự thông thoáng

Được biết, trước khi xảy ra vụ việc, ông Dự chở chanh giống đi trồng. Khi đó, ông điều khiển tắc ráng phía bên trái (ngược đường) hướng từ sông Vàm Cỏ Đông - cầu Bà Kiểng; đoạn kênh bị cong, cây cối che khuất tầm nhìn nên khi ghe chở phân do ông Danh Hận điều khiển từ hướng cầu Bà Kiểng - sông Vàm Cỏ Đông không thấy tắc ráng của ông Dự nên xảy ra va chạm. Sau đó, chủ vựa phân và ông Danh Hận thỏa thuận bồi thường cho gia đình để lo hậu sự cho ông Dự.

Theo UBND xã Thạnh Hòa, địa bàn xã giáp ranh sông Vàm Cỏ Đông có nhiều kênh lớn: Kênh Bà Kiểng, kênh T4, kênh Rạch Chiếc, kênh Ba Dồn Nhỏ,... đa số người dân trồng mía, khóm, chanh đều phải sử dụng ghe, xuồng, tắc ráng để vận chuyển hàng hóa. Một số đoạn kênh cong, cây cối mọc rậm rạp che khuất tầm nhìn, có đoạn gần sông, nước chảy xiết, nhất là vào mùa mưa, lũ, nguy cơ tiềm ẩn TNGT ĐTNĐ tăng cao.

Theo Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban ATGT xã Thạnh Hòa - Phan Văn Trài: “Thời gian tới, UBND xã huy động các cơ quan chức năng và vận động người dân 2 bên bờ các đoạn kênh, bờ sông bị cong thường xuyên phát quang cây cối, tạo tầm nhìn thông thoáng; tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định của Luật Giao thông ĐTNĐ đến người dân; qua đó, hạn chế TNGT có thể xảy ra”./.

H.Đăng

Chia sẻ bài viết