Tiếng Việt | English

27/04/2016 - 10:12

Nguyễn Văn Cương - Bác sĩ, đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, đơn vị tỉnh Chợ Lớn

Bác sĩ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cương có tên khai sinh là Nguyễn Văn Tiễn, SN 1903, quê ở làng Mỹ Lệ, quận Cần Đước, tỉnh Chợ Lớn (nay là tỉnh Long An).

Xuất thân trong gia đình nghèo khó nhưng ông chịu khó và học rất giỏi. Năm 1937, ông tốt nghiệp Đại học Y Đông Dương tại Hà Nội, sau đó lấy bằng Tiến sĩ Y khoa. Tuy thuộc lớp bác sĩ Y khoa khóa đầu tiên ở trong nước dưới thời Pháp thuộc nhưng ông không ra làm việc cho Pháp mà mở phòng mạch tư ở đường Cây Mai (Chợ Lớn) để khám chữa bệnh cho đồng bào. Cuối năm 1945, ông tích cực tham gia cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương trong phong trào Thanh niên Tiền phong, được giao nhiệm vụ Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chánh quận Cần Đước, kế đó là Tỉnh ủy viên, Trưởng ty Y tế tỉnh Chợ Lớn, lãnh đạo 3 bệnh xá phục vụ chiến thương ở mặt trận Tây Nam Sài Gòn - Chợ Lớn.

Ngày 6-1-1946, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (cùng với Nguyễn Văn Hoành - đơn vị tỉnh Chợ Lớn). Năm 1946, ông ra miền Bắc tham gia hoạt động Quốc hội vừa là bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Quân y Vân Đình - nơi sơ tán của Trường Đại học Y khoa Hà Nội sau ngày toàn quốc kháng chiến. Từ năm 1947, ông lần lượt là bác sĩ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, rồi bác sĩ Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn. Năm 1949, ông được trở về Nam bộ, làm Vụ trưởng Quân y Khu 9. Từ giữa năm 1950 đến 1953, ông là Phó Giám đốc Sở Y tế Nam bộ.

Năm 1954, bác sĩ Nguyễn Văn Cương tập kết ra miền Bắc, làm Giám đốc Bệnh viện E Trung ương (tức bệnh viện miền Nam ở Vinh - Nghệ An), sau đó đứng ra thành lập và làm Giám đốc Viện điều dưỡng A của Trung ương tại Cầu Rào (Hải Phòng).

Bác sĩ Nguyễn Văn Cương mất tại Bệnh viện Việt - Tiệp ngày 20-10-1958, để lại một tấm gương sáng của một đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, người trí thức Nam bộ luôn tận tâm tận lực với nghề, luôn hết lòng phục vụ quân đội và nhân dân./.

Long Thái

Chia sẻ bài viết