Tiếng Việt | English

18/06/2019 - 09:31

Nhân nuôi lục bình - đừng để lợi thành hại

Thời gian qua, tận dụng cây lục bình trên các tuyến sông, kênh, rạch, nhiều hộ dân nghèo, nhàn rỗi cắt đem về phơi khô, bán cho thương lái, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, gần đây tình trạng nhân nuôi cây lục bình làm ngăn cản dòng chảy, gây khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển nông sản và ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất.

“Hái” ra tiền từ cây lục bình

Để cung ứng nguyên liệu lục bình khô cho các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, tận dụng cây lục bình sinh sống dọc các tuyến kênh, nhiều hộ dân trên địa bàn các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An cắt đem về phơi khô bán, tạo thu nhập, từ đó có cuộc sống ổn định hơn.

Nhiều hộ dân có thu nhập từ cắt lục bình phơi khô đem bán

Nhiều hộ dân có thu nhập từ cắt lục bình phơi khô đem bán

Về các huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, người dân phơi lục bình cặp nhiều tuyến lộ và trên những bãi đất trống. Ông Nguyễn Minh Phương (xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng) đang cặm cụi phơi số lục bình mà vợ chồng ông cắt được từ sáng, cho biết: "Nhà không đất sản xuất, hơn 5 năm qua, mỗi ngày trên chiếc xuồng nhỏ, vợ chồng tôi len lỏi trên các tuyến kênh trên địa bàn tìm cắt lục bình. Mỗi ngày, tôi cắt được từ 100-150kg lục bình tươi, phơi khô còn được 10-12kg, bán với giá từ 15.000-20.000 đồng/kg. Số tiền kiếm được cũng đủ trang trải cuộc sống hàng ngày và hầu như ngày nào cũng có lục bình để cắt.

Còn anh Lâm Văn Bôl (ấp Cái Tràm, xã Vĩnh Thạnh) phấn khởi nói, mỗi ngày, tôi kiếm được 200.000-300.000 đồng từ việc cắt lục bình phơi khô để bán. Gia đình không ruộng đất, trước đây đi làm mướn theo mùa vụ. Những năm trở lại đây, thấy nhiều người trong xóm sống được với nghề cắt, phơi khô lục bình để bán, tôi cũng làm theo. Nhờ cây lục bình mà gia đình tôi có thêm thu nhập lo cho 2 đứa con ăn học.

Theo những người mưu sinh từ nghề cắt lục bình, sau khi cắt lục bình về sẽ bỏ hết phần lá, chỉ giữ lại phần thân, phơi nắng vài hôm rồi thương lái đến nhà thu mua. Để có được 1kg lục bình khô, cần khoảng 10-12kg lục bình tươi. Lục bình khô được các cơ sở thu mua để làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ: Túi, giỏ xách và những sản phẩm cao cấp hơn như bàn, ghế, tủ, giường.

Rào chắn, nhân nuôi lục

Không thể phủ nhận những lợi ích mà cây lục bình mang lại cho nông dân nghèo. Thời gian gần đây, để có nguồn nguyên liệu lục bình khô cung cấp cho thị trường, nhiều hộ dân tự ý rào chắn, nhân nuôi cây lục bình trên các tuyến kênh làm cản dòng chảy, gây khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển nông sản và ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nhiều tuyến kênh khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh bị rào chắn để nhân nuôi lục bình. Trên tuyến kênh 79, cặp Đường tỉnh 819 qua địa bàn huyện Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường, huyện Tân Thạnh, Tân Hưng, tình trạng người dân rào chắn lục bình để nhân nuôi rất phổ biến. Lục bình nối dài cặp hai bên tuyến kênh, có đoạn lục bình "lấn chiếm" nửa mặt kênh, gây khó khăn cho các phương tiện thủy nội địa khi lưu thông.

Người dân rào chắn, nhân nuôi lục bình

Trên các tuyến kênh nội đồng, có những tuyến lục bình phủ kín cả mặt kênh gây cản trở dòng chảy, khó khăn cho việc vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp vào mùa vụ. Ông Nguyễn Văn Bé Tám (xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng) cho biết: Việc lục bình sinh sôi ở các tuyến kênh đã gây ra nhiều hệ lụy, ở những tuyến kênh lớn làm cản trở giao thông đường thủy, đối với những tuyến kênh nhỏ, nhất là mùa khô, mực nước cạn kiệt, hạn chế sự thoát nước, khó khăn cho việc chủ động nguồn nước tưới tiêu. Ngoài ra, khi muốn phá bỏ lục bình, thay vì chặt, cắt, một số người sử dụng thuốc diệt cỏ phun trực tiếp xuống lòng kênh gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước.

Theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng - Võ Ngọc Nhồi, cây lục bình dễ sống, phát triển nhanh, khắp các dòng kênh. Tại địa phương, nhiều hộ xem nghề khai thác lục bình trên sông mang lại thu nhập chính, giúp nhiều hộ không có đất sản xuất thoát nghèo chính đáng. Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh, một số hộ dân lại nhân nuôi lục bình làm cản trở dòng chảy, ảnh hưởng giao thông đường thủy, địa phương cũng có kiểm tra và nhắc nhở những hộ dân này.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Tô Văn Chảnh cho biết: “Thời gian qua, địa phương tổ chức ra quân trục vớt lục bình trên các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn. Đồng thời, vận động người dân không trồng lục bình cặp theo hệ thống sông, kênh, rạch; tháo dỡ các ụ chà chất trên kênh để lưu thông dòng chảy và giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; tập trung diệt lục bình đồng loạt bằng nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó chủ yếu dùng biện pháp thủ công, không sử dụng thuốc hóa học để tránh gây ô nhiễm môi trường”.

Cây lục bình đã và đang tạo thu nhập cho một bộ phận người dân nghèo, tuy nhiên, người dân cần nâng cao ý thức trong việc nhân nuôi lục bình, bảo đảm không ảnh hưởng đến giao thông, thủy lợi. Ngành chức năng, chính quyền địa phương cần có những động thái tích cực hơn nhằm giảm tình trạng lục bình dày đặc trên các tuyến kênh làm ảnh hưởng đến sản xuất, môi trường và giao thông đường thủy./.

Trung Kiên

Chia sẻ bài viết