Tiếng Việt | English

15/01/2018 - 11:21

Hiến máu tình nguyện

Nhân đôi cơ hội sống cho những người cần máu

Phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) góp phần bổ sung nguồn máu dự trữ phục vụ cấp cứu và điều trị bệnh tại các cơ sở y tế. Mỗi giọt máu cho đi đồng nghĩa với việc nhân đôi cơ hội sống, viết tiếp ước mơ tương lai cho những bệnh nhân (BN) cần máu.

Mỗi giọt máu cho đi đồng nghĩa với việc nhân đôi cơ hội sống, viết tiếp ước mơ tương lai cho những bệnh nhân cần máu

Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại

Hiến máu cứu người là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống tương thân, tương ái của người Việt Nam. Tại Long An, phong trào HMTN được triển khai thường xuyên, góp phần bổ sung nguồn máu dự trữ phục vụ cấp cứu và điều trị bệnh tại các cơ sở y tế.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy - giáo viên Trường Tiểu học Thủy Đông A (xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa), chia sẻ: “Hiến máu là việc làm ý nghĩa, góp phần chia sẻ khó khăn cùng những BN đang cần máu tiếp thêm “nguồn sống”. Tôi thường xuyên vận động người thân, đồng nghiệp cùng tham gia hiến máu”.

Theo thống kê của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, năm 2017, toàn tỉnh tiếp nhận được 7.671 đơn vị máu, trong đó có 7.208 đơn vị 250ml và 463 đơn vị 350ml với tổng trị giá trên 1,1 tỉ đồng (đạt trên 93% kế hoạch năm). Đạt kết quả trên là do hội tích cực triển khai công tác tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện “Ngày Toàn dân HMTN 7-4”, chiến dịch “Những giọt máu hồng hè”, “Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu” cho các huyện, thị, thành phố. Hội tổ chức thành công “Hành trình đỏ” và thực hiện tốt các đợt hiến máu cao điểm “Lễ hội Xuân hồng” nhằm đáp ứng nhu cầu máu trong dịp tết.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh - Nguyễn Văn Ghim thông tin: “Năm 2018, hội kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động Ban Chỉ đạo HMTN các cấp thực hiện kế hoạch vận động HMTN theo chỉ tiêu được giao; tổ chức tốt các chiến dịch và sự kiện lớn về hiến máu. Hội tiếp tục phát triển và quản lý các câu lạc bộ: Hiến máu dự bị, 25, Người có nhóm máu hiếm, Gia đình hiến máu, Vận động HMTN; đồng thời tôn vinh, khen thưởng cá nhân, gia đình, tập thể có thành tích HMTN và vận động HMTN”.

Máu là loại thuốc đặc biệt mà không một chế phẩm nào có thể thay thế được, là “nguồn sống” cho bệnh nhân cần máu, nhất là bệnh nhân Thalassemia

“Nguồn sống” của bệnh nhân Thalassemia

Máu là loại thuốc đặc biệt mà không một chế phẩm nào có thể thay thế được. Mỗi năm, có hàng ngàn BN được cứu sống nhờ nguồn HMTN. Năm 2017, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Long An tiếp nhận trên 8.000 đơn vị máu. Phong trào HMTN góp phần không nhỏ giúp BV có điều kiện chữa trị cho BN, nhất là những BN Thalassemia cần truyền máu thường xuyên.

Trưởng khoa Huyết học - Truyền máu, BVĐK Long An - bác sĩ Nguyễn Thị Trúc Lệ cho biết: “Năm 2017, BV tiếp nhận và điều trị trên 100 BN Thalassemia. Đây là bệnh tan máu bẩm sinh, di truyền từ cha hoặc mẹ mang gen Thalassemia. Bệnh gồm có các thể bệnh chính: Thể rất nặng (do thiếu 4 gen alpha): BN chết ngay sau sinh do thiếu máu nặng, suy tim thai, phù nhau thai; thể trung bình đến nặng (do thiếu 3 gen alpha hoặc 2 gen beta): Trẻ bị thiếu máu từ trung bình đến nặng trong vòng 2 năm đầu đời; thể nhẹ (do thiếu 1-2 gen alpha hoặc 1 gen beta): Thường không có biểu hiện bệnh lý, là người mang gen và có thể truyền cho con, không cần điều trị”.

Các tình nguyện viên xuyên Việt giới thiệu và tư vấn miễn phí về căn bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) tại “Hành trình đỏ”

Đối với BN mắc Thalassemia ở thể nặng phải truyền máu suốt đời định kỳ 2-3 lần/tháng. Trung bình chi phí điều trị cho một BN mức độ nặng từ khi sinh ra đến 30 tuổi gần 3 tỉ đồng. Đây không chỉ là gánh nặng của bản thân người bệnh mà còn ảnh hưởng đến gia đình và toàn xã hội. Với những BN Thalassemia, ngoài nỗi lo về chi phí điều trị bệnh, còn có nỗi lo thiếu hụt nguồn máu điều trị, nhất là vào các dịp lễ, tết. Do đó, việc HMTN góp phần cứu chữa những BN đang cần máu, giúp họ giảm bớt gánh nặng trong điều trị là cần thiết.

Chị Lữ Thị Trúc Ly (41 tuổi) và chị Lữ Thị Bích Hòa (38 tuổi), ngụ ấp 3 Nhà Thương, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, là chị em và đều bị mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Chị Hòa bày tỏ: “Để duy trì sự sống, chị em tôi phải truyền máu thường xuyên. Tôi vô cùng biết ơn những người sẵn sàng hiến giọt máu của mình cho những BN như tôi tiếp tục sự sống”.

Để chủ động trong việc huy động máu cấp cứu cho BN, BVĐK Long An thành lập ngân hàng máu sống có đủ các nhóm máu từ 250 thành viên là cán bộ, nhân viên y tế BV. Đây là lực lượng hiến máu dự bị tại chỗ góp phần cung cấp nhanh nhất nguồn máu an toàn, kịp thời. Chị Nguyễn Thị Liễu Chi - điều dưỡng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BVĐK Long An, chia sẻ: “Tôi thuộc nhóm máu A. Tôi tham gia hiến máu 6 năm qua, bình quân mỗi năm hiến 4 lần. Ngày nào, tôi còn khỏe là còn tham gia hiến máu. Bởi, HMTN chính là nhân đôi cơ hội sống cho những người cần máu”.

Những giọt máu hồng từ những trái tim chia sẻ và yêu thương, giúp người bệnh giữ vững tinh thần và tin vào tương lai tươi sáng hơn. Vì vậy, cần lắm sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng để HMTN không còn là phong trào mà dần trở thành thói quen của mỗi người./.

Ngọc Mận-Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết