Tiếng Việt | English

16/03/2018 - 10:53

Nhiếp ảnh gia - Đâu chỉ có đi và chụp

“Một bức ảnh thay nghìn lời nói”, nhiếp ảnh không đơn giản là cầm máy ảnh lên và chụp, nhiếp ảnh nghĩa là sáng tác ra một tác phẩm có hồn, mang cả “dáng hình” tác giả.

Những nhiếp ảnh gia mà chúng tôi gặp đều là những người dành cả thanh xuân, thậm chí cả đời cho nhiếp ảnh. Họ có những “đứa con” được nhiều người biết đến và cũng có những kỷ niệm khó quên trong quãng đời cầm máy.

Mỗi bức ảnh đều chứa đựng những suy nghĩ và tâm hồn người chụp. Ảnh: HL

Mỗi bức ảnh đều chứa đựng những suy nghĩ và tâm hồn người chụp. Ảnh: HL

Đến nay, Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh Long An có 62 hội viên, ngoài ra, còn có hơn 100 hội viên các câu lạc bộ nhiếp ảnh huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Năm 2017, các hội viên Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh đoạt trên 47 giải thưởng về nhiếp ảnh trong tỉnh, khu vực và quốc tế.

Bạc tóc qua từng bức ảnh

Trong số những nhiếp ảnh gia chúng tôi có dịp gặp gỡ có Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) xuất sắc Phạm Tên. Ông là một trong số những NSNA lớn tuổi nhất của Long An. Từ khi đất nước vừa thống nhất, ông “bén duyên” cùng nghề nhiếp ảnh và quyết tâm theo đuổi. Thời điểm cuộc sống còn khó khăn, ông vừa làm dịch vụ, vừa theo đuổi đam mê.

Luôn bị thu hút bởi vẻ đẹp của tự nhiên, ông say sưa sáng tác, đặc biệt là chụp ảnh phong cảnh. Để có được một bức ảnh phong cảnh đẹp đòi hỏi tổng hòa giữa sự nhạy cảm của trái tim nghệ sĩ, kỹ thuật, tư duy của người nhiếp ảnh và sự kiên nhẫn tuyệt vời để chờ đợi thiên nhiên “đồng tình phối hợp”. Ông chia sẻ: “Muốn chụp ảnh phong cảnh đẹp, phải kiên nhẫn. Chờ gió, chờ nắng và chờ nhân vật vì ngày xưa làm gì có mẫu ảnh mà dựng cảnh. Có nghệ sĩ còn chờ cả mây nữa!”.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc Phạm Tên (thứ tư, phải qua)

Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc Phạm Tên (thứ tư, phải qua)

Ngoài 60 tuổi đời, trên 30 năm tuổi nghề, người nghệ sĩ ấy thực sự bạc tóc với tình yêu nhiếp ảnh. Những tháng năm tuổi trẻ của NSNA xuất sắc Phạm Tên là những ngày rong ruổi săn tìm cảnh đẹp, những phút giây chờ đợi mỏi mòn để bắt được khoảnh khắc vàng của thiên nhiên tươi đẹp. Nhiếp ảnh nghĩa là bắt lấy rung động của trái tim. Có thể rung động đó cần phải có đủ mây, đủ nước, đủ gió, đủ ánh sáng nghiêng nghiêng nên người nghệ sĩ phải đợi chờ hàng giờ, hàng nhiều giờ hoặc cả ngày. Nhưng cũng có thể sự rung động đến bất ngờ, đòi hỏi người nghệ sĩ phải nhanh tay ghi lại, nếu không muốn bỏ lỡ phút giây “không thể nào tìm lại”. Đó gọi là khoảnh khắc!

Phong cảnh thiên nhiên có sức hút mãnh liệt với Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc Phạm Tên (Trong ảnh: ảnh chụp ruộng bậc thang của Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc Phạm Tên - Ảnh do nhân vật cung cấp)

Phong cảnh thiên nhiên có sức hút mãnh liệt với Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc Phạm Tên (Trong ảnh: ảnh chụp ruộng bậc thang của Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc Phạm Tên - Ảnh do nhân vật cung cấp)

Miệt mài học hỏi

Đó là tâm sự của không ít người theo đuổi nghề nhiếp ảnh vì không có bất cứ con đường nào toàn trải hoa hồng, mà còn có cả chông gai, vất vả. Gần 20 năm theo đuổi cùng nghề là từng ấy năm, NSNA Hữu Tuấn miệt mài phấn đấu và học hỏi. Khao khát lưu lại và giới thiệu những nét đẹp bình dị trong cuộc sống đời thường nên hầu hết tác phẩm của NSNA Hữu Tuấn đều chụp về cảnh và người lao động.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Tuấn

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Tuấn

Hữu Tuấn bỏ ra gần 20 năm (và sẽ còn hơn nữa) để đi tìm cái đẹp trong cuộc sống. Có thể đó là sân phơi bắp vàng ươm, trại bò sữa ăm ắp niềm vui hay trang trại nuôi đà điểu với nhiều thú vị,... hoặc cũng có thể là những giúp đỡ rất chân thành của bộ đội với dân, những nụ cười trong sáng của trẻ thơ hay nếp nhăn trên đuôi mắt mẹ già,... tất cả qua lăng kính nghệ sĩ Hữu Tuấn đều có thể biến thành nghệ thuật.

Nghệ sĩ chia sẻ: “Trong cuộc sống lao động hàng ngày luôn ẩn chứa những hình ảnh đẹp nhưng lại ít người quan tâm, để ý. Tôi chỉ muốn giới thiệu với mọi người những nét đẹp ấy mà thôi!”.

Đó có thể gọi là thành công, cũng có thể gọi là sự đền đáp xứng đáng cho những kỳ công, nỗ lực. Bởi lẽ, để có được một bức ảnh tuyệt vời đòi hỏi người nghệ sĩ phải đầu tư không ít. Nghệ sĩ Hữu Tuấn kể, để có bức Giúp dân chống lũ, nghệ sĩ phải “phục” trên... ngọn tràm cả buổi sáng và bỏ lỡ mất một bữa tiệc mà mình đang trên đường đi dự.

“Nhìn thấy cảnh bộ đội giúp dân gặt lúa chạy lũ, tôi biết mình phải chụp lại cảnh này. Để có góc chụp ấn tượng, tôi chọn trèo lên ngọn tràm gần đó và đợi đến khi các chú bộ đội gặt đến khoảng lúa gần ngay dưới gốc tràm nơi tôi đang phục sẵn” - Hữu Tuấn chia sẻ.

Tác phẩm Nghề truyền thống đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi Ảnh quốc tế lần 9 tổ chức tại Việt Nam của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Tuấn (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tác phẩm Nghề truyền thống đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi Ảnh quốc tế lần 9 tổ chức tại Việt Nam của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Tuấn (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Đong đầy kỷ niệm

Những lần trèo cây như thế cho các nhiếp ảnh gia những kỷ niệm khó quên. NSNA Hữu Lý kể: “Trong cuộc đời làm nghề nhiếp ảnh của tôi có nhiều kỷ niệm, nhưng mấy lần té cây chắc không làm sao quên được”. Mấy mươi năm cầm máy, NSNA Hữu Lý té cây 3 lần. May mắn vì mỗi lần té như vậy chỉ ê ẩm toàn thân, đau người, tức ngực chứ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Lý

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Lý

NSNA Hữu Lý có một tác phẩm được nhiều người biết đến và thường được xem là biểu tượng của Long An là tác phẩm Hương sen Tháp Mười. Bức ảnh chụp chiếc xuồng ba lá chèo giữa đồng sen tại khu Làng nổi Tân Lập. Để có tác phẩm đó, người cầm máy một lần “phi thân” từ ngọn tràm xuống đất đến “choáng váng mặt mày”.

Ông kể: “May nhờ lúc đó, dưới đất có lớp cỏ dày nên tôi không sao. Bớt đau rồi đứng dậy, trèo lên chụp lại”. Rồi đôi lần “phi thân” nữa vẫn không ngăn được NSNA Hữu Lý theo đuổi nghiệp nhiếp ảnh.

Tác phẩm Hương sen Tháp Mười của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Lý được xem như một biểu tượng của Long An (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tác phẩm Hương sen Tháp Mười của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Lý được xem như một biểu tượng của Long An (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ông kể thêm: “Có lần đi chụp ảnh Đồng Tháp Mười mùa nước nổi, tôi té xuống sông, máy móc chẳng còn gì nhưng mỗi chuyến đi là một kỷ niệm, một cuộc gặp gỡ là một câu chuyện. Tôi có bức Ấm áp tình thương chụp trong đợt theo đoàn cứu trợ của Hội Chữ thập đỏ vào mùa lũ năm 1994, được triển lãm tại Thụy Sĩ. Bức ảnh có tiền cảnh là lá cờ chữ thập đỏ, hậu cảnh là căn nhà ngập chỉ còn mái nhà thôi”.

NSNA Hữu Lý theo đuổi dòng ảnh báo chí, sự kiện nên các tác phẩm của ông cũng mang phong cách riêng. Ảnh của ông có thể không giàu tính nghệ thuật nhưng mang trong đó một câu chuyện nhỏ và ông không chỉnh sửa ảnh. Ông lưu giữ hầu như tất cả những bức ảnh của mình bởi với ông, mỗi bức ảnh là một kỷ niệm của những chuyến đi dài của một thời tuổi trẻ.  Đến bây giờ, khi không còn trẻ nữa, ông vẫn tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình, và nhắc đến cái tên Hữu Lý thì trong lòng bạn bè, người quen của ông nghĩ ngay đến hình ảnh ông và chiếc máy ảnh kề ngay bên cạnh. 

Ngày nay, nhiếp ảnh trở nên phổ biến, bám sát diễn biến cuộc sống xã hội, mọi sự phát triển của đất nước. Ảnh nghệ thuật, ảnh báo chí thể hiện được dáng vóc quê hương hùng vĩ, tầm cao của người lao động và những người đang ngày đêm bảo vệ Tổ quốc. Đó là những món quà mà đội ngũ những người cầm máy mang đến cho cuộc sống muôn màu./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích