Tiếng Việt | English

12/06/2018 - 11:42

Nhà máy nợ hơn trăm tỉ, nông dân bán mía phải nhận đường

Nhiều diện tích mía trên địa bàn tỉnh bị bỏ chết khô ngoài đồng do giá rẻ. Nông dân bán mía phải nhận đường vì Nhà máy Đường Nivl (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) nợ trên 100 tỉ đồng, không có khả năng chi trả.

Nông dân Huỳnh Văn Hiền thất thần bên ruộng mía bỏ chết khô

Nông dân Huỳnh Văn Hiền thất thần bên ruộng mía bỏ chết khô

Bỏ mía chết khô

Đứng thất thần bên ruộng mía chết khô hơn 10ha tại xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, nông dân Huỳnh Văn Hiền buồn bã nói: “Vụ này, tôi thua lỗ gần 100 triệu đồng do nhà máy không có tiền trả nợ cho nông dân. Nhà máy mua mía khoảng 650.000 đồng/tấn, trong đó, nông dân mất một nửa tiền thuê nhân công và vận chuyển. Mấy tháng nay, do nhà máy không có tiền trả, nông dân không có tiền thuê nhân công nên đành bỏ mía chết khô”.

Theo nông dân trồng mía, mỗi hécta mía tơ, chi phí đầu tư khoảng 45 triệu đồng. Vì giá mía thấp, nông dân lỗ khoảng 30 triệu đồng/ha; còn mía gốc tuy chi phí thấp hơn nhưng cũng lỗ khoảng 7 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Huệ vừa bán hơn 10ha mía cho Nhà máy Đường Nivl cho biết, những năm trước, nhà máy cũng thường xuyên thiếu nợ gối đầu nông dân, dù chậm nhưng vẫn trả bằng tiền. Năm nay, giá mía không tính theo chữ đường mà mua khoán 670.000 đồng/tấn. Điều đáng nói, nông dân không được nhận tiền mà phải nhận đường với giá quy đổi 12.000-13.000 đồng/kg. Nông dân yêu cầu nhận đường loại tốt nhưng nhà máy lại đưa loại đường chất lượng kém hơn” - ông Huệ nói.

Anh Nguyễn Công Nhật, một thương lái ở địa phương, nói: “Năm nay, nhà máy cấn trừ nợ cho tôi khoảng 300 tấn đường. Lo sợ nhà máy tẩu tán đường, mỗi tháng, chúng tôi phải thuê 3 nhân công ngày đêm canh gác trước cổng. Nhà máy trả đường cho thương lái, thương lái không có tiền nên phải nợ lại nông dân và nhân công”.

Sau khi nhận đường, nông dân tiếp tục “chết dở” vì không có hóa đơn. Nhiều người đành mang đường đi bán lẻ cho các tiệm tạp hóa với giá rẻ bèo, 9.000-10.000 đồng/kg để có chi phí trang trải sinh hoạt gia đình.

Chuyển đổi cây trồng khác

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết, năm nay, toàn tỉnh có hơn 8.000ha mía, tập trung chủ yếu tại các huyện: Bến Lức (5.900ha), Thủ Thừa (1.400ha), Đức Hòa, Đức Huệ (trên 650ha). Hiện tại, có trên 7.400ha thu hoạch. Tình hình sản xuất mía gặp khó khăn vì: Giá thấp; nhà máy nợ tiền nông dân; khan hiếm nhân công, nhất là khi thu hoạch; chi phí vận chuyển, đầu tư sản xuất tăng cao; lượng đường tồn kho lớn.

Hiện nay, tại huyện Bến Lức và Thủ Thừa có 5 đơn vị thu mua mía gồm: Công ty (Cty) Cổ phần Thành Thành Công (Tây Ninh), Nhà máy Đường Bến Tre, Cty Mía đường Phụng Hiệp, Cty Mía đường Sóc Trăng và Cty Cổ phần Nivl. Tính đến giữa tháng 4-2018, các Cty thu mua trên 400.000 tấn mía, trong đó, Cty Cổ phần Nivl thu mua hơn một nửa. Hàng ngày, Cty Cổ phần Nivl thu mua 3.000-3.200 tấn.

Nhiều nông dân bán mía nhưng phải nhận đường vì nhà máy mất khả năng chi trả

Nhiều nông dân bán mía nhưng phải nhận đường vì nhà máy mất khả năng chi trả

“Tính đến thời điểm này, Nhà máy Đường Nivl nợ nông dân trên 100 tỉ đồng. Chúng tôi mong ngành chức năng tạo điều kiện giải quyết hóa đơn để Cty bán đường tồn kho, thanh toán các khoản nợ cho nông dân” - bà Đinh Thị Phương Khanh nói. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề xuất tỉnh quy hoạch lại vùng nguyên liệu mía, chuyển đổi một số diện tích trồng mía sang các loại cây trồng khác: Chanh, thanh long, mãng cầu, ổi, khóm.

Theo Cục trưởng Cục Thuế tỉnh - Cao Văn Tạo, đơn vị vừa có văn bản yêu cầu ngừng hoạt động đối với Nhà máy Đường Nivl. “Nivl hiện còn nợ tiền thuế hơn 110 tỉ đồng. Thời gian qua, chúng tôi tạo điều kiện nhiều lần, tuy nhiên, đơn vị này vẫn không chi trả nên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định. Trong đó có việc ngừng cung cấp hóa đơn đối với nhà máy này” - ông Tạo nói./.

Nguyệt Nhi - Thường Sơn

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích