Tiếng Việt | English

23/07/2015 - 09:52

Nhà thiết kế Minh Hạnh trải lòng về câu chuyện “vác tù và” thầm lặng

 

Nhà thiết kế Minh Hạnh sẽ giới thiệu bản sắc văn hóa Việt Nam qua thời trang tại Mỹ. (Nguồn ảnh: Pionneer)

​Công việc tìm tòi và sáng tạo từ văn hóa truyền thống dân tộc vốn dĩ đã khó khăn và còn ​trắc trở hơn khi người ta phải "vật lộn," tìm đường cho những sản phẩm đó đến với công chúng thế giới. Bởi, muốn “khoe” cũng phải có… tiền.

Vậy nên, sự cảm thông và chia sẻ với công việc “vác tù và” thầm lặng này là điều cần thiết bởi nhà thiết kế Minh Hạnh, cũng như nhiều nghệ sỹ khác, họ phải tự bỏ tiền túi để ra nước ngoài quảng bá “vốn quý” Việt Nam trong các cuộc giao lưu văn hóa, chỉ vì ngân sách không đủ chi cho các hoạt động ngoại giao này.

Tự hào dân tộc

​Tâm sự về việc các nhà thiết kế phải tự chi trả toàn bộ kinh phí cho chuyến giao lưu, giới thiệu các bộ sưu tập nhân sự kiện Những ngày văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ (từ ngày 8-11/8), nhà thiết kế Minh Hạnh nói, đây là một vấn đề rất nhạy cảm nhưng cũng rất thiết thực.

“Tôi nghĩ rằng, có lẽ tôi cũng cần nói thật, với sự quyết liệt, với tất cả những hiểu biết về nước Mỹ, hiểu biết về những người Việt Nam đang sống tại Mỹ, cái họ thiếu đó chính là văn hóa Việt. Họ có thể rất đầy đủ điều kiện sống, tuy nhiên sự nghèo nàn về văn hóa là không thể giải quyết. Vì thế, tôi, anh Chula, chị Lan Hương, Quang Nhật và tất cả các người mẫu đều quyết tâm chinh phục nước Mỹ. Chúng tôi sẽ tự phải trang trải mọi chi phí cho chuyến đi. Mặc dù không muốn làm những người chiến sỹ nhưng rõ ràng lần này, ở mức độ nào đó, chúng tôi cũng phải chiến đấu,” nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ chân thành.

“Cánh chim đầu đàn” của làng tạo mẫu Việt Nam thừa nhận, dĩ nhiên là chị và các đồng nghiệp cảm thấy hạnh phúc khi được làm điều tốt đẹp cho văn hóa Việt Nam. Người phụ nữ ấy lúc nào cũng đau đáu về việc cần phải khơi dậy niềm tự hào dân tộc.

Giống như cách chị nói với các người mẫu trong chuyến đi sắp tới chẳng hạn. Khi chị giải thích về mục đích của cuộc biểu diễn này, các em đã rất đồng cảm và chia sẻ với người thầy của mình. Vì thế, mọi chi phí rất cụ thể từ vé máy bay, khách sạn đến đi lại… đều được chia sẻ với nhau, còn lại những rủi ro hay những vấn đề không giải quyết được, nhà thiết kế Minh Hạnh tự nguyện sẽ là người chịu trách nhiệm.


Thiết kế này của NTK Minh Hạnh sẽ đến Mỹ vào tháng Tám tới. (Ảnh: X.Mai/Vietnam+)

“Nói như vậy để các bạn hiểu và chia sẻ với tôi rằng, câu chuyện đi làm văn hóa, mang bản sắc dân tộc đi quảng bá với thế giới rõ ràng là câu chuyện không hề đơn giản khi đụng đến vấn đề tài chính. Bởi ngay cả những chương trình văn hóa lớn ở Việt Nam, chính phủ cũng không đủ kinh phí để trang trải. Nên những nghệ sỹ, những người có khả năng xử lý việc này, tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ làm đầu tàu,” nhà thiết kế Minh Hạnh nói.

Ngôn ngữ của thời trang

“Sự biến đổi kỳ diệu” được chọn là nhan đề cho chương trình biểu diễn thời trang của các nhà thiết kế Minh Hạnh, Lan Hương, Chula, Quang Nhật, đánh dấu chặng đường 20 năm quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ.

Về ý nghĩa của nhan đề được chọn, nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết, nó chính là sự chuyển biến tích cực, không chỉ trong 20 năm mà còn là giai đoạn những năm sau chiến tranh. Tất cả những gì thuộc về sự thật, thuộc về con người, thuộc về chân lý đã được chứng minh qua những hoạt động văn hóa của ngày hôm nay.

Và chị tin, những hình ảnh mà chị và các đồng nghiệp đem đến qua câu chuyện thời trang sẽ khiến người Mỹ nhìn Việt Nam với một hình ảnh khác, hình ảnh của một Việt Nam mới, văn minh, trong đó văn hóa quyết định sự văn minh này.

Với chị, “một đất nước đã có những tiến bộ rất lớn trong những năm qua và những tiến bộ đó sẽ rất khó diễn đạt được nếu như chúng ta không có nhiều những mối quan hệ hơn. Đối với chúng tôi, những nhà thiết kế thời trang, chúng tôi dùng thời trang để diễn đạt tất cả sự chuyển động, biến đổi kỳ diệu trong mối quan hệ giữa hai nước qua một loại ngôn ngữ không cần phiên dịch đó chính là ngôn ngữ của thời trang.”


Sự kết hợp độc đáo giữa lụa và jeans trong thiết kế của NTK Minh Hạnh. (Ảnh: X.Mai/Vietnam+)

Nhà thiết kế Minh Hạnh bày tỏ mong muốn “Sự biến đổi kỳ diệu” sẽ được tiếp tục trong nhiều năm tới, bằng rất nhiều cách. Bởi chị luôn tâm niệm, không có con đường nào tốt nhất giúp con người gần nhau hơn là bằng sự đồng cảm về văn hóa../.

Bà Nguyễn Phương Hòa, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch):

“Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ là điểm nhấn văn hóa nhằm tăng cường sự giao lưu và hợp tác về văn hóa giữa nhân dân hai nước, và quan trọng hơn, đây sẽ là khởi đầu mới sau 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ.

Chúng tôi cũng rất mong qua dịp giao lưu này các nghệ sỹ Việt Nam khi đem văn hóa truyền thống dân tộc sang giới thiệu tại Hoa Kỳ sẽ kết nối được với các nghệ sỹ ở Hoa Kỳ, cũng như thiết chế văn hóa của Việt Nam có thể đặt quan hệ với các đối tác ở Hoa Kỳ, để từ đó có cơ hội tiếp tục tổ chức những sự kiện văn hóa Việt Nam tại Hòa Kỳ, văn hóa Hoa Kỳ tại Việt Nam trong những năm tới."

Theo Vietnam+

Chia sẻ bài viết