Tiếng Việt | English

05/12/2016 - 15:23

Nha trang, ngày gặp lại

Chuyến tàu lửa rời ga Sài Gòn lúc 12 giờ trưa, đúng 20 giờ tối, tàu dừng ở ga Nha Trang. Tôi bước xuống tàu cùng cả ngàn du khách Tây, Tàu,... và rảo một vòng qua khu nhà ga ra đời chỉ sau nhà ga Tân An và Mỹ Tho ít năm, tức đầu thế kỷ XX.

Nhà ga Nha Trang khá đồ sộ, kiến trúc kiểu Pháp, qua hơn một thế kỷ vẫn còn vững chắc, đã được cấp bằng công nhận Di tích lịch sử Quốc gia (gắn tại cửa chính nhà ga). Dọc nhà ga bày bán các món ăn nấu nướng sẵn, nhiều nhất là xôi gà. Tôi kêu một dĩa cơm gà ram và 2 trứng gà ốp-la, cứ nghĩ thế nào cũng bị “chặt đẹp”, nhưng khi hỏi giá, cô gái bán cơm nói nhỏ nhẹ: “Dạ, chú cho con xin 20.000 đồng” khiến tôi ngạc nhiên. Ở xứ du lịch, sao đồ ăn rẻ thế?


Một góc nhỏ Nha Trang

Sáng hôm sau, tôi và 2 người em vào quán ăn sáng, kêu 3 tô bún bò giò heo Huế rất ngon, đưa tờ tiền 100.000 đồng, được thối lại 40.000 đồng - rẻ hơn ở TP.Tân An! Định mang ba-lô đi bộ thì đứa cháu là kỹ sư thủy sản chạy xe đến rước. Tôi nói, Nha Trang nhờ phát triển du lịch mà giàu lên nhanh quá hả cháu? Cháu nói, con làm ở ngành thủy sản, thấy biển cũng làm cho Khánh Hòa - Nha Trang giàu lên nhanh, chú à! Số ngư dân ở đây sắm được phương tiện đánh bắt hiện đại ngày càng nhiều, thường mở ngư trường ở vùng biển Trường Sa, vừa đánh bắt làm giàu cho đất nước, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Ngành nuôi trồng thủy sản cũng chiếm tỷ trọng GDP đáng kể.

Mà chú nói cũng phải: Du lịch vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn hàng đầu ở đây, trong đó biển, đảo góp một phần quan trọng cho ngành "công nghiệp không khói" nữa chú. Tôi hỏi biển Nha Trang có nhiều loài không cháu? Cháu nói, trên thế giới có đến 30 triệu loài thì các biển và đại dương chiếm đến 99%, trong đó biển Nha Trang cũng có dự phần. Nhưng ngư dân ở đây mê nhất là loài cá ngừ đại dương ở vùng biển Trường Sa của Tổ quốc mình.

Nhà anh tôi ở phố Dã Tượng, nơi có Học viện Hải quân nên mỗi giờ đi làm và tan sở, màu áo hải quân trắng cả phố phường. 4 giờ sáng, trên đường vang nhịp chân người chạy bộ ra biển. 6 giờ, họ trở về, nam và nữ, trẻ em và người già đều khoác bộ đồ tắm trên người. Cháu tôi bảo, hồi đó, nhà hàng của các doanh nghiệp mọc lên dày đặc, rào rắp hết các lối ra biển. Khi dân phản đối quyết liệt, chính quyền địa phương phải dẹp. Bây giờ có nhiều lối ra bãi tắm rồi.

Cháu nói vậy, nhưng khi tôi đi trên đường Trần Phú cặp bờ biển, thấy nhiều chỗ vẫn còn hàng rào quá cao, trồng dây leo kín mít che khuất tầm nhìn ra biển. Dù sao, cảnh quan trên bãi biển - ở những chỗ không bị che chắn - rất đẹp mắt bởi được áp dụng nghệ thuật hoa viên một cách tài tình. Đường Trần Phú bây giờ, nhà chọc trời mọc lên như nấm. Đây đó trong thành phố, những cao ốc 30-40 tầng,... lớp đã hoàn thành, lớp đang xây dựng dở dang được phủ lưới che chắn rất kỹ.


Các cô gái Chăm múa phục vụ du khách

Nhộn nhịp nhất trên thành phố ôn đới này là quần thể Tháp Bà Ponagar nằm trên đồi Cù Lao kế cầu Xóm Bóng. Nhìn từ xa, toàn cảnh Tháp Bà được bao phủ nhiều lớp cây xanh mượt mà. Tôi nhiều lần lên thắng cảnh này từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Bây giờ di tích được tôn tạo, không còn những nét điêu tàn cổ kính, song vẫn giữ lại bản sắc kiến trúc Chămpa được kiến tạo từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XIII dưới vương triều Panduranga của vương quốc cổ Chămpa. Được xem là trung tâm tôn giáo, thờ nữ thần Ponagar - Người Mẹ xứ sở của dân tộc Chămpa - và là Thiên Y Thánh Mẫu của cộng đồng dân cư trong khu vực.

Di tích được xếp hạng “Quốc gia” từ năm 1979. Du khách Nga và Trung Quốc đến đây đông nhất; họ đi từng đoàn rất dễ nhận ra. Vé vào tham quan chỉ 20.000 đồng/người - rẻ hơn nhiều nơi khác. Dân Tây vẫn thích xúng xính trong chiếc áo dài màu xám tro - kiểu nhà chùa, được bán tại cửa hàng trên khu di tích. Họ cũng vào từng ngôi tháp cổ thắp nhang cho thần linh rồi trở ra ngoạn cảnh và thưởng thức các điệu múa Chăm đặc sắc do các cô gái Chăm kiều diễm trong bộ áo dài truyền thống Chăm biểu diễn bên ngôi Tháp Bà Thiên Y A Na Nha Trang cao lớn nhất. Các nhạc công Chăm đều là nam mặc đồ trắng, chít khăn trắng và sử dụng trống, kiểu như trống cơm, đánh kêu “tum tum”,...

Cụm di tích Tháp Bà Nha Trang được xem là nơi tiêu biểu nhiều mặt: Lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, tín ngưỡng tôn giáo,... Ở độ cao 20m so mặt nước biển, nhưng khi tôi đứng trên một tảng đá lớn nhìn xuống vẫn thấy toàn cảnh cầu Xóm Bóng bắc qua sông Cái ra biển nhộn nhịp tàu thuyền, thấy cả Xóm Cồn - nơi có di tích lâu đài của bác sĩ Alexandre Yersin và cả xóm chài de ra biển; thấy cả thành phố muôn màu ngàn vẻ trải dọc bờ biển đến tận những trái núi mờ xa.

Từ dưới chân đồi, những hàng cột to 2 người ôm không giáp, ngả màu rêu phong không biết để làm gì. Bên trái là lối đi lên các bậc tam cấp đá đến đỉnh đồi bằng phẳng rộng tới 4.000m2, là chỗ tọa lạc các tháp. Tháp chính có 4 tầng, cao 23m. Du khách để giày dép ở ngoài trước khi bước vào điện thờ khói nhang nghi ngút. Tượng nữ thần Ponagar được tạc từ đá nguyên khối khá lớn, ngự trên đài sen đặt trên bệ cao hình Yoni cùng bộ Linga - 2 “linh vật truyền giống” của loài người rất quen thuộc ở nơi thờ tự của người Chăm cổ. Lưng tượng tựa vào lá đề bằng đá cao hơn đầu tượng và chạm khắc hình động vật, hoa văn; phần đỉnh lá đề là hình cái đầu thủy quái Macara có 2 mắt lồi ra dữ tợn.

Ra khỏi Tháp Bà, đến Tháp Ông thờ thần Shiva (chồng Bà), cao gần 15m. Bên trong tháp có điện thờ bộ Linga - Yoni bằng đá. Kế nữa là tháp thờ Cô, tháp thờ Cậu cao hơn 9m. Rảo quanh, còn thấy một số bia ký đều bằng đá, khắc chữ Phạn (sanscrit), chữ Chăm cổ và các sắc phong của các vua Nguyễn ban tặng những vị thần được thờ ở đây.


Cụm 4 tháp chính của di tích

Hình như được bảo vệ kỹ nên cả khu di tích Tháp Bà rộng lớn vậy mà không có một người ăn xin. Cũng rất hiếm người bán vé số, ngay ở những quán ăn tôi vào cũng ít thấy có người bán vé số. Là thành phố du lịch, nên hầu như sinh hoạt thâu đêm suốt sáng.

Thật đúng như thư bác sĩ A.Yersin gởi bạn là bác sĩ E.Roux (nguyên văn tiếng Pháp, dịch tiếng Việt): “Hãy đến đây với tôi, ông sẽ thấy ở đây thú vị biết nhường nào. Thời tiết không nóng nhiều, cũng không lạnh lắm, một không khí thanh bình tuyệt đối và nhiều công việc cần làm”. Hoặc như trên tấm băng rôn treo trong thành phố: “Khánh Hòa - Nha Trang thiên thời, địa lợi, nhân hòa”,... Thật là thiên nhiên ưu đãi cho một vùng đất quá nhiều tài nguyên du lịch ít nơi nào có được. Và từ đó, thành phố Nha Trang cứ như “thay da, đổi thịt” từng ngày.../. 

Bút ký của Quang Hảo

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích