Tiếng Việt | English

19/05/2020 - 16:50

Nhận bảo hiểm xã hội một lần - Nên cân nhắc lợi ích dài lâu

Khi dịch Covid-19 hoành hành, nhiều người lao động (NLĐ) lâm vào cảnh khó khăn. Khi có sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) trong tay, thay vì trước đây người lao động chọn bảo lưu thời gian thì nay nó trở thành chiếc phao cứu sinh đối với họ. Tuy nhiên, đây lại là một quyết định vội vàng, đóng sập cánh cửa an sinh xã hội của bản thân khi về già. NLĐ nên cân nhắc trước khi quyết định, vì lợi ích dài lâu của bản thân!

Sáng thứ 2 sau khi thiết lập trạng thái bình thường mới, BHXH tỉnh có khá đông người đến liên lệ, trong đó có không ít người đến nộp hồ sơ nhận BHXH một lần.

Lựa chọn của mỗi người

Anh Lý Hữu Tài (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) vừa nghỉ làm tại Bình Dương được gần 1 tháng. Quyết định về nhà mở quán buôn bán nhỏ nên anh làm hồ sơ nhận BHXH một lần. Với anh, đó là cách tốt nhất để có thêm một khoản chi phí thực hiện dự định của mình. Anh cho biết, bản thân không dự định đi làm lại, thời gian đóng BHXH trước đây cũng được vài năm nhưng chưa đủ 20 năm để về già hưởng chế độ, trong khi đó, bây giờ lại cần vốn nên muốn nhận BHXH một lần. Số tiền nhận được có thể giúp anh giải quyết được nhiều việc nhưng lại đóng sập ngay cánh cửa bảo đảm cuộc sống cho sau này.

Người dân tìm hiểu về bảo hiểm xã hội tự nguyện sau khi nghỉ việc nhưng vẫn chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu (Ảnh tư liệu)

Không giống như anh Tài, bà Lê Huỳnh Phương Thúy (phường 3, TP.Tân An) lại chọn đóng BHXH tự nguyện sau khi nghỉ việc để có thể hưởng lương hưu sau này. Bà Thúy cho biết, bà đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn chưa đủ thời gian đóng BHXH để nhận lương hưu nên quyết định tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện đến khi đủ thời gian nhận lương hưu. Nói về quyết định của mình, bà Thúy giải thích: “Bây giờ không nhận BHXH một lần mà tiếp tục đóng BHXH tự nguyện là tôi không chỉ không nhận được một khoản tiền khá lớn mà còn phải mất thêm tiền đóng mỗi tháng nữa. Nhưng tôi chọn đóng BHXH tự nguyện vì không muốn sau này mình trở thành gánh nặng của gia đình”.

Bà Thúy cho rằng, càng lớn tuổi thì sức khỏe càng suy yếu, không thể làm ra tiền, không có lương hưu, bà sẽ trở thành gánh nặng cho chồng, con. Ngoài ra, lúc sức khỏe yếu, không có bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ rất khó khăn. Chi phí khám, chữa bệnh có thể vượt quá khả năng chi trả của gia đình. Nghĩ vậy, bà quyết định không nhận BHXH một lần mà tiếp tục đóng để được hưởng lương hưu về sau. Khi đó, dù tuổi cao, sức yếu, bà vẫn được nhận lương hưu hàng tháng và được cấp BHYT miễn phí hàng năm. Đó là sự đảm bảo tốt nhất, cao nhất cho bà vào những ngày xế bóng.

Không chỉ tự mình tiếp tục bảo lưu BHXH, bà Thúy còn vận động bạn bè, người thân không nên nhận BHXH một lần để đảm bảo quyền lợi về sau. Bà Thúy kể: “Hôm rồi, tôi có dịp gặp lại người bạn cũ, nghe nói con gái chị vừa nghỉ việc ở Bình Dương và có dự định nhận BHXH một lần. Tôi nói chị hãy khuyên con gái bảo lưu BHXH, nếu gặp khó khăn khi nghỉ việc mà chưa tìm được việc làm có thể chọn nhận trợ cấp thất nghiệp, nhưng BHXH thì sau này có thể đóng tiếp tục dưới hình thức BHXH tự nguyện nhằm tích lũy đủ thời gian đóng và hưởng lương hưu. Giờ con gái bạn tôi đã tìm được việc làm mới và tiếp tục đóng BHXH tại công ty mới mà không cần mở lại sổ khác. Tôi thấy vui! Ngoài con của người bạn, tôi còn vận động được 2 người bà con của mình không nên nhận BHXH một lần. Tôi thấy hiệu quả từ việc bảo lưu BHXH để đóng tiếp nên vận động mọi người. Nếu không, khi tiêu hết tiền bảo hiểm thì sau này về già khổ lắm”.

Theo bà thấy, BHXH là khoản bảo hiểm rẻ nhất, dễ đóng nhất cho NLĐ, đó là khoản để dành chăm lo bản thân những ngày tuổi cao, sức yếu. Trên thị trường có nhiều gói bảo hiểm dịch vụ khác nhau, tuy nhiên, điểm chung đều có mức đóng khá cao, quy định tham gia rất khắt khe; trong khi BHXH, người tham gia có thể lựa chọn mức đóng phù hợp. Trong bất kỳ trường hợp bất trắc nào, bản thân người tham BHXH hoặc người thân đều được nhận các khoản trợ cấp theo quy định. “Tiền còn đó, không mất đi đâu” - bà Thúy nói. Chính vì vậy, bà hết sức quan tâm đến việc bảo lưu sổ BHXH khi tạm thời mất việc để tiếp tục đóng về sau. Theo bà, nhận BHXH một lần là thiệt thòi cho bản thân.

Sự thiệt thòi đó thể hiện ngay trong cách tính để nhận BHXH một lần. Với 22% mức tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì 1 năm, tổng mức đóng là 2,64 tháng lương. Trong khi mức hưởng BHXH một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Hãy vì lợi ích dài lâu!

Phó Giám đốc BHXH tỉnh - Lê Thành Liếp cho biết: “Trong giai đoạn dịch Covid-19, một số lao động gặp khó khăn khi tìm lại việc làm, họ mong muốn có một khoản chi tiêu trước mắt để trang trải cuộc sống. NLĐ vẫn còn quan niệm sống nương tựa vào con cháu nên chưa hình thành thói quen tự bảo đảm an sinh khi về già. Việc NLĐ ra khỏi hệ thống BHXH là thực trạng đáng quan tâm, bởi nhận BHXH một lần chỉ có thể giải quyết nhu cầu kinh tế trước mắt nhưng về lâu dài, sẽ rất thiệt thòi cho NLĐ khi hết tuổi lao động. Nếu có đóng BHXH thì khi hết tuổi lao động, NLĐ sẽ có lương hưu, có BHYT với mức quyền lợi cao hơn thông thường, chủ động với cuộc sống của mình, không phụ thuộc vào con cháu. Đến khi già yếu mất đi thì thân nhân có trợ cấp mai táng phí và khoản trợ cấp tuất”.

Người dân nên cân nhắc khi chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần vì sẽ ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội của bản thân khi về già (Trong ảnh: Rất đông người dân liên hệ Bảo hiểm Xã hội tỉnh để giải quyết các chính sách, trong đó có bảo hiểm xã hội một lần)

Chỉ tính riêng những tháng đầu năm 2020, mỗi tháng toàn tỉnh có khoảng 2.000-3.000 NLĐ làm hồ sơ nhận BHXH một lần, tăng từ 500-700 người/tháng so cùng kỳ năm 2019. Đó là một con số đáng quan tâm.

Bất kỳ NLĐ nào cũng biết, nếu nhận BHXH một lần, sau này tham gia lại BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đóng BHXH mà tính thành thời gian đóng BHXH mới. Như vậy, NLĐ sẽ mất cơ hội hưởng lương hưu hoặc số tiền lương hưu sẽ thấp. Từ đó, NLĐ không có được nguồn tài chính ổn định, lâu dài để chăm sóc bản thân khi lớn tuổi. Họ phải phụ thuộc vào con cháu và xã hội. Nếu không may bị bệnh, không có thẻ BHYT, người già còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chi phí khám, chữa bệnh nếu phải nằm viện thời gian dài.

Ông Lê Thành Liếp cho rằng: “Trong thời điểm này, nếu không may bị thất nghiệp, người dân nên đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề; đăng ký nhận chế độ hỗ trợ từ gói an sinh của Chính phủ. Khi có cơ hội trở lại thị trường lao động, NLĐ tiếp tục được đóng BHXH để cộng nối thời gian tính hưởng lương hưu sau này”.

BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp là các chính sách an sinh xã hội rất ưu việt, nhân văn của Đảng và Nhà nước để chăm lo cuộc sống trước mắt (BHYT, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp,…) và lâu dài cho người dân (hưu trí, tử tuất). Mong rằng, NLĐ hãy nghĩ đến cả lợi ích trước mắt và lâu dài, không lựa chọn BHXH một lần để cùng Nhà nước tự bảo đảm an sinh xã hội cho bản thân, nhất là khi hết tuổi lao động./.

Quyền lợi người lao động được hưởng với chế độ bảo hiểm thất nghiệp: Được hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc 5 lần mức lương tối thiểu vùng; được hưởng chế độ BHYT theo quy định để khám, chữa bệnh BHYT khi không may ốm đau; được hỗ trợ học nghề (tối đa 1 triệu đồng/người/tháng); được hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết