Tiếng Việt | English

13/08/2020 - 07:22

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu rất giản dị, gần gũi, không quan cách

Phong cách giản dị, gần gũi, mộc mạc là những ấn tượng sâu đậm của nhiều người từng gặp gỡ, tiếp xúc với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

“Là một chàng trai quê xứ Thanh, xuất thân trong gia đình thuần nông, nên khi tiếp xúc mới thấy ở con người ông toát lên vẻ giản dị, gần gũi rất đáng yêu. Đặc biệt, ông là người lính dày dạn trận mạc, là cán bộ trưởng thành từ cơ sở và trong quân đội, kinh qua nhiều chức vụ đến Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư của Đảng. Chính thực tế sôi động và ào ạt đó đã hình thành nên “thương hiệu” Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu” – Đại tá, Nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng mở đầu câu chuyện như vậy khi kể về những kỷ niệm với một chính khách đặc biệt mà ông đã nhiều lần được chụp ảnh khi còn là phóng viên ảnh của báo Quân đội Nhân dân.


Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. (ảnh: Nhà báo Trần Hồng)

Theo Đại tá Trần Hồng, dù ít có điều kiện được đào tạo bài bản trong các trường lớp nhưng đối với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, cuộc đời chính là trường học lớn nhất. Gần như cả cuộc đời ông cống hiến hết sức mình trong suốt chiều dài lịch sử các cuộc kháng chiến vệ quốc, liên tục tham gia chiến đấu và chỉ huy chiến đấu ở các chiến trường Bắc, Trung, Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào và Campuchia. Và cũng chính thực tế sôi động đó đã tôi luyện nên chất “thép” trong con người ông.

Khi còn làm công tác phóng viên ở báo Quân đội Nhân dân, Đại tá Trần Hồng đã 3 lần đến chụp ảnh Tổng Bí thư tiếp khách quốc tế. Ấn tượng đầu tiên để lại trong ông đó chính là phong cách gần gũi, mộc mạc, cởi mở mà không phải chính khách nào cũng có được. Sự giản dị của ông thể hiện trong từng lời nói, tác phong ăn mặc, trong sinh hoạt đời sống hàng ngày hay làm công tác lãnh đạo.

“Khi ông làm Tổng Bí thư, ít nhất 3 lần tôi đã đến chụp ảnh ông tiếp khách quốc tế. Qua dáng ngồi của ông thấy rõ chất nông dân rất đáng yêu. Ông là một người đơn giản, không quan cách. Sự giản dị trong từng tình huống cụ thể có khi khó mà chấp nhận, đó cũng chính là điểm yếu. Biết được mặt yếu của mình, ông đã khắc phục rất nhanh bằng việc luôn tìm hiểu thực tế, tôn trọng sự thật, bám đến tận cùng sự thật để tìm ra chân lý. Đó chính là “chất” của ông” – Đại tá Trần Hồng kể lại.

Năm 2017, ông Trần Hồng cùng với các cộng sự làm cuốn sách về nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với tựa đề “Lê Khả Phiêu – Ký ức thời gian” nhân kỷ niệm 87 năm ngày sinh nhật ông. Cuốn sách tập hợp gần 300 bức ảnh, chia thành 5 phần chính với những đề tài chọn lọc, thể hiện những vấn đề tâm huyết trong suốt cuộc đời cống hiến cho cách mạng của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Phụ trách phần ảnh của cuốn sách, ngoài việc chụp ảnh, Đại tá Trần Hồng còn phải chọn lọc trong hàng vạn bức ảnh tư liệu về người đứng đầu cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng ta. “Tôi hỏi ông về tư liệu ảnh, ông nói: “Có nhiều lắm”, rồi đưa cho tôi một cái túi cân lên được 5kg ảnh. Cộng sự đưa cho tôi thêm 1 túi chứa 5kg ảnh nữa. Có nghĩa là ông có rất nhiều ảnh, rất nhiều nơi và nhiều người quý trọng, yêu mến nên chụp ảnh ông và tặng ông”- Đại tá Trần Hồng nhớ lại.


Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong một lần về thăm quê tại Thanh Hóa. (Ảnh: Trần Hồng)

Theo nhà báo Trần Hồng, trong kho tư liệu đó, không nhiều ảnh được chọn vì phần lớn chất lượng ảnh chưa đạt yêu cầu để làm sách. Đặc biệt, ở phần thứ 5 của cuốn sách với chủ đề “Gia đình, quê hương – mái ấm cuộc đời” yêu cầu phải có ảnh chân dung thời thơ ấu thì nguyên Tổng Bí thư không có tấm ảnh nào.

“Khi gặp ông, tôi đã nói: Chúng tôi biết ơn anh, kính mến anh và chúng tôi sẽ cố gắng làm cuốn sách. Nghe xong, ông nói: Các cậu cứ làm đi, không cần làm nhiều, chỉ cần 30 ảnh. Lúc đó, tôi nói ngay: Thưa anh, 30 ảnh không làm được sách ảnh. Đặc biệt với nguyên Tổng Bí thư, chúng tôi không thể làm được một cuốn sách chỉ với 30 tấm ảnh. Kể chi tiết này để thấy, nguyên Tổng Bí thư là một con người rất đơn giản, không cầu kỳ, không đao to búa lớn, quần chúng đến mức rất đáng yêu” – nguyên phóng viên ảnh của báo Quân đội Nhân dân cho biết.

Để làm được phần 5 của cuốn sách, ông Trần Hồng đề xuất ông Lê Khả Phiêu tổ chức một chuyến về quê, về thăm ngôi nhà cũ và gặp lại những người hàng xóm nhằm phác họa lại một phần tuổi thơ của ông ở Thanh Hóa. Đề xuất này được nguyên Tổng Bí thư đồng ý ngay.


Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong một lần về thăm quê tại Đông Sơn, Thanh Hóa. (Ảnh: Nhà báo Trần Hồng)

Khi về Thanh Hóa, người dân đến chào đón ông như đón một người cha, người ông đi xa về. Lúc này, nguyên Tổng Bí thư trở về nguyên vẹn như một con người nông dân, một người con xứ Thanh trước khi rời khỏi mảnh đất đó. Ông xắn quần, lội xuống ao rửa tay. Mấy con chó từ trong nhà chạy ra, vẫy đuôi... Tất cả khung cảnh đó gây ấn tượng rất mạnh đối với những người chứng kiến, giúp mọi người hình dung rõ hơn về hình ảnh nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu rất gần gũi, giản dị đến tột cùng.

Dẫu biết rằng, sinh - lão - bệnh - tử là quy luật đời người không thể tránh khỏi, song, với sự ra đi của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là mất mát rất lớn, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với những người kính trọng, quý mến ông./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết